explicitClick to confirm you are 18+

Phải làm gì để giải quyết những vấn nạn quốc gia hiện tại?

Trấn GiangSep 7, 2018, 9:43:30 AM
thumb_up37thumb_downmore_vert

FB Quân Anh Trần 



05/09/2018

Trần Anh Quân

Cả nước đón chào năm học mới với những bê bối không hề mới, chỉ là mới bị phanh phui của nền giáo dục quốc gia! Nhìn cảnh tượng não nề đang hiện hữu trong "nghề trồng người" thời gian qua, hẳn là sẽ có nhiều người trăn trở rằng chúng ta phải nói gì, phải làm gì để thay đổi hiện trạng đau lòng này và xây dựng một nền móng vững chắc cho tương lai con cháu, cho thế hệ mai sau.

Nào chỉ có giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng bị thao túng, lũng đoạn. Nếu ai đã từng xem video phát biểu của tướng Trương Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, nói về quan hệ Việt-Mỹ-Trung sẽ biết cả bộ máy chính trị cũng bị phụ thuộc vào thế lực ngoại bang.

Giải pháp nào và phải làm gì không phải là một câu hỏi mới. Thậm chí được lặp đi lặp lại mỗi ngày trên từng trang báo, trong từng câu chuyện phiếm trà dư tửu hậu, trong những nhà hàng sang trọng đến những quán cà phê vỉa hè. Câu hỏi ngắn, nhưng câu trả lời thì dài, dài trong tiếng thở dài, dài đến những nếp nhăn in hằn trên trán những người có tâm huyết. Rồi cái lắc đầu cũng dài như hơi thở, lắc đầu ngao ngán vì không biết phải làm gì!

Chấp nhận im lặng là sẽ qua chuyện?

Khi thể hiện quan điểm chính trị trên trang cá nhân, rất nhiều người được khuyên rằng hãy im lặng mà sống đời bình yên. Nhưng liệu bình yên có đến khi chúng ta mãi im lặng?

Người nông dân im lặng để rồi khi được mùa thì mất giá, khi được giá thì mất mùa. Im lặng nhìn thương lái ép giá đã đành. Đóng thuế nuôi chính quyền để rồi cuối cùng chính quyền cũng hùa theo thương lái. Mất giá, mất mùa cũng còn có thể làm lại. Khốn nạn là chính quyền lại cũng chính là kẻ cướp đất của người nông dân. Im lặng nghĩa là mất hết!

Người công nhân, mang tiếng là lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng của dân tộc lại chính là lực lượng bị bốc lột sức lao động nặng nề nhất. Làm thuê mỗi ngày 16 tiếng để đổi lấy vài triệu đồng đóng tiền nhà trọ. Có con không thể ở chung mà phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc vì không đủ tiền nuôi con nơi xứ lạ quê người. Im lặng nghĩa là chấp nhận bán sức lao động đến chết!

Người trí thức thì không có môi trường phát triển tài năng, người doanh nhân thì chịu gánh nặng thuế má, bôi trơn, chung chi... Im lặng nghĩa là chạy theo đồng tiền bất chấp danh dự.

Người công an thay vì bảo vệ nhân dân, quân nhân thay vì bảo vệ Tổ quốc thì lại bảo vệ đảng cầm quyền. Dùng hơi cay, dùi cui và hàng rào kẽm gai để đàn áp những người dám lên tiếng vì lợi ích quốc gia, vì dân tộc, vì đất nước. Im lặng nghĩa là tuân lệnh một cách ngu muội.

Người giáo viên vì đồng lương ba cọc ba đồng mà không dám lên tiếng. Chấp nhận làm con buôn, đi bán chữ kiếm tiền. Họ nghĩ rằng cứ làm theo chỉ đạo cấp trên thì sẽ được yên ổn. Họ dạy con người ta vô số điều sai trái để rồi đến hôm nay, chính con cái của họ cũng phải cam chịu học tập trong nền giáo dục thảm hoạ đó. Im lặng nghĩa là đổi lấy tương lai tăm tối cho cháu con.

Giới văn nghệ sĩ không quan tâm xã hội, im lặng và chỉ cần sống tốt cho bản thân. Nhưng sống tốt thì vẫn ăn thức ăn bẩn và bị ung thư. Sống tốt thì vẫn bị cướp đất trắng trợn. Mình im lặng để mong sống tốt cho mình, nhưng xã hội không tốt với mình, pháp luật không bảo vệ mình, tai nạn xảy ra, mình không thể tránh né được. Rồi ai cũng sẽ nhận ra tất cả đều từ chính trị mà ra.

Nhưng lên tiếng thì được gì?

Đây là một câu hỏi mà những người bất bình trước vấn nạn quốc gia thường xuyên gặp phải. Hệ thống dư luận viên của ban tuyên giáo ngày xưa thường xuyên đặt câu hỏi này để dập tắt tiếng nói phản biện. Bây giờ thì dư luận viên hạng bét cũng không dùng thể loại câu hỏi này, tuy nhiên nó vẫn được rất nhiều kẻ hèn và bưng bô chế độ lặp lại để thách thức những người dám lên tiếng. Cho nên người đặt câu hỏi này không xứng đáng được xếp vào loại hạng bét cùng với dư luận viên.

Nói chuyện quốc gia, chuyện dân tộc, chuyện đồng bào mà để "được gì" mới nói thì quá rẻ tiền. Người viết xin dùng từ mạt hạng để gọi loại này, nếu có gây phản cảm thì xin chịu, trí lực có hạng nên chưa nghĩ ra từ nào khác!

Tất cả mọi câu hỏi đều có câu trả lời, chỉ là chúng ta có tìm ra được câu trả lời thoả đáng hay không, đặc biệt là loại câu hỏi liên quan đến những khía cạnh nhạy cảm như tôn giáo, chính trị. Dù là câu hỏi mạt hạng thì vẫn phải trả lời để tìm cách thăng hạng cho họ. Vì họ vẫn là đồng bào của chúng ta.

Đầu tiên cần nhìn lại vấn đề địa chính trị ở các nước đang cùng tìm đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đông Á là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam. Người dân Bắc Triều bị kiểm soát gắt gao về ngôn luận, không được sử dụng internet, không được bước ra khỏi biên giới khi không được sự cho phép của nhà cầm quyền. Tự do và dân chủ là điều không tưởng ở quốc gia này.

Ở Trung Quốc thì người dân được du lịch, được sử dụng internet nhưng không được phép bàn về tự do, dân chủ, nhân quyền... Không được dùng gmail, google hay facebook, muốn liên kết hay truyền đi thông điệp thì phải dùng rất nhiều cách rắc rối.

Còn ở Việt Nam, chúng ta có đầy đủ mọi yếu tố để lên tiếng tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp. Vậy thì tại sao lại không tận dụng. Chúng ta sử dụng email và các ứng dụng mạng xã hội để kết nối với nhau. Mạng xã hội là vũ khí lợi hại đến mức một số nơi, chính quyền cấm công chức sử dụng facebook vì lo sợ đội ngũ này đọc được sự thật.

Sự thật về những chính sách sai lầm của đảng và nhà nước. Sự thật về nền văn minh của các quốc gia không theo chủ nghĩa xã hội. Sự thật về sự tuột dốc không phanh của nước ta so với sự phát triển của thế giới.

Và có một sự thật không thể chối cãi là với tình hình hiện tại, chỉ có mù, câm, điếc, không có lương tâm, không có lương tri thì mới không nhận ra thực trạng quốc gia. Cái xấu xa, cái tệ hại lộ ra mỗi ngày, mỗi giờ trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội mà không ai có thể che giấu được nữa. Cần phải lên tiếng để những người này sớm nhận ra sự thật.

Sự thật cuối cùng là "đám đông vẫn không dám nhìn vào sự thật". Không dám đối diện với sự thật vì trước giờ vẫn tin những lời lẽ mị dân, tuyên truyền dối trá. Hình ảnh dối trá về sự hoàn hảo của chế độ bị lộ rõ, nhưng họ vẫn không thể tin, không thể chấp nhận. Không chấp nhận sự thật là mình đã sai. Và dù không tin, nhưng với sự tha hoá và xuống cấp của xã hội hiện tại, trước sau gì nỗi đau cũng đến với từng người. Cần phải lên tiếng để những người im tiếng đủ bản lĩnh đối điện với sự thật.

Nhà nước cũng vậy, biết là sai, nhưng vẫn sợ thay đổi. Sợ "tự diễn biến" trong hàng ngũ cán bộ đảng viên. Nhưng làm sao mà cấm bộ não con người diễn biến được? Và thực tế là sau khi nhận ra sự thật thì rất nhiều đảng viên đã viết đơn bỏ đảng.

Nói ra rồi làm sao nữa? Có một mình thì thay đổi cái gì?

Để lên tiếng phản biện, ai cũng phải mất nhiều thời gian đấu tranh tư tưởng về những điều mình được học và những điều mình nhận thấy. Đâu là sự thật? Và khi nhận ra sự thật rồi thì bắt đầu sợ! Sợ mình không giống ai, sợ người ta nghĩ mình phản động, thậm chí là sợ chính suy nghĩ của bản thân. Chẳng những là sợ mà còn là sự hoang mang đến bấn loạn khi phải chọn. Chọn nói thật, sống thật hay chọn chấp nhận sự giả dối?

Câu trả lời đôi khi nằm trong chính câu hỏi mà chúng ta không nhận ra. Quay trở lại vấn đề sử dụng facebook, và mạng xã hội. Chính nhờ sự tiến bộ của công nghệ hiện đại từ các nước phát triển mà con người được kết nối dễ dàng với nhau, thông tin ngày càng minh bạch hơn. Người dân nhận thức tốt hơn về những bất cập trong xã hội, những chính sách hà khắc và mang tính bốc lột của nhà cầm quyền ngày càng lộ rõ.

Nếu ai đó bảo lên tiếng trên mạng xã hội không có ý nghĩa, không có kết quả thì phải tự hỏi tại sao giới cầm quyền ở những thể chế chuyên chính độc tài lại sợ facebook đến vậy. Họ sợ người dân biết sự thật và mạng xã hội cung cấp sự thật cho người dân. Rất nhiều dự luật phi lý không được thông qua vì áp lực của mạng xã hội. Chính vì vậy mà nhà cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam ban hành luật An ninh mạng để kiểm soát việc tiếp cận thông tin của người dân.

Như câu nói của Hồ Chí Minh: "dân chủ là làm cho dân mở miệng". Tuy nhiên làm sao để người dân dám lên tiếng? Lên tiếng trước bất công xã hội thì bị đàn áp, lên tiếng đấu tranh cho công bằng, công lý thì bị trù dập, bị gọi là thế lực thù địch kích động...

Dám hay không dám đều đến từ nỗi sợ. Độc tài không dám thay đổi vì sợ sự thật, người dân sợ vì thiếu hiểu biết nên không dám lên tiếng. Sợ ma vì chưa từng thấy ma. Sợ bị bắt đi tù vì không có kiến thức pháp luật. Sợ làm sai vì không biết làm thế nào cho đúng. Cho nên những người dám lên tiếng tranh đấu cho sự công bằng của xã hội thì phải hiểu rõ việc mình đang làm. Phải truyền đạt được kiến thức và sự hiểu biết của mình đến những người xung quanh. Phải cho người dân biết nói thật không phạm pháp, nói thật không ở tù, nói thật không nghèo, không nhục. Phải giúp người dân vượt qua nỗi sợ để mở miệng!

Số lượng người dám lên tiếng hiện chỉ là thiểu số trong xã hội, nhưng đang dần phát triển càng ngày càng đông. Họ lên tiếng vì họ biết họ đúng, cái họ nói là sự thật, cái họ bảo vệ là chính nghĩa.

Hôm nay một người dám nói nhưng không thay đổi được xã hội, cứ tiếp tục đi, ngày mai lại có thêm một người nữa. Tất cả đều chỉ là những cá nhân nhỏ bé, cùng nhau, sẽ xây dựng nên một tập thể hùng mạnh. Một mình ta không làm được thì kết nối lại, chúng ta sẽ làm được.

Năm nay một người nói cho 10 người nghe. Người đó nói đúng, vẫn sống tốt vì nói sự thật, tôn trọng hiến pháp và pháp luật hiện hành. Năm sau mỗi người trong 10 người kia lại tìm thêm 10 người khác. Số 0 thường không có ý nghĩa, nhưng mỗi năm chỉ cần tăng lên một số 0 sau số 1 thì 7-8 năm nữa đất nước sẽ khác.

7-8 năm có vẻ hoang đường, nhưng cứ nhìn lại tình hình năm 2010 (cách đây 8 năm) với hiện tại để thấy tiếng nói của người dân đã thay đổi đến thế nào. Và thêm 8 năm nữa, từ nay đến 2026, chẳng ai nói trước được điều gì.

Dĩ nhiên, nhà cầm quyền độc tài biết điều đó, có thể họ sẽ dùng bạo lực để đàn áp, để bỏ tù những người dám lên tiếng. Nhưng nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, so với xương máu mà ông cha đã bỏ ra cho đất nước này thì những mất mát của chúng ta chẳng là gì cả!

Có những người đọc đến đây vẫn chọn im lặng. Họ cứ im lặng đi, chẳng sao cả (im lặng, nhưng đừng bắt người khác phải im lặng giống mình). Ai dám nói cứ nói, khi lượng người dám nói tăng lên thì những người im lặng sẽ bắt đầu mở miệng. Tâm lý đám đông sẽ trang bị sức mạnh cho tinh thần họ. Đừng nôn nóng, cứ cố gắng, rồi họ sẽ cùng ta.

Kark Marx cho rằng "ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh". Muốn đấu tranh thành công, chúng ta phải đoàn kết, muốn đoàn kết, đầu tiên chúng ta phải kết nối với nhau. Những người mạnh mẽ lên tiếng đang dùng mạng xã hội để kết nối thành một cộng đồng hùng mạnh. Có thể bảo họ là anh hùng bàn phím. Nhưng nếu không gõ ra suy nghĩ của mình trên bàn phím được thì làm sao dám hành động khi mẹ Tổ quốc cần?

Lượng sẽ sinh ra chất, khi tất cả người dân có đủ dũng khí thì không sợ gì không có nhân tài đứng ra gánh vác công cuộc canh tân. Khi hiến pháp được toàn dân phúc quyết, khi người dân có thể dùng lá phiếu để quyết định vận mệnh của mình, để chọn ra người lãnh đạo chính danh thì không sợ gì không giải quyết được những vấn đề nan giải trong xã hội. Việt Nam chưa bao giờ thiếu người tài!

Ý chí là một ngọn lửa, khó khăn thử thách như cơn gió. Gió dập tắt ngọn lửa nhỏ nhưng thổi bùng lên ngọn lửa lớn. Ai cũng tồn tại một ngọn lửa trong người, có điều là ngọn lửa đó đã đủ lớn để bùng lên chưa mà thôi.

____

Xin kể một câu chuyện về bản thân người viết.

Hai năm trước mỗi lần tôi lên tiếng nói về chính trị, bạn bè gọi tôi là phản động, có người trong nhà còn gọi tôi là Việt Tân. Cha mẹ tôi cũng khuyên tôi im lặng mà sống.

Tôi chẳng nói gì, chỉ tặng cha cái ipad, hướng dẫn cha cách dùng facebook, để cha theo dõi những kênh đài uy tín. Và giờ gia đình chính là đồng minh, là chỗ dựa vững chắc nhất để tôi có thể tự tin cất cao tiếng nói của mình.

Còn bạn bè tôi, có người từng block facebook tôi vì sợ đọc bài của tôi. Gần đây họ mở khoá tôi và phê phán đảng - nhà nước còn hơn tôi. Chẳng cần ai kích động hay nói ra nói vào, chỉ cần họ dám nhìn vào sự thật, họ sẽ tự thay đổi. Chẳng có tiền nào mua được lòng dân. Chẳng có phản động, Việt Tân nào đủ khả năng tác động tới chúng tôi.

Tôi cũng biết là lên tiếng nói sự thật trong một xã hội dối trá với một nhà cầm quyền gian manh thì rất nguy hiểm, nhưng chỉ là đi tù thôi mà, vài năm cũng ra. Cùng lắm là chết, cũng chỉ có một lần chết. Thà chết vì lên tiếng tranh đấu cho quốc dân, cho đồng bào mình chứ không thể cúi đầu sống hèn sống nhục được. Chúng ta chỉ có thể vượt qua giới hạn khi biết rõ giới hạn của mình. "Khi người dân còn sợ nhà nước thì còn độc tài, khi nhà nước sợ dân thì sẽ có dân chủ" câu này của ai nói không nhớ, nhưng đúng!

Một số người phản biện rất mạnh mẽ trên mạng xã hội nhưng chặn hết facebook người thân bạn bè. Tôi thì khác, tôi cố ý kết bạn với các thầy cô giáo đã và đang dạy mình, viết bài để họ đọc, để cung cấp cái nhìn đa chiều, để ngầm nhắn nhủ họ mạnh mẽ hơn. Tôi kết bạn cả với những người làm công an, quân đội với niềm tin rằng sẽ diễn biến được những bộ não u mê.

Cho họ hiểu rằng họ không ngu, mà chỉ là cái nhìn một chiều đang tàn phá lý trí và con người họ. Cho họ biết rằng chẳng người dân nào ghét họ, chỉ là ghét cái ác, cái xấu xa, cái dối trá của chủ nghĩa mà họ đang theo đuổi và ra sức bảo vệ. Cho họ biết cái hậu quả tồi tệ mà chủ nghĩa đó mang lại cho đất nước ngày hôm nay.

Tôi nỗ lực từng ngày để họ hiểu rằng chẳng nguỵ quyền gì đâu, chẳng cờ đỏ cờ vàng gì như ban tuyên giáo tuyên truyền đâu. Cái mà tôi và những người bất đồng chính kiến với đảng cầm quyền muốn là cải cách để xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ hơn, công bằng hơn, văn minh hơn. Tất cả những điều đó đều được hiến định. Chúng tôi chẳng xuyên tạc, chống phá gì cả! Chúng tôi chỉ nói sự thật, và chỉ cần sự thật.

Từ khi mạnh dạn nói lên quan điểm chính trị, tôi gặp được rất nhiều người tốt thuộc đủ mọi thành phần xã hội: tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà báo, doanh nhân... Tất cả đều cùng một mong muốn xây dựng một đất nước có nền tảng pháp quyền vững chắc, một cơ chế tiến bộ, một xã hội phát triển hùng mạnh để được tự hào khi mang dòng máu Việt Nam trong người. Quả thật, đúng là chọn bạn mà chơi, những người bạn tốt, chính trực đã giúp tôi thay đổi rất nhiều.

Tôi tìm hiểu được nhiều thứ và học được nhiều điều để hoàn thiện bản thân, vì đã không nói thì thôi, đã nói là phải nói đúng. Và nói đúng rằng: tất cả chúng ta là người Việt Nam, chúng ta tự hào vì dòng máu đỏ da vàng đang chảy trong huyết quản. Chúng ta phải có trách nhiệm thay đổi để xã hội này, đất nước này tốt đẹp, hùng cường đúng với tiềm năng mà chúng ta có. Đó là trách nhiệm chung, không của riêng ai.