explicitClick to confirm you are 18+

Chẳng hay Sư muốn điểm cái tâm nào?

LotusSep 10, 2018, 8:40:04 AM
thumb_up58thumb_downmore_vert

Trong chuyện Thiền Tông rất phổ thông, Thầy Muốn Điểm Tâm Nào? Thuật lại về chuyện một bà già bán điểm tâm bên đường gặp sư Đức Sơn Tuyên Giám dưới đây.

Thiền sư Tuyên Giám (780-865) họ Chu, quê ở Kiếm Nam, Giản Châu, xuất gia lúc 20 tuổi., Sư thông Luật tạng và các bộ kinh, luận. Vì thường giảng Kim cang bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh nên người đời gọi sư là Chu Kim Cang. Nghe Nam phương Thiền tông thịnh hành sư bất bình nói:

“Kẻ xuất gia muôn kiếp học uy nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật. Bọn ma ở phương Nam dám nói ‘Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.’ Ta sẽ nghiền nát ngòi bút của bọn phản đạo này quét sạch tận hang ổ của chúng, diệt hết bọn ma quái để đền ân Phật.”

Sau đó, sư biết ở phương nam có địch thủ Thiền tông được rất đông người theo. Lửa giận bốc lên, Vì vậy, sư bèn khăn gói mang theo bộ Thanh Long sớ sao luận giải kinh Kim Cang, rời Tứ xuyên nhắm Hồ nam tiến bước.

Trên đường đi, sư gặp một bà lão bán bánh, vì đói bụng, sư nói:

Xin lỗi, tôi muốn mua hai cái bánh bao để điểm tâm.

Bà lão thấy sư mang sách, liền hỏi:

            Thầy mang sách gì vậy?

Sư đáp:

            Đây là bộ Thanh Long Sớ Sao.

Sớ ấy giảng kinh gì?

            Kinh Kim Cang.

Bà nói: “Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời thầy đi nơi khác.”

Thiền sư đồng ý. Bà già dẫn trong kinh Kim Cang hỏi:

- Phật dạy: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (1), chẳng hay Thầy muốn điểm cái tâm nào?

Ngài nghe câu hỏi đó thất kinh, không trả lời được, bèn hỏi lại bà già:

Gần đây có Thiền sư không?

Nhân đây bà già mới giới thiệu Thiền sư Long Đàm Sùng Tín ở trên núi gần đó. Ngài trả lời không trôi nên quảy gánh kinh đi thẳng. Vừa tới Long Đàm, Ngài để gánh kinh xuống thì thấy ngài Long Đàm ở trong đi ra, Ngài liền nói: “Ở xa nghe danh Long Đàm, khi tới gần Long không hiện mà Đàm cũng chẳng thấy”. Long là rồng, Đàm là đầm, ý muốn nói đến đây đầm chẳng thấy mà rồng cũng không hiện.

Long Đàm bước ra, nói: “Ngươi đã tới Long Đàm rồi.”

Sư giật mình không đáp được, liền dừng lại đây xin ở lại học đạo. Một đêm tới phiên Ngài hầu Thiền sư. Thấy khuya quá, ngài Long Đàm bảo:

Đêm khuya rồi, sao không đi xuống nghỉ?

Sư kính chào bước ra, lại trở vào thưa:

Bạch Thầy, ngoài kia tối đen.

Long Đàm thắp đèn đưa sư. Sư toan tiếp lấy, Long Đàm liền thổi tắt.

Sư bỗng nhiên đại ngộ, tất cả kiến chấp đều tan vỡ, quỳ xuống lễ bái.

Long Đàm hỏi: “Ông thấy đạo lý gì mà đảnh lễ?”

Sư thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư Hoà thượng trong thiên hạ.”

Hôm sau Long Đàm thượng đường bảo chúng: “Trong chúng đây có một gã răng như kiếm bén, miệng tợ chậu máu, đánh một gậy chẳng ngó lại, khi khác y lên ngọn núi cao vút, dựng lập đạo tràng truyền pháp của ta.”

Sư đem bộ sớ sao ra chất đống nổi lửa đốt và nói: “Tột cùng các biện luận siêu huyền như một sợi lông ném trong hư không; hết sạch các trọng yếu trong đời như một giọt nước rơi vào hồ lớn.”

Sư lễ tạ từ Long Đàm rồi đi du phương.

Sau khi khai ngộ, Sư nhận ra phải dụng công phu mới có thể thực sự hiểu được Pháp tạng. Nếu không chân chánh dụng công, mà thay vào đó chỉ nói Thiền ngoài miệng, dù có thể nói nhiều cũng chỉ là hời hợt, ở ngoài cửa Không, không bao giờ thấm nhuần được đạo lý chân chánh trong Kinh.”

..........................................................................................

(1) [Trong kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể giữ được, tâm hiện tại không thể nắm được, tâm vị lai không thể bắt được.”]

Nguồn:

( Vô Môn Quan )

Duy Lực Ngữ Lục-HT Thích Duy Lực

Giáo Lý Tối Thượng-HT Thích Thanh Từ

Thiền Tâm- Lê Huy Trứ