explicitClick to confirm you are 18+

Viết cho tôi, cho em, cho bạn... Cũng có thể đéo cho ai cả.

CHAUnguyen Jun 30, 2018, 10:33:42 AM
thumb_up98thumb_downmore_vert

“Câu cuối cùng anh nói trước khi chết là gì?

Nếu anh còn không kịp thời gian để nói thì sao?”

Em à, Sài Gòn đang vào mùa nắng. Nắng khủng khiếp. Cái nắng phẫn nộ từ đất trời, như thể kết tụ từ bao năm đang đổ ập xuống miền đất này. Anh chẳng buồn ra ngoài, chỉ loanh quanh trong cái hang của anh, nhìn ra cửa sổ. Chẳng thấy gì ngoài một vùng trời trắng xóa, mây bay bay, cây lay lay, người say say, không gian nom cũng hay hay. Thi thoảng, dưới sân hiên chẳng có gì ngoài nắng và đồ lót, lại xoay xoay vài cái bao ni lông tung mình trong gió, cuốn bụi mù mịt mờ lên. Chán nhỉ. Anh tự hỏi, sao nơi này lúc nào cũng vậy, chứa đựng trong mình là muôn thể ngàn trạng một sự chán chường.

Y như anh.

Khoan hãy nói về anh. Em biết mà, anh là một thực thể quái dạng, một bào thai đáng lẽ đã nên chui tọt khỏi cái tử cung nào đấy trước khi thành hình. Nên câu chuyện của anh còn dài. Dài lắm. Hãy nói về thứ gì tươi đẹp. Lộng lẫy. Bình dị. Đại loại thế. Gì thì gì, mình còn ối thời gian, em ạ.

Bất chợt trong buổi trưa đổ lửa thế này, anh lại nhớ về những mùa mưa.

Em từng hỏi anh, mưa Sài Gòn trông như thế nào. Có giống ở đất nước em đang sống không, khi mưa là những chuỗi ngày ủ dột, dơ bẩn, nhớp nháp, và nhạt nhòa sức sống như hàng vạn con người ở đất nước ấy. Cáu bẳn. Sầu thảm. Tàn ác với nhau.

Mưa chưa bao giờ là thứ gột rửa. Mọi thứ sau cơn mưa đều thảm hại, em ạ. Chúng cõng những giọt nước trên mình, oằn xuống cuộc đời như giọt nước mắt. Em sẽ thấy mọi nơi đều là hồ lệ, có những thiếu nữ măng non vừa loay hoay lớn, đã mang trong mình giọt máu đau thương. Hay những cụ già mon men chờ rụng, thả người theo cơn nước xối xả trở về đất mẹ. Chỉ có những kẻ ngời ngời đạo đức, khẽ nhổ toẹt một bãi nước bọt trong xe hơi, khoan khoái nhìn lũ con dân lội ngập lúp xúp trong ngày thủy triều kỉ lục. Em thấy đấy, cuộc đời làm gì có công bằng. Nếu có, đó cũng là sự mê hoặc cũng những tòa án bạc giấy thơm lừng mùi công lý thanh cao. Những gì em đã đọc về tình người, về lòng bác ái, ở hiền gặp lành, đắc nhân tâm vân vân, vứt hết đi. Sao em có thể nhân tâm khi dưới dòng nước đục ngầu kia là những hố những hầm? Sao em có thể lương thiện khi một mạng người giá trị bằng đúng một cây thuốc lá? Sao em có thể bác ái khi bất cứ ai đó ngoài kia cũng có thể xiên phóng lợn vào cổ em chỉ vì một cái vòng cổ hàng nhái Tiffany? Và sao em có thể hiền hậu khi cứ mỗi phút giây trôi qua lại có thêm nhiều mạng người vô duyên lăn quay chết tốt? Làm sao được, hả em?

Anh nhớ về những ngày mưa gió bão bùng.

Như mọi con người bình thường khác, trước khi đi ngủ biết vào toilet sau khi thức dậy biết đi đánh răng, anh cũng có những trăn trở không duyên cớ mỗi lúc trời mưa. Nhưng quái lạ là, anh không nghĩ về người yêu cũ, người yêu cũ kia và người yêu cũ nọ, cũng không phải về tài khoản ở đây ở kia và tài khoản phụ, anh chỉ nghĩ về những con người ngoài kia, lang thang trên phố chứ không phải ấm áp trong nhà như anh. Những kẻ khốn khổ khốn nạn được một trong trắng tiểu thư như em gọi là “du đãng”, và thằng cha đại gia béo phị ngồi kia mỉa mai “lũ mọi rợ man di”.

Có bao giờ em ngồi ở hai bên bờ kè, cái bờ kè đen sì mốc meo lở lói tởm lợm, cứ mỗi một giây lại có một bà hoặc xồn xồn chân quê hoặc ẻo lả lăng loàn tới mời mua từng bịch đậu phộng xoài giòn trứng cút và một lô lốc các thứ anh không thể kể hết tên. Tiếp theo là những đứa trẻ mặt chưa tan mùi sữa, loăng quăng ngoài đường lúc 1,2h sáng năn nỉ thực khách từng tuýp kẹo cao su, hoặc hoa hòe khăn giấy các thể loại. Chưa kể những ông bà già sáu bảy mươi tuổi, lưng còng đến đất tóc xõa xuống chân, bò trườn lê lết cũng chỉ mong thêm một tờ trong xấp vé số còn dày ứ hự. Đã bao giờ em hạ cố nhìn xuống chân mình, để thấy lon bia chất đống và vỏ chai mênh mông đặt thành hàng, mà tự hỏi, sao có những kẻ khốn cùng thế, cơ cực thế, nghèo hèn thế, hạ tiện thế? Hay em lại bắt đầu lên giọng trong trắng mà rằng “Con người mà, có số cả, biết sao được”.

Công bằng mà nói, thì điều đó cũng ok, ok thôi.

Anh biết, đôi khi thật khó để đặt mình vào vị trí của người khác. Khi bản thân em, sinh ra đã là một chân chính ngọc ngà, quen sống thói hưởng thụ xa hoa, và vung tiền mua vui chỉ trong một chốc chim sa cá lặn.

Thành phố này, vốn từ lâu được gọi Sài Gòn hoa lệ, một bên đầy hương hoa của toilette perfume, của tinh hoa tóc mượt mà nách trắng nõn, còn một bên oi nồng mùi nhà xí, của què cụt đui mù chân ghẻ háng hắc lào. Thế giới bên này chả biết khỉ khô gì về thế giới bên kia, và ngược lại. Cũng như em, làm sao em biết nỗi khổ của những lão già, mụ già, nhìn trời kéo mây mà nơm nớp lo sợ, hay những trẻ côi cút cầu bơ cầu bất khiếp hãi trận đòn của thằng giang hồ chăn dắt đếm không đủ vài tờ bạc nhàu nhĩ đêm nay. Em chỉ lo ngày mai không kịp chuyến chơi bời ở một vùng quê xa xăm nào đó, và những tấm ảnh seo phì không đủ hấp dẫn cho một lượng like đồ sộ cùng vài lời khen tán tụng ngọt ngào. Đâu phải lỗi của em, đúng không? Chả phải. Em có tội gì đâu, đôi mắt buồn ngăn ngắt như tạo vật tuyệt vời được khắc ra từ trinh nữ Maria.

Em, nói với anh âm nhạc rất đẹp, nghệ thuật phù hoa, văn chương lấp lánh. Em quen nghe những giọng ca mượt mà và những tình ca mùi mẫn sâu lắng, đọc rợn gáy truyện chia tay trong tiểu thuyết ngôn tình, sờ mó huyên thuyên trong các triển lãm tranh. Em, quen kết giao với ông này bà nọ, khi tất thảy tay họ là lung linh kim cương, bát nháo hồng ngọc, nói chuyện nặc mùi xanh đỏ xôn xao. Em, thế giới của em tràn đầy hi vọng, khi ví còn căng và tủ còn đầy, chứ không phải những thằng mang danh nghệ sĩ, chết rục cả đời bên những tác phẩm quên lãng thăng hoa. Em còn mơ gì nghệ thuật cao sang, khi cuộc sống là một vòng chuỗi xói mòn, cứa nát linh hồn bằng những nhát kéo ngây ngất hiện kim, đô la, vàng chín?

Khách quan mà nói, thì ok, cũng ok thôi.

Cuộc đời không đánh thuế ước mơ, em ạ. Cũng như anh, từng mơ những điều tốt đẹp. Nhưng anh chán rồi, anh không mơ nữa. Mây vẫn bay, gió vẫn lay, và con người vẫn thay mỗi ngày một quần đùi.

Anh trả lại em lời tán dương hời hợt. Anh trả lại em thứ ca tụng ngơ ngác. Anh trả lại em sự lạc loài giá trị, sự phô diễn tài năng, sự tuyệt vọng tận cùng.

Anh chả có gì tự hào. Anh là một kẻ bất tài vô tướng, sinh bất phùng thời, họa vô đơn chí. Anh chẳng buồn hát. Anh chẳng thiết đàn. Anh nhìn ra ngoài trời, cơn nắng dữ dội vẫn đổ xuống trên vai, những bà mẹ quê quang gánh miệt mài.

Sao em không bước khỏi cái bục đó đi, vứt mẹ hào quang giả tạo ấy đi, để nghe đêm khuya những tiếng gót cô liêu của lũ điếm ế mắt xanh mỏ đỏ run rẩy giữa trời lạnh? Sao em không mở cửa ra, quẳng mẹ đi cái tự tôn thối nát, để biết ngoài vàng bạc kim cương thì con người còn dao kéo búa kềm? Và sao em không vò nát cái lòng ích kỷ hời hợt, những bộ tịch đạo đức giả, những mi cong môi son cong cớn nửa mùa, để biết chả phải đứa trẻ nào cũng êm ái trong vòng tay cha mẹ nghe ru ời ời. Em sợ hãi nhìn vào sự thật, em chán chường đối diện đau thương, ok, cũng ok thôi. Nhưng ngoài em ra, còn ai sẽ một lần làm dấu ủi an cho những kẻ chết đường chết chợ, khi chính bản thân em tự nhận mình là đức mẹ hạng nhất? Còn ai nữa, hả em?

Hãy thôi làm bộ làm tịch, thôi khua môi múa mép, và thôi ca ngợi tán tụng đi.

Anh xin lỗi, đã kéo em vào một thế giới khác, nơi những con chim bồ câu trắng muốt chẳng bao giờ có thể hiểu được.

Ngày hôm qua, anh nhìn thấy một tuyệt mĩ chân dài sánh đôi cùng đại gia bụng phệ.

Ngày hôm nay, anh nhìn thấy một mẹ bồng con, nhếch nhác xin trước bệnh viện nào đó.

Ngày mai nữa, anh nhìn thấy anh gục chết bên đường.

Em đừng xót xa anh, đừng tội nghiệp anh. Anh không xứng. Chỉ những anh chàng cao ráo bảnh bao, cổ đeo vòng kiềng, chân mang giày hiệu, nách xịt Nivea, tóc trơn mượt xức mút mới đủ đẳng cấp ôm ấp cái mỏng manh của em.

Em cũng đừng hi vọng anh thay đổi. Đừng yêu cầu anh chơi cho em những bản nhạc buồn. Vì với anh âm nhạc là định mệnh cay đắng, chả làm được gì ngoài khóc lóc thở than.

Em cũng thôi đi hát mãi bài ca trống rỗng giả tạo, phật pháp siêu nhiên. Em hiểu gì đâu ngoài cái kiếp luân hồi, em chả biết gì ngoài triết lý nông cạn, em mơ mộng gì khác kiếp đời xanh tươi. Anh chỉ tự hỏi, đến chừng nào em thôi đứng trên tầng thượng Sheraton lấp lánh, mà nhìn xuống, mà hiểu cho anh. Hay em sẽ nhảy tưng tưng trên đôi cao gót tính bằng ngàn đô, rồi xỉa xói vào mặt anh khi anh tát bốp vào má em mà hét lên rằng em chỉ là con lừa hít thở trong bầu không khí đặc sệt lừa dối?

Đến chừng nào?

Nói gì thì nói, nếu ngày mai gặp lại, em hãy cứ xinh đẹp vậy đi. Một nửa thành phố ngu độn mù lòa, đã có anh rồi.

Anh không viết cho em đọc đâu. Anh biết em chỉ thích những văn sĩ hiện đại nửa mùa, và câu chuyện tình yêu bất tận hôm nay làm đĩ ngày mai đi tu ngày tới vá trinh ngày tới nữa lại làm đĩ. Hay chuyện hai người yêu nhau cuối cùng anh đi lấy vợ cô đi lấy chồng trên đường đưa dâu bị xe đâm lòi ruột.

Anh chán quá rồi, em ạ.

Sài Gòn vẫn nắng oi ả. Em đang ngồi cafe máy lạnh thơm nức mũi, kiêu bạc cầm ống hút bằng hai ngón tay và sẵn sàng chửi nhân viên xơi xơi vào mặt khi họ vô tình mang đồ uống ra trễ.

Anh chúc phúc cho em.

Anh biết mình là kẻ cực đoan, anh nhìn cuộc đời không bằng màu xanh hi vọng và màu đỏ tươi hồng. Anh nhìn viên ngọc trên ngón giữa của em, to ngang con mắt đứa trẻ nhà nghèo đói bữa. Anh nghe tiếng hát thánh thót của em, xa xăm tựa bằng tiếng chèo kéo khách chơi của những cô gái bán phấn ăn sương suốt những đêm trường phong phanh lạnh lẽo.

Đừng cố gắng hiểu anh mà làm gì.

Sài Gòn lúc nào cũng tươi đẹp lắm.