explicitClick to confirm you are 18+

Sạp báo ông Cò

PhanBaJul 6, 2018, 7:07:56 AM
thumb_up9thumb_downmore_vert

Ông là Nhảy Dù Cố Gắng. Ông là Lôi Hổ Nhảy Toán. Ông là bí thư cho Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, là phái viên đặc nhiệm được bí mật cử ra lo vụ rắc rối Bàn thờ Phật Xuống Đường 1966 tại Đà Nẵng… Ông là cảnh sát trưởng, là sĩ quan Bộ Tư Lệnh Không Quân ngồi chơi xơi nước… Nay ông là người đứng bán báo chùa ở khu Eden. Cho dù ông đảm nhiệm chức vụ gì, như lời ông nói, “là anh em cả mà” và đối với anh em, ông là Cò Ly.

***

Vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, cách nói để chỉ một khung cảnh địa lý khá lớn bao gồm cả một phần Bắc Virginia, Nam Maryland có một cộng đồng người Việt đông đảo. Con số ước lượng không chính thức cho lắm nhưng cũng khá chính xác cho thấy đang có tới trên 60 ngàn người Việt sinh sống.

Trước đây có ba tiệm sách báo là Alpha, Thế Hệ và Minh Văn. Tiệm xưa và rộng nhất, Alpha, đã đóng cửa ba năm. Tiệm Thế Hệ của nhà giáo Đặng Đình Khiết lỗ lã, không chịu nổi tiền thuê nhà ở khu Eden càng ngày càng cắt cổ cũng đành đóng. Tiệm Minh Văn thì dời về phòng mạch (!). Sinh hoạt sách vở cứ lụn dần và người yêu sách vở thấy mình hụt hẫng mất cái thú đi ra tiệm sách Việt Nam và để tiện thì xin hoặc mua một tờ báo.

Vùng HTĐ và phụ cận có cả chục tờ báo – xưa nhất là Hoa Thịnh Đốn Việt Báo – và như vậy sinh hoạt báo chí có vẻ rất rầm rộ. Nhưng đi đâu để tìm ra một tờ báo thì lại là cái nan đề cho những người muốn có báo Việt Nam.

Ông Cò Ly kể:

– Cái sáng kiến là của anh em và tính để Bác Châu đứng.

Bác Châu cả tên là Ngô Đình Châu, một “ông bác” hay lẩn quẩn ở khu Eden, nhất là tiệm phở Xe Lửa của luật sư Toàn, một quán phở văn nghệ văn gừng nhất xứ, treo đầy tranh của các họa sĩ nổi tiếng.

Nhưng “bác Châu” lãnh vụ báo bổ có hai hôm thì đương đầu không nổi. Ông Ly kể tiếp:

– Thế là anh em bảo tôi làm kiếm tí tiền còm tiêu vặt. Tôi nhận ngay nhưng không để kiếm tiền tiêu vặt. Tiền còm ở Mỹ bằng tiền triệu ở Việt Nam và ở Việt Nam anh em họ trông chờ mình!

Thế là từ hơn hai tháng nay bà con vùng Hoa Thịnh Đốn hễ đi khu Eden sắm sửa mua bán chợ búa có thể tạt vào cái sạp báo để mua một tờ. Sinh hoạt báo chí ở hải ngoại nói chung và Hoa Thịnh Đốn nói riêng có một luật lệ bất thành văn. Tất cả báo trên nguyên tắc đều đề giá bán cẩn thận nhưng trên thực tế là báo biếu – hoặc như ngôn ngữ của chính các ông làm báo là báo chùa tức báo phát không. Nhà báo sống bằng quảng cáo. Báo in xong đem để ở những tiệm, những cơ sở có đăng quảng cáo và chính các ông chủ tiệm, chủ cơ sở có đăng quảng cáo biếu báo cho khách hàng.

Ông Cò Ly kể:

– Có nhiều vị mừng rỡ vì được mua báo, đỡ phải đi xin. Nhiều bữa ra tiệm quen hỏi muộn, họ trả lời hết báo, và nhiều ông bà bảo cứ đến xin báo mà chẳng mua bán gì kỳ cục lắm, mặt mình cứ trơ ra.

Cái sạp báo dã chiến có mặt vào Thứ Bảy và Chủ Nhật ở khu Eden, trước tiệm phở Xe Lửa gợi đến hình ảnh của một sạp báo quận lỵ miền Nam vào những ngày mới có cuộc di cư 1954. Đặc biệt là có một tấm bìa cứng dán hình chụp một số cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa.

Xin không mô tả những tấm hình nơi đây, nhưng chính những bức hình tương tự đã khiến ông cựu Thiếu Tá Trần Thụy Ly đứng ra bán báo chắt chiu từng xu để “gửi về cho anh em được tí nào hay tí ấy. Mình nghèo thì đã n hèo rồi, có thêm vài chục, một trăm cũng không thay đổi được gì nhưng cái khoản đó đối với anh em ở nhà nó cần lắm, nó lớn lắm.”

– Ông nghĩ gì khi đứng bán báo?

– Tôi có quan niệm giản dị là làm việc gì thì làm tới nơi tới chốn, làm một cách nghiêm chỉnh, làm sao để khi nhìn lại không thẹn với chính mình. Tôi hiện là một người bán báo đầy lương tâm với độc giả mua báo và đối với các vị chủ nhiệm. Sổ sách đàng hoàng, chia chác sòng phẳng.

***

Cái tinh thần trách nhiệm đó có lẽ được nung đúc ngay từ khi ông còn trẻ. Ông nhập trường Võ Bị Đà Lạt năm 1956 lúc mới mười chín tuổi, tốt nghiệp khóa 13 Sĩ Quan Đà Lạt. Đây là khóa sĩ quan đầu tiên được huấn luyện hai năm trong nỗ lực cải tiến quân đội của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Sau đó sáu năm Sĩ Quan Đà Lạt có khóa trình bốn năm). Toàn bộ khóa 13 Sĩ Quan Đã Lạt đã được gửi đi Hoa Kỳ huấn luyện tiếp thêm một năm nữa ở các trường sĩ quan Mỹ.

Ông quan Một trẻ tuổi đã gia nhập Nhảy Dù, sau đó chuyển sang Lôi Hổ, cả hai đều là những đơn vị tinh nhuệ nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc đời ông đổi vì lời giới thiệu của một người bạn, một sĩ quan khác. Ông kể:

– Tôi đang ở Lôi Hổ lội bùn lội đất thì được lệnh trình diện Tướng Nguyễn Ngọc Loan, lúc đó là Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội. Ông nhớ vụ Đà Nẵng năm 1966 chứ? Lúc đó ông Kỳ là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương – Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ – và vụ chống đối của Phật Giáo bùng nổ ở miền Trung, cao điểm là Đà Nẵng. Hình ảnh đen tối nhất là nội chiến tại miền Nam và có thể Cộng Sản sẽ lợi dụng chiếm Đà Nẵng cắt Việt Nam Cộng Hòa làm hai. Tôi là quân nhân không phải chính trị gia và sau này lịch sử sẽ viết rõ về vụ Bàn Thờ Xuống Đường. Điều đáng nói là tôi thông thuộc địa hình địa vật và nhất là có nhiều quen biết với các đơn vị Biệt Động Quân đang trấn giữ ở đó. Tướng Loan hỏi tôi rất nhiều và sau đó tôi đơn thương độc mã ra Đà Nẵng. Chuyện này dài lắm nhưng bây giờ nhìn lại, điều tự hào nhất của tôi là đã giữ cho súng không nổ, tránh được cảnh quân ta bắn quân mình, không để Cộng Sản lúc đó lợi dụng tình hình để tấn công Đà Nẵng.

– Ông lúc đó chỉ là một Đại Úy chưa quá 30 tuổi và ông nghĩ rằng ông đã là người giải quyết vụ Đà

Nẵng?

– Ồ, lịch sử đâu chỉ viết ra bởi một cá nhân, nhưng cái điều nhấn mạnh là tôi tự hào đã giúp để súng đạn không nổ giữa anh em cùng chiến tuyến.

– Sau vụ đó ông trở thành ông Cò?

– Tôi theo đạo Phật nên tin ở nhân quả. Mọi sự xảy ra trên đời phải có cái duyên của nó. Cái duyên của tôi với tướng Loan chỉ vì ông cần một người hiểu biết Đà Nẵng, quen biết các vị chỉ huy trực tiếp các đơn vị ở đó. Nhưng xong công tác thì tướng Loan cử tôi giữ chức cảnh sát trưởng Quận Nhì. Có lẽ vì cung cách tôi xử sự ở Đà Nẵng. Có lẽ vì nhu cầu lúc đó, quân đội nắm toàn quyền và chính phủ muốn ngành cảnh sát được hữu hiệu hóa hơn.

– Đang là một quân nhân nhà nghề, ông chuyển thành cảnh sát và có bí danh Cò Ly, ông có thấy khó chịu vì cái bí danh này không?

– Tôi đã nói rồi, cái gì cũng có cái duyên của nó. Ông có biết tôi chưa bao giờ chính thức lên xe bông không? Có nghĩa là còn “din” đấy. Ngay cả tên tôi cũng đâu phải là Ly. Tên thật lúc mới sinh của tôi là Lý. Trần Thụy Lý. Nguyên tôi sinh ở bên Tàu, ở Quảng Đông, vì bố tôi là công chức sở Bưu Điện được cử sang đó làm việc. Ngày sinh tôi, có ông thợ câu câu được con cá chép lớn đem bán cho nên bố tôi lấy cái tích đó đặt tên tôi là Lý, tức là Lý Ngư với cái ngụ ý Lý Ngư Vượt Vũ Môn. Khi về đến Hà Nội, ông nội tôi mắng bố tôi một trận vì một trong các ông cố của tôi cũng tên là Lý, thế là hỗn, là phạm húy và bố tôi cắt bỏ cái dấu sắc, tên tôi là Ly. Cái tên nó vận vào người, mẹ tôi mất sau đó một năm, tôi thì lúc nào cũng sống xa cách gia đình. Thì Lý rồi đến Ly và Cò Ly có gì khác đâu. Anh em thương nên mới gọi như vậy phải không ông?

***

Quả đối với dân báo chí văn nghệ Sài Gòn lúc đó các ông Cò Ly, Cò Dung, ông Hùng Sùi là những người cảnh sát dễ thương nhất nước. Quân ta bị phạt cứ đến bót cảnh sát yêu cầu đánh chữ đại xá là xong. Tất cả những rắc rối với cảnh sát đều được xí xóa vì “cái tinh thần anh em, tinh thần văn nghệ của các ông Cò.”

Ông Cò Ly không làm ở Quận Nhì lâu. Ông được chuyển xuống làm cảnh sát ở Biên Hòa với cái chức tỉnh trưởng Biên Hòa lấp ló ở cuối đường hầm. Nhưng lại là cái duyên không đến.

Sau đó, ông Thiệu nắm toàn bộ quyền hành ở Miền Nam, tướng Kỳ, tướng Loan (lúc đó đã bị thương ở chân) đều bị ngồi chơi xơi nước.

Ông Thiếu Tá Trần Thụy Ly về bộ Tư Lệnh Không Quân ngồi chơi theo xếp.

Trong suốt buổi đối thoại, ông Cò tránh né trả lời về quá khứ, về đời tư, vì “cái tôi vốn đáng ghét.

Cuộc đời tình ái sự nghiệp của Cò Ly đâu có gì đáng nói so với những anh em kia.”

Và ông chỉ những tấm hình của các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, những anh em của ông nay què cụt đui mù sống tăm tối vất vưởng ở Việt Nam. Ông bảo:

– Trước đây tôi hay xin người này, mõi người kia để gửi tiền về cho anh em ở nhà. Nay tôi đứng bán báo, được lời bao nhiêu tôi gửi về, xem ra cái đồng tiền nó ấm áp hơn, tình nghĩa hơn. Vậy thôi!

***

Từ nay nếu có đi Eden mua sắm, cần thêm tờ báo Việt Nam để đọc, đợi gì mà không ghé quá ông Cò?

Mỗi tờ báo ông Cò được lời từ 25 đến 50 xu, trung bình một tuần ông kiếm được khoảng 100 đô-la cho anh em và như ông nói “ở đây là tiền còm nhưng ở Việt Nam là một khoản lớn.”

Và một điều nữa xin được ghi ở đây là từ ông Cò Ly biết đâu báo chí Việt Nam ở vùng Hoa Thịnh Đốn sẽ phải khởi sắc hơn vì như lời ký giả Ngô Vương Toại nói “Bà con bỏ tiền ra mua thì phải cho đáng đồng tiền bát gạo.”

Trích từ “Chân ướt chân ráo” của cố ký giả Lê Thiệp.

Có thể tải về trọn quyển “Chân ướt chân ráo” ở trang Tài Liệu