explicitClick to confirm you are 18+

Nhạn quá trường không, Ảnh Trầm Hàn Thủy

LotusSep 13, 2018, 8:21:00 AM
thumb_up121thumb_downmore_vert

             Hương Hải thiền sư

                   (1628 - 1715)- Thời Hậu Lê – Việt Nam

Không rõ tên thật, tục gọi là Tố Cầu. Tổ quán vốn là người làng Áng Ðộ huyện Chân Phúc (sau đổi là Chân Lộc rồi Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An. Sống vào thời Hậu Lê. Năm 18 tuổi đỗ cử nhân. Vào năm 1652 được bổ làm tri phủ Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Năm 1655 từ quan, xuất gia với thiền sư Viên Cảnh được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiên Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Năm 1682, ông vượt bể ra Đàng Ngoài và ở hẳn lại miền Bắc. Ông nổi danh qua nhiều nơi hành đạo, sau cùng lập chùa Nguyệt Đường ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông là người đã chấn hưng thiền phái Trúc Lâm, đã dịch kinh, chú giải và sáng tác hơn 30 tác phẩm.

Xin giới thiệu một bài thơ hay mang đậm chất Thiền về lẽ tính không của ông.

Bấy giờ Thiền Sư Hương Hải đã 78 tuổi, được vua Lê Dụ Tông mời vào nội điện lập đàn cầu tự vì hiếm con. Vua hỏi Sư:

– Trẫm nghe Lão Sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão Sư thuyết pháp cho Trẫm nghe để Trẫm được liễu ngộ.

Sư đáp:

– Xin bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu 4 câu kệ này:

                 Phản văn tự kỷ mỗi thường quan

                 Thẩm sát tư duy tử tế khan

                 Mạc giáo mộng trung tầm trí thức

                 Tương lai diện thượng đỗ sư nhan

              Mỗi giây phút trở về nghe ngóng tâm ta

              Quan sát và tư duy cho cặn kẽ

              Không cần đi tìm tri thức trong mộng

              Sau này sẽ thấy mặt Phật trên mặt mình

                                     HT Thích Nhất Hạnh Từ dịch:

             Hằng ngày quán lại chính nơi mình

             Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh

             Trong mộng tìm chi người tri thức

              Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình.

                                       HT Thích Thanh Từ dịch:

Vua lại hỏi thêm:

– Thế nào là thâm ý của Phật? Sư đáp:

                    Nhạn quá trường không

                    Ảnh trầm hàn thủy

                    Nhạn vô di tích chi ý

                    Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

                            Hương Hải Thiền Sư

                          (Trích “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn)

                    Nhạn bay trên không

                    Bóng chìm đáy nước

                    Nhạn không có ý để dấu

                    Nước không có tâm lưu bóng.

                            HT Thích Thanh Từ dịch:

                   Nhạn bay ngang trời

                   Bóng chim đầm lạnh

                   Nhạn không có ý để lại dấu tích

                   Nước không có ý lưu bóng hình

                              HT Thích Nhất Hạnh dịch 

               Nhạn bay mãi vượt qua tầng không.

               Bóng chìm dưới dòng nước lạnh.

               Nhạn không có ý để lại vết tích.

               Nước không có lòng lưu ảnh.

                           Hoàng Nguyên Chương dịch

Sau khi nghe bài thơ của Sư, vua khen ngợi:

– Lão Sư thông suốt thay.

“Cánh chim nhạn bay trên không. Ảnh của chim hiện trong nước. Ảnh chỉ hiện đúng được khi sóng (niệm) lặng. Chim nhạn (hay vật, hay cảnh, hay là pháp) không có ý lưu dấu (đây là chỗ mây rồi sẽ bay qua đi, sóng rồi sẽ lặng xuống, bụi vốn không thật là bụi, niệm vốn thật vô tự tánh).

Nước (hay là Tánh của Tâm, đây là chỗ Thức đã chuyển thành Trí) cũng không có tâm (đây là tâm vô tâm, hay tâm của kẻ giác ngộ, gọi khác là tâm đã không còn một hiện tượng) lưu bóng chim nhạn (đây là chỗ cảnh tự trụ cảnh, niệm cứ việc khởi, bụi cứ việc bay, nhưng gương Trí đã sáng, sự thật là vốn hằng sáng, thì lấy đâu là nơi cho niệm lưu, cho bụi bám

Đây là cảnh giới của vô tâm, nhưng Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán (như cách gọi của Sư Lâm Tế).

Cánh chim nhạn (hay là cảnh, hay pháp) thấy được là không (pháp vốn tự tánh) rồi, và nước (khi bặt sóng, hay tâm vô tâm, hay Tánh của Tâm, hay tánh vô tự tánh của tâm) đương nhiên hiện ảnh (nhạn đến thì hiện nhạn) mà không hề khởi tâm (tâm đã không thì lấy gì để khởi), mà cũng không có tâm lưu ảnh (thấy được tánh của pháp là vô tự tánh, tánh của niệm là vô tự tánh, vào nơi vô niệm mà niệm vẫn hằng sinh, hay ở nơi niệm mà vẫn hằng vô niệm – tâm của kẻ giác ngộ – thì lấy tâm nào để mà lưu ảnh).

Một khi đã thấy pháp (hay cảnh, hay nhạn) vốn vô tự tánh (không ý lưu bóng) và nước (tâm) vốn vô tự tánh (nên không tâm lưu ảnh) thì đã vượt qua cả cảnh giới tâm cảnh nhất như (cảnh giới thứ ba của Tứ Liệu Giản, pháp không và tâm không). Đây là cảnh giới thứ tư của Tứ Liệu Giản, tâm tự trụ tâm, cảnh tự trụ cảnh; pháp và tâm đã không (vô) tự tánh được rồi lại tới đây (trong 4 câu này) ngay đến cái không (vô) đó cũng không dựng lập lên thì lấy đâu mà không với có nữa. Bấy giờ là cảnh giới niệm khởi mặc niệm mà tâm vẫn hằng vô niệm, lấy gì mà dựng lập Niết Bàn với sinh tử, thiên đường hay địa ngục.

Nói trở lại, tâm đã không và pháp đã không thì hiện tướng tâm cảnh nhất như, chỉ còn một cái thấy biết mình người không cách nhau tới một sợi tóc, thấy tính bình đẳng của vạn pháp (phạm trù thứ ba nhắc trên). Nhưng trong bốn câu này, cái đa (mình người, tâm pháp, nước và nhạn) đương nhiên đã không dựng lập (vốn không ý không tâm thì lấy gì mà dựng với lập), mà ngay đến cái nhất (mình người, tâm pháp vô phân biệt) cũng không hề có (cái vô phân biệt cũng không hề dựng lập) thì lấy gì mà gọi nhất như với như nhất nữa. Nói trở lại lần nữa cho rõ hơn, không thấy cái đa thù (phân biệt) thì thấy cái nhất như (tính bình đẳng hay tâm vô phân biệt), nhưng ở đây (bốn câu của Sư Hương Hải) trong cảnh giới này ngay đến cái như ấy còn không dựng lập thì còn chỗ đâu mà đa với nhất, mà gọi là phân biệt hay vô phân biệt. Nói cho đúng thuật ngữ nhà chùa là, ở chỗ này, lấy gì để mà đoạt với bất đoạt. “

Nguồn:

Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ- Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Thơ Hương Hải - Hoàng Nguyên Chương

Làng Mai

Thiền Viện Thường Chiếu