Nếu như ngày xưa đó là giúp đỡ cho các nước anh em xã hội chủ nghĩa thì bây giờ Trung Quốc nhìn việc viện trợ phát triển như là một chiến lược để chiếm lĩnh thị trường và tối đa hóa lợi nhuận, phần V của loạt bài về “Lần trỗi dậy của Trung Quốc” từ trang Làn Sóng Đức.
Cả một thời gian dài, cho tới sang những năm 2000, Trung Quốc là người nhận viện trợ phát triển, thậm chí là từ Đức. Mãi đến năm 2007 Trung Quốc mới bắt đầu đóng góp cho Tổ chức Phát triển Quốc tế, một tổ chức con của Ngân hàng Thế giới, chịu trách nhiệm cho các nước phát triển vay tiền. “Từ chỗ là người nhận sự hỗ trợ của Phương Tây, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia chi tiền quan trọng cho các nước ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La-tinh”, theo như trang mạng của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang (BMZ).
Tuy vậy, mặc cho những khó khăn riêng về kinh tế, Trung Quốc dưới thời Mao Chủ tịch đã thực thi tình đoàn kết với các “quốc gia anh em xã hội chủ nghĩa” và đã giúp đỡ về mặt vật chất trong khi trong nước của chính mình một phần đang có nạn đói. Viện trợ phát triển đối với Bắc Kinh luôn luôn là một công cụ đối ngoại quan trọng để bảo đảm sự ủng hộ về chính trị. Ngay cả sau thời của Mao, Trung Quốc cũng mở rộng các mối quan hệ với những nước đang phát triển, bây giờ là dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế thời kỳ mới của nó và trong ý nghĩa của “cộng tác Phương Nam với Phương Nam”
Giúp đỡ, hỗ trợ, kinh doanh?
Theo thông tin chính thức của Trung Quốc năm 2016, trong vòng sáu thập niên vừa qua Trung Quốc đã trao 400 tỉ Nhân dân tệ (tính ra là 47,7 tỉ euro) viện trợ phát triển cho 166 nước và tổ chức quốc tế.
Theo tính toán của viện nghiên cứu Mỹ AidData, toàn bộ sự giúp đỡ nước ngoài của Trung Quốc từ 2000 đến 2014 là 290 tỉ euro, trong đó viện trợ phát triển truyền thống chiếm 61,3 tỉ và các khoản vay theo những điều kiện ưu tiên là 224 tỉ euro. Theo đó, viện trợ phát triển theo lối truyền thống dưới dạng tài trợ đóng một vai trò tương đối nhỏ. Phần chủ yếu chảy vào trong các dự án thương mại và được cung cấp dưới dạng các khoản cho vay.
“Viện trợ phát triển của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong những gì mà họ hiểu là hoạt động giúp phát triển. Và khái niệm này về phần nó thường không mang nghĩ gì khác ngoài việc kinh doanh”, Matt Ferchen từ Carnegie-Tsinghua-Centre for Global Policy giải thích trong lúc trao đổi với Làn Sóng Đức. Ở Phương Tây, người ta thông thường hiểu viện trợ phát triển là các khoản trợ cấp hay những khoản cho vay đặc biệt có lợi, trong khi Trung Quốc xem viện trợ phát triển như là một phương án linh hoạt mà trong đó thương mại, đầu tư và tài trợ hợp lại với nhau.
Trung Quốc như là “người bạn đáng tin cậy”
Đối với Bắc Kinh, sự hỗ trợ này dựa trên sự “bình đẳng giữa các đối tác và có lợi cho cả đôi bên” và không có điều kiện về chính trị. Vì vậy mà Trung Quốc không yêu cầu giới lãnh đạo chính phủ của các nước nhận viện trợ có những tiêu chuẩn tối thiểu như Hoa Kỳ thường hay yêu cầu. Đối với những nước mà tính pháp quyền còn ít thì đầu tư từ Trung Quốc có nhiều ưu thế, theo như Ferchen giải thích. Họ nhìn Trung Quốc như là một “người bạn đáng tin cậy”.
Ví dụ như năm 2015, nguyên tổng thống Simbabwe, Robert Mugabe, đã so sánh Trung Quốc với Phương Tây sau khi ký mười hiệp định thương mại với Trung Quốc: “(Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình) đại diện cho một nước đã từng là một nước nghèo, một nước mà không bao giờ chiếm chúng ta lấy làm thuộc địa. Ông ấy làm cho chúng ta những gì mà chúng ta lẽ ra đã chờ đợi từ các ông chủ thuộc địa trước đây của chúng ta.”
Chuyên gia phát triển Ferchen nghi ngờ rằng loại quan hệ trong chính sách phát triển này về lâu dài sẽ mang lại thành công. “Khi các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc không quan tâm đến các tiêu chuẩn về lãnh đạo tốt thì họ phải chịu nguy cơ là các đối tác của họ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh đến một lúc nào đó sẽ không còn có khả năng giữ vững những mối quan hệ này, trả các món nợ của họ và vẫn tiếp tục duy trì cuộc kinh doanh”
Phê phán từ châu Phi
Bắt đầu từ chính sách cải cách trước đây 40 năm, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư xuyên biên giới lớn nhất tại các dự án hạ tầng cơ sở. Những nhà tài trợ truyền thống ở Phương Tây rất nghi ngờ về động lực và hậu quả của sự hợp tác phát triển từ Trung Quốc. Đặc biệt từ châu Phi có nhiều tiếng nói phê phán của các chuyên gia: nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ không mang lại gì nhiều cho người dân địa phương, các nhà đầu tư chỉ muốn tạo điều kiện dễ dàng để nắm lấy thị trường và tài nguyên của nước đó.
Tại một cuộc khủng hoảng nợ của nước nhận tiền, người ta có thể nhanh chóng nhìn thấy những điều kiện bất lợi của các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, Patrick Bond của Wits School of Governance tại Đại học Nam Phi Witwatersrand nói. Bond nêu ra thí dụ Sri Lanka mà chính phủ của nước này năm 2017 đã cho Bắc Kinh thuê cảng Hambantota, vì Sri Lanka không có khả năng chịu đựng các phí tổn. Các nhà phê phán nhìn việc chuyển nhượng khu cảng này cho Trung Quốc như là một việc làm suy yếu chủ quyền của Sri Lanka.
Bond cũng chỉ đến đoạn đường sắt dài 472 km từ Mombasa đến Nairobi, được gọi tắt là SGR và được khai trương trong tháng 5 năm 2017. Toàn bộ số tiền đầu tư 3,8 tỉ dollar là do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đưa ra. Ngân hàng Thế giới đã bài tỏ nghi ngại, rằng vận hành tuyến đường sắt này sẽ tạo ra đủ thu nhập để trả nợ.
Theo Bond, cả Sambia cũng là một ví dụ xấu: Đất nước này đang phải gánh một món nợ lớn vì những đầu tư của Trung Quốc trong ngành khai thác mỏ. Đã thường hay xảy ra những vụ xung đột bạo lực giữa những thợ mỏ và các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tham nhũng và gây ảnh hưởng chính trị
Nghiên cứu của AidData cho thấy rằng các dự án phát triển của Trung Quốc ở châu Phi thường tập trung vào những vùng đất mà các nhà chính trị địa phương và các nhân vật lãnh đạo đang có nhà ở tại đó. Những vùng có ít người “quan trọng” hơn theo đó là bị thiệt thòi.
Qua những nghiên cứu như vậy, Bond thấy ý kiến của mình được xác nhận, rằng các đầu tư của Trung Quốc vào những nước đang phát triển thường hay đi cùng với bóc lột, tham nhũng và gây ảnh hưởng chính trị. Ví dụ mới nhất là vụ lật đổ không đổ máu nhà độc tài Mugabe ở Simbabwe mà theo đánh giá của những nhà quan sát thì chỉ có thể được tiến hành với sự đồng ý không chính thức của Trung Quốc.
Fang Wan
http://www.dw.com/de/chinas-verst%C3%A4ndnis-von-entwicklungshilfe/a-43651155
#china #trungquoc #srilanka #hambantota