KỲ VIII: ĐỪNG NÓI YÊU NHAU CHO TRÂU BÒ RƠI LỆ!
Báo chí từng không ngớt lời ca ngợi “Chuyên án Năm Cam và đồng bọn” như “chiến công phá vụ án hình sự lớn nhất trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam”. Không hoàn toàn vô lý, nếu nhìn vào phiên tòa xét xử vụ án này với đội ngũ bị cáo rất "hùng hậu" – 156 áo sọc đứng trước vành móng ngựa. Nhưng, là người ngoài đời từng quen hoặc biết cha con, cậu cháu nhà Năm Cam cùng không dưới một nửa bị cáo trong vụ án; cũng là người theo dõi, đưa tin, bình luận trước, trong và sau vụ án suốt nhiều năm, bổn giang hồ không nghĩ thế. Dám chắc phiên tóa thực chất là phép tính gộp thô thiển và vội vàng 7 vụ án khác nhau, chẳng liên quan đếch gì đến nhau. Trong 156 bị cáo đứng trước vành móng ngựa thì đã có tới 2/3 “đồng bọn” là những kẻ cho vay nặng lãi, con bạc, tay đao…cóc thèm biết Năm Cam là gã nào. Mặt mũi “ông trùm” thì ra đến tòa, họ mới có cơ hội nhìn thấy lần đầu. Khoảng 1/5 bị cáo còn lại cũng không hề là đàn anh đàn em gì với Năm Cam cả. Bởi, họ nguyên là cán bộ nhà nước, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan công an, viện kiểm sát và báo chí…Nói trắng phớ ra, “Chuyên án Năm Cam và đồng bọn” là một vụ án nhiều tai tiếng, đầy khuất tất, thừa đủ để vấy bẩn cái gọi là “chiến công” từng có kẻ rắp ranh ghi vào biên niên sử!
Mấu chốt dẫn đến chuyên án là vụ bắn chết Dung Hà rạng sáng ngày 2-10-2000. Vụ hành quyết là sản phẩm tội ác sặc mùi Trà Bắc. Nhà tổ chức, đao phủ, nạn nhân, phần lớn kẻ liên đới… đều là dân giang hồ Trà Bắc. Trước vành móng ngựa, vai trò chủ mưu vụ bắn Dung Hà được xác định là Năm Cam. Ông trùm này cũng nhận tội. Nhưng giới giang hồ và nhiều người hiểu chuyện khác, trong đó có chúng tôi vẫn còn lý do để tin rằng nguyên nhân và thủ phạm không chỉ đơn giản là như thế.
Ngày 16-5-2003, phiên sơ thẩm xét xử vụ bắn Dung Hà, Tống Viết Hòa được “mời” ra tòa làm nhân chứng. Giang hồ cho rằng Tống Viết Hòa không thể là nhân chứng. Nếu không phải hầu tòa vì một trong các tội không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm hoặc đồng phạm thì Tống Viết Hòa lẽ ra phải ra tòa vì tội…chủ mưu (giết Dung Hà)! Ngay tại tòa, chính người chịu trách nhiệm điều ta chính vụ giết Dung Hà, cựu trung tá Nguyễn Mạnh Trung, nguyên phó phòng PC16, nguyên Phó Thủ trưởng CQĐT CA TP HCM cũng cho rằng: “Không thể đặt Tống Viết Hòa ra ngoài vụ án”. Hơn 4 tháng sau, ngày 28-9-2003, khi Tòa đang xử phúc thẩm, một lần nữa, bổn giang hồ lại khẳng định lại niềm tin của mình bằng một cái tít lớn chạy vedette trên trang nhất báo ANTG; “Tống Viết Hòa không thể vô tội”. Tất nhiên là ngay sau đó, bổn giang hồ phải giải trình mệt mỏi và suýt nữa phải đối đầu với nguy cơ hầu tòa bởi cáo buộc “cố tình làm lệch hồ sơ vụ án”. Nhưng, chuyện tào lao đó đã không có cơ hội xảy ra. Chính lời khai của các bị cáo tại Tòa đã thể hiện và chứng minh điều bổn giang hồ nhận định là hoàn toàn có cơ sở, cho dù trong cả hai phiên xử, chúng đều không được Tòa xem xét đến!
Nghi vấn chỉ dồn về phía kẻ chủ mưu đích thực, còn nhà tổ chức vụ hành quyết thì không có gì phải hoài nghi bởi đã được chứng minh rõ ràng, đầy đủ bằng chứng cứ. Gọi ghép tên cha là Hải Bánh, tên thật của gã là Nguyễn Tuấn Hải, sinh ngày 7.11.1967. Điều tra và bắt Hải Bánh vì tội tồ chức giết Dung Hà, công chính không thuộc về tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn) mà thuộc về Trung tá Nguyễn Mạnh Trung (Manhtrung Nguyen). Bằng hiểu biết sâu sắc về giang hồ, giới tội phạm và những chứng cứ điểu tra công phu, Trung tá Nguyễn Mạnh Trung đã cho bắt Hải Bánh về tội cố ý gây thương tích (đập nguyên một chồng đĩa lên đầu người khác tại nhà hàng khách sạn Thanh Trà, Q.5). Cũng chính ông Trung là người đã đề xuất với Tổng cục Cảnh sát đưa Hải Bánh xuống tạm giam tại Tiền Giang, tránh nguy cơ bị thông cung hay có những can thiệp tiêu cực có thể đẩy vụ điều tra vào ngõ cụt. Mỉa mai thay, khi quá trình điều tra vụ án đến cao trào thì chính anh Trung lại trở thành cựu Trung tá, sau đó bị khởi tố, ra tòa cũng vì vụ Năm Cam. Việc anh Nguyễn Mạnh Trung bị bắt đã được "báo trước" nhiều ngày. Bổn giang hồ là một trong số những người cuối cùng ăn sáng, uống cà phê rồi ăn trưa với anh Trung lần cuối, sau đó cũng chính bổn giang hồ dùng xe máy chở Trung tá Nguyễn Mạnh Trung đến trụ sở CA TP Hồ Chí Minh nộp mình. Việc này, bổn giang hồ sẽ đề cập chi tiết trong dịp khác...
Hải Bánh có một tuổi thơ êm đềm, giản dị ở nhà số 36, Hàng Cót, Hà Nội.
Năm 1982, đang học lớp 8, Hải nghỉ ngang để đi học nghề thợ hàn. Làm thợ thì... phọt phẹt, nhưng nghề đao búa thì Hải Bánh chẳng kém cạnh gì ai. Khoảng những năm 1982-1985, Hải Bánh là hung thần khu vực các Hàng ở Hà Nội. Sau lưng hắn còn có một đám đàn em đầu trâu mặt ngựa, thằng nào cũng tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt. Chúng sẵn sàng coi việc đụng độ, đấm vỡ mặt người khác là “cái đinh”.
Vì tội cố ý gây thương tích, ngày 12.5.1985, Hải Bánh bị công an quận Hoàn Kiếm tóm cổ và bị tòa xử 42 tháng tù giam. Trước đó, hắn đã một lần ngồi tù 24 tháng vì tội trộm cắp. Năm 1987, Hải Bánh ra tù. Có vẻ cu cò đã trở nên lương thiện, an phận làm một chú thợ hàn tàng tàng và lấy vợ sinh con đẻ cái. Vợ hắn là Nguyễn Hoàng Hà, sinh năm 1970, con nhà tử tế, chắc cũng sẽ bảo ban được thằng chồng. Vậy mà không. Năm 1990, khi Hà sinh được đứa con gái thì gã chồng lại trộm cắp, lại vào tù, đến năm 1992thì được trả tự do, tên tuổi trở nên khá cộm cán.
Thời gian này, Hải Bánh cặp kè với Thủy bồ, một nữ quái sinh năm 1972. Vứt hẳn chiếc mỏ hàn vớ lấy con dao hoặc cây mã tấu, Hải Bánh trở thành một tay bảo kê vằn vện kiêm đại lý thuốc lắc cho dân chơi của nhiều nhà hàng vũ trường ở thủ đô. Hải thu phục được khá nhiều chiến binh giang hồ có số ở Hà Nội như Hải lớ, Hải hấp, Phát lợn, Trường xoăn, Hưng chùa... Trong số này, thật ra cũng có một vài thằng còn bé lắm, như Hưng chùa (còn gọi là Hưng "phi nhon", tức Nguyễn Việt Hưng) hay Trường xoăn (Nguyễn Xuân Trường) chẳng hạn.
Những cuộc thư hùng đẫm máu trên lề phố đã nhanh chóng đẩy uy tín Hải Bánh lên hàng “sao” trong giới giang hồ Hà Nội. Hắn lọt vào mắt xanh của các ông trùm xã hội đen Hà thành lúc bấy giờ như Thắng tài dậu, Sơn bạch tạng, Khánh trắng, và cả bà chị Phúc bồ, một đàn chị theo nghĩa giang hồ của Thủy bồ. Cao nhân tất hữu cao nhân trị, đến lượt Hải Bánh lại thầm kinh một kẻ khác, khổ thay lại là một con mẹ tưởng chừng có thể coi là nữ nhi thường tình. Đó là Vũ Hoàng Dung, (tức Dung Hà), nguyên “giám đốc đen” của công ty cờ bạc Kiến An (Hải Phòng).
Cú chào bàn ngoạn mục của Dung Hà khiến Hải Bánh phải xanh lè mặt là cuộc tập kích táo bạo của băng Hải Phòng do Dung Hà cầm đầu nhằm tiêu diệt băng Khánh trắng, ngay sau khi Dung Hà mới ra tù (cuối năm 1995). Lúc này, Khánh trắng, Phúc bồ... và nhiều ông trùm, bà trùm khác của Hà Nội đang liên minh với nhau khá chặt, đụng một băng là đụng toàn bộ anh chị thủ đô. Nhưng Dung Hà vẫn không ngán. Vụ tập kích (đổ quân bằng ô tô) đã toàn thắng trước khi rút lui an toàn đã chứng tỏ bản lĩnh giang hồ của Vũ Hoàng Dung và bộc lộ rõ ý đồ “dẹp loạn sứ quân” để thôn tính lãnh địa Hà Nội của nữ quái này. Vì nể, Hải Bánh đã mò ngay xuống Hải Phòng ra mắt Dung Hà và được bà chị (Dung Hà chỉ hơn Hải Bánh một tuổi) tiếp đón nồng hậu. Đế chế cờ bạc Hải Phòng, hậu thân của công ty cờ bạc Kiến An có thêm một phó tướng dũng mãnh là Hải Bánh, nắm đầu dây mối nhợ của đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia. Khi Dung Hà di cư vào thành phố Hồ Chí Minh, năm 1998, tại Hải Phòng công việc của Hải Bánh vẫn tiếp tục, ngay sau khi y hoàn tất thêm một bản án 45 tháng tù.
Tháng 10.1998, bà Trương Thị Sẩm, chị ruột của Năm Cam, vợ Bảy Sy mất, giang hồ toàn quốc về viếng khá đông. Cùng với Hải hấp và Hải lớ, Hải Bánh cũng được Dung Hà dẫn đến viếng và giới thiệu với Năm Cam - kẻ đã từng nhận Dung là em kết nghĩa. Đó chính là điểm mốc của một mối giao tình giang hồ đầy bi kịch và máu.
Hai năm sau, Hải Bánh lỗ nặng trong nghề cá độ bóng đá, xù nợ của giang hồ Hải Phòng - Quảng Ninh hơn một tỉ đồng, bị đám anh chị đất Cảng tầm nã ráo riết. Giang hồ Hà Nội cũng không dung kẻ đã bắt tay với cựu thù, tuyên bố không còn đất cho Hải Bánh dung thân. Lốc ổ, Hải Bánh phải phiêu bạt về phương Nam.
Ban đầu, Năm Cam không ưa gì Hải Bánh do đánh giá tên hung thần này rất thấp ở mức độ trung thành. Mặt khác, ông trùm cho rằng Hải Bánh chỉ là tên “hữu dũng vô mưu”, ngại rằng máu liều của Hải Bánh có thể làm rách toạc vỏ bọc an toàn của đế chế họ Trương, không muốn dây vào. Nhưng, Hải Bánh đang thất thế, nhũn như con chi chi, tỏ ra ngoan ngoãn thần phục. Năm Cam đổi ý, chìa tay vớt Hải Bánh để tính bề lợi dụng, mục đích là sử dụng Hải làm đối trọng với chính bà chị Vũ Hoàng Dung đang có những biểu hiện lộng hành nhằm tiếm ngôi đoạt vị.
Cơ duyên để ông trùm đa mưu túc kế và tên hổ tướng ngang ngạnh xích lại gần nhau là một mỹ nhân mang cái tên khá đẹp: Hạ Giang, tên thật là Hạ Thị Thu Giang.
Khoảng thời gian 1992 - 1996, đồng thời lúc đang cặp kè Thủy bồ, Hải đã từng yêu và đầu gối tay ấp với Hạ Giang, con thiên nga xinh đẹp của giới giang hồ. Nhưng vì tính nóng nảy, hung hãn, Hải Bánh đã khiến thiên nga khiếp sợ bay về phương Nam trú bão. Vì hàng loạt trận thư hùng tóe lửa, Hải Bánh đã tự gây thù chuốc oán quá nhiều, liên tục bị giang hồ đất Bắc truy đuổi để phục hận. Khiếp quá, Hạ Giang đành im lặng trốn người tình bỏ vào thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ nhan sắc trời cho, Hạ Giang nhanh chóng trở thành vợ của ông Rớt, tên thật là Trang Văn Lẹ, Việt Kiều Mỹ, một tài phiệt có máu mặt của ngành kinh doanh xe du lịch, ông chủ một garage ô tô to vật vã trên đường Trần Hưng Đạo, Q.I, hơn... bố Hạ Giang chỉ vài tuổi. Nhung lụa của đời sống tư sản làm muợt mà thêm đôi cánh thiên nga, nhan sắc được chăm sóc kỹ lưỡng của Hạ Giang ngày càng thêm lộng lẫy. Nhưng cô vẫn chưa quên được người tình hung bạo khi xưa. Khi Hải Bánh mò vào Sài Gòn, Hạ Giang dù đã có hai mặt con với Rớt vẫn tức tốc lao trở lại vào vòng tay của gã. Cả một núi tiền trong két sắt của Rớt cũng đã bị Hạ Giang moi ra để cung phụng cho người tình cũ ăn chơi. Quá đau, Rớt quyết phục hận, nhiều lần bỏ cả đống tiền chỉ cốt thuê côn đồ dần cho kẻ đã cướp khỏi tay mình cả vàng lẫn cái… ngàn vàng. Khổ nỗi, đó chỉ là mối thù vô vọng. Tất cả những thằng đầu trâu mặt ngựa nhất của đất Tây Cống (Sài Gòn) đều lắc đầu và trả lại tiền cho Rớt khi biết rằng, kẻ mà chúng cần thanh toán là Hải Bánh.
Cùng đường, nhà tư sản đành nhờ vả Năm Cam. Ông trùm không những không giúp còn tàn nhẫn bồi thêm: “Thằng đó thì vợ tui mà nó thích, nó cũng dám “xớp” luôn, nói chi vợ Rớt. Thua nó đi”. Vừa bất lực vừa buồn bực, tay tư sản đã bán sạch cơ nghiệp tài Sài Gòn, quay về Mỹ.
Độc đáo là ở chỗ, toàn bộ thủ tục, giấy tờ cũng như mọi chi phí để Rớt ra đi êm thấm, Năm Cam đã hào phóng chi tất, coi như trả nghĩa và không phụ sự tin cậy đã tìm đến y cầu cứu.
Trong khi đó, để gây thanh thế, Hải Bánh vẫn cố ý gây ra một số cuộc loạn đả tấn công một số em út nhà hàng, vũ trường của Năm Cam. Không những không xuống tay trừng trị, Năm Cam lại hạ mình gặp riêng Hải Bánh, lấy điều hơn lẽ phải rót mật vào tai gã con trời. Năm Cam còn bỏ tiền thuê một căn nhà trên đường Thủ Khoa Huân, quận 1 cho Hải mở tiệm gội đầu Vân’s làm kế sinh nhai. Thân cô thế cô, bị giang hồ Bắc truy đuổi gắt gao và lại đang rất cần tiền, Hải Bánh đã nhanh chóng bị sợi xích vàng của Năm Cam trói chặt. Những cuộc tập kích ngông cuồng chấm dứt. Thay vào đó, tháng 8-2000, Hải nhận lời làm đại diện cho Năm Cam kiêm bảo kê của nhà hàng - vũ trường Phi Thuyền (Appolo), mới mở ở số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Toàn bộ nguồn rượu ngoại của vũ trường này đều do Năm Cam cung cấp
Oái ăm thay, người giới thiệu Hải vào Phi Thuyền, không ai khác lại là Hạ Giang, lúc này đang là thu ngân của vũ trường và sống như vợ chồng với Tống Viết Hòa! Ông chủ Tống” cũng xuất thân là thuỷ thủ tàu viễn dương, cùng xuống tàu năm 1994 với ba nhân vật Trà Bắc đã và sẽ khét tiếng trên giang hồ là Đằng Tây (Lưu Tấn Nhơn –nay là phu quân của hoa hậu Lý Thu Thảo), người cho mượn súng bắn Dung Hà), Hà Lê (Võ Quảng Hà), người vào năm 2006 sẽ được nhắc tới như một trong những giang hồ số má khiến biển Nha Trang dậy sóng và Bình “kiểm”, kẻ chủ mưu vụ bắt cóc con trai tỷ phú Trầm Bê đòi 10 triệu USD tiền chuộc.
Tuy nhiên, dù Hạ Giang có ân sâu nghĩa dày mấy thì đến lúc đó, hình ảnh cô cũng đã không còn tồn tại trong đầu Hải nữa. Thay vào đó, một nhan sắc khác: Nguyễn Thị Anh Thư sinh năm 1978. Anh Thư quen Hải Bánh vào khoảng tháng 6.2000 trong một đêm nhảy nhót tại vũ trường Phương Đông, quận 1. Ngày 8.9.2000, khi khai trương tiệm uốn tóc, gội đầu Vân’s, Hải Bánh đã đưa Anh Thư về, giao cho cô quyền quản lý tiệm, trả lương hai triệu rưỡi một tháng. Từ đó, Hải và Thư sống với nhau tại tiệm Vân’s như một cặp vợ chồng.
Đời giang hồ, sự an lành chỉ là một mỹ từ xa lạ và xa xỉ. Hải Bánh khai trương tiệm uốn tóc chưa lâu thì Dung Hà đột nhiên xuất hiện. Là người cưu mang, che chắn cho Hải khi hắn đang bị tầm nã trên đất Bắc, Dung Hà cho rằng y thị có quyền đòi Hải phải trả ơn. Dung Hà đòi Hải Bánh phải nhường lại toàn bộ tiền lời của tiệm Vân’s, sau đó nâng lên là phải bán tiệm cho y thị lấy tiền nuôi quân đang ùn ùn từ đất Cảng kéo vào. Hải Bánh không nghe. Cho rằng tên đàn em phản phúc, vô ơn, Dung Hà đã nhiều lần đưa đàn em đến Phi Thuyền quậy, đập phá đồ đạc, đuổi khách khiến “sếp an ninh” Hải Bánh phải khóc ròng năn nỉ, nhưng thị vẫn không tha. Dã man hơn, Dung Hà còn sai đàn em xách một xô phân tạt thẳng vào tiệm Vân’s của Hải Bánh. Tiếp đó, đêm 29.9.2000, Dung Hà đã dẫn 15 tên đàn em đến Phi Thuyền để tổ chức sinh nhật với một ổ bánh toàn... chuột sống, mắm tôm, phân... được thả ra tung tóe, bẩn thỉu khiến khách chơi trong vũ trường phải chạy toán loạn.
Sau cuộc ẩu đả, bảo vệ vũ trường đã bắt giữ một đàn em của Dung Hà. Không thèm rời ghế, một chân gác hẳn lên mặt bàn, Dung Hà đã cho đàn em gọi Hải Bánh đến và ra lệnh: Thả tên đàn em bị bắt ra, đồng thời báo cho Tống Viết Hòa và Năm Cam biết là Dung Hà muốn góp cổ phần vào Phi Thuyền. Phần hùn của Dung Hà chỉ là một triệu đồng, nhưng phần chia y thị đòi phải bằng phần hùn của người góp cổ phần cao nhất, nếu không được đáp ứng sẽ quậy tiếp!
Cần nói thêm, tháng 8.1998, khi Dung Hà mới chân ướt chân ráo vào Nam, Năm Cam đã nhận Dung Hà làm em kết nghĩa đồng thời đã từng nhiều lần cho Dung Hà tiền để mở quán bar ở số 17 Bùi Thị Xuân, rồi ủng hộ 30 triệu đồng để Dung Hà mở sòng bạc lụ xây tại chỗ. Sau đó, thấy chỉ ngay sau ngày đầu tiên hoạt động, sòng của Dung Hà đã lãi ròng hơn 70 triệu đồng, Năm Cam chóng mặt ra lệnh dẹp ngay. Dung Hà không nghe. Y thị còn ngang nhiên thách thức ông trùm bằng cách nhiều lần dẫn đàn em ra Biên Hòa, Đồng Nai phá tan hoang sòng của Năm Cam do Ba Mậu chỉ huy ở số 180, khu tập thể đoàn 45 phường Long Bình, cố ý dằn mặt.
Ngông cuồng, cùng lúc Dung Hà đã chuốc oán với cả ba thế lực giang hồ đang trỗi lên cuồn cuộn là Năm Cam, Hải Bánh và Tống Viết Hòa.
Theo lệnh của Hải, đêm 1.10.2000, hai tên sát thủ Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Xuân Trường đã im lặng lên đường, mang theo khẩu rulo với năm viên đạn mượn của Đằng Tây, tức Lưu Tấn Nhơn, đang là ông chủ của quán Karaoke Ca Dao trên đường Thi Sách. 0 giờ 25 phút ngày 2.10.2000, một viên đạn duy nhất đã nổ từ trên tay sát thủ Nguyễn Việt Hưng, thổi bay óc Dung Hà ngay trước cửa số nhà 17 Bùi Thị Xuân,Q.I!
Sau vụ hành quyết, giang hồ Hải Phòng đã sùng sục đòi lấy máu trả thù. Trước khi Hải Bánh bị công an tóm cổ, giang hồ đất Cảng đã ra giá một ngôi nhà giá 150 lượng vàng cho bất cứ kẻ nào hạ được Hải Bánh.
Giang hồ có lý khi tin rằng, việc Dung Hà quậy nát vũ trường Phi Thuyền đồng nghĩa với việc nữ quái đang đá đổ nồi cơm và đe doạ xé nát đời sống nhung lụa của Hạ Giang. Nếu chỉ là “lệnh” của Năm Cam, Hải Bánh chưa chắc đã cung cúc vâng lời. Nhưng với một thằng giang hồ trong máu như Hải Bánh thì vì một người đàn bà, lại là người từng đầu gối tay ấp, gã sẵn sàng xuống tay tàn nhẫn với một người đàn bà khác, từng là bậc đàn chị e không là điều lạ. Bắn xong, có ít nhất hai lần, Hải Bánh đã dắt đàn em đến nhà Tống Viết Hoà gây áp lực buộc tay tư sản phải cấp tiền để Hưng “phi nhon” và Trường “xoăn” chạy trốn. Giải thích bằng cả động cơ - quyền lợi bị xâm phạm - lẫn hành vi “hỗ trợ” của “ông chủ Tống”, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Dung Hà hiện ra sáng sủa hơn nhiều so với vai trò của Năm Cam trong một cái lệnh vừa rất muộn màng vừa rất mơ hồ: “Việc của chú chú biết phải làm gì rồi, phần dính dánh đến pháp luật để anh lo”. Câu này, Năm Cam nói qua điện thoại với Hải Bánh vào ngày 1-10-2000, trong khi trước đó, đêm 30-9, Hải Bánh đã dẫn cả nhóm gồm Đằng Tây, Hưng “phi nhon”, Trường “xoăn” , dùng xe hơi của Tống Viết Hoà đi tìm Dung Hà để giết nhưng không gặp.
Một chi tiết nữa: tháng 8-2000, do mâu thuẫn nặng, Sơn “bạch tạng” (Trần Quốc Sơn) đã điều 20 đàn em thân tín mang theo vũ khí từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm băng Hải Phòng của Dung Hà để thanh toán. Nghe tin, Năm Cam đã tổ chức một buổi tiệc lớn tại nhà hàng Maxim mời Sơn “bạch tạng”, Thắng “Tài Dậu” đại diện băng Hà Nội và Dung Hà, Minh “sứt” đại diện phái Hải Phòng cùng nhiều đàn em khác đến dự để giàn hoà…
Trước sau, vụ Dung Hà vẫn sặc mùi Trà Bắc. Ra tòa, Hưng “phi nhon” khai đơn giản: “Anh Hải là đàn anh, bảo phải bắn là tôi bắn, đâu có hỏi lại chi cho lằng nhằng”.
Ừ, bắn thì bắn mẹ nó cho rồi, hỏi chi cho lằng nhằng. Giang hồ mà!
Ảnh: Năm Cam, Tống Viết Hòa, Hưng Phi Nhon và một số bị cáo tại phiên phúc thẩm, tháng 9-2003.