Tiếng con nít khóc vang. Tiếng đàn bà tụng kinh và cầu nguyện lâm râm. Chiếc ghe trôi bập bềnh, ngoi ngóp trên sóng chẳng biết khi nào là lần cuối với lặn hụp, cùng với khách không mời là gió và mây đen đang kéo đến để hội tụ thành bão tố sẽ mang mưa đến là đây. Ra trùng khơi của đại dương mới thấy chiếc ghe vượt biên giống như chiếc lá tre lênh đênh trên mặt hồ nước mênh mông.
Bổng có tiếng la ơi ới của nhiều người trên đầu mũi chiếc ghe:
"Có tàu lớn đàng trước kìa bà con ơi!!!"
"Mau mau giương cờ trắng cho người ta thấy mình"
.............
................
Hắn đang cùng với 3 người đàn ông khác đang múc nước tràn vào trong ghe ở dưới boong tàu. Dụng cụ để múc nước biển tràn vào là những cái gàu bằng nhựa mà ở Vietnam hay dùng để thả xuống giếng múc nước lên. Mỗi toán múc nước có 4 người, múc nước biển tràn vào để đổ ra lại xuống biển trong vòng 15 phút rồi thay đổi người của toán khác. Đúng là múc nước đổ biển như giọt nước rơi trong cơn mưa bão. Chiếc ghe mà Hắn đi đến ngày hôm nay là 7 ngày rồi, máy đã chết, chiếc tàu thả trôi bồng bềnh vô định hướng. Ngày hôm nay biển động, sóng dồn dập liên hồi rất đều đặn của con sóng dữ.
Chiếc tàu của người Thái đến cứu quăng giây thừng qua con tàu vượt biên để cập vào nhau cho dễ leo qua. Nhìn lại, chiếc tàu vượt biên nhỏ xíu chỉ bằng 1/10 của chiếc tàu đánh cá Thái Lan. Hắn và những người đàn ông khỏe mạnh trên tàu giúp đàn bà, trẻ em và người yếu đuối đi qua tàu Thái Lan trước ... rồi thì Hắn cũng qua được tàu cùng tất cả mọi người trên chiếc tàu vượt biên với 81 người. Hắn mệt đừ, đứng không vững như người say rượu. Hắn mê thiếp trong tiềm thức và xa dần với những tiếng nói còn lo sợ của những người vượt biên đồng hành chung quanh ...
Ngày Hắn bắt đầu đi vượt biên của tháng 12/1979, 3 giờ sáng ở Saigon Hắn đi 1 mình, với áo thun, quần jean Levi's, xuống cầu thang ra khỏi nhà và đón xe ôm ra bến xe Xa Cảng Miền Tây để đến điểm hẹn với người hướng dẫn đi vượt biên. Tới bến xe XCMT trời còn tối mù, Hắn nhận được tín hiệu của người đưa đi và tấp vào ngồi chung 1 cái bàn với 4 người khác đã có mặt nơi đây. Hắn gọi ly cafe đen, ngồi uống và nghe lời dặn chung cho tất cả mọi người. Trời hừng sáng, xe bắt đầu đón khách để đi, Hắn được người hướng dẫn đưa cho chiếc vé để đi về Rạch Giá. Mấy người hướng dẫn này cũng hay í chứ, với khoảng thời gian đó, mua vé xe đi đường rất nhiêu khê, có được cái vé xe với bao gian nan và mất thì giờ, nhiều khi thức nguyên đêm đến sáng mới có được chiếc vé xe để đi về nơi mình mong muốn.
Lần đầu tiên Hắn đi về miền Tây, dọc đường những địa danh mơ hồ mà Hắn nhớ loáng thoáng qua học sử của thời Pháp thuộc với những địa danh và anh hùng hào kiệt Nam Bộ khởi nghĩa đánh Tây, Hắn thấy và suy nghĩ trong vô thức vì đầu óc Hắn mông lung với chuyến vượt biên này. Ngày ấy đường về Rạch Giá rất là gian nan, qua mấy lần phà với những chiếc xà lan cũ kỷ và chờ đợi để qua được Tiền giang, Hậu Giang có khi chờ gần đến cả tiếng đồng hồ cho 1 con sông.
HẬU GIANG ... CHIỀU ... VỀ
Chiều về đây Hậu Giang
Qua bến phà Vàm Cống
Nghe vang vọng xa xa
Với điệu lý ... hò ... lơ
**** **** ****
Nay qua phà bến lở
Con nước cũng vàng theo
Phù sa đục dòng nước
Em có về chiều nay?
**** **** ****
Ta - Lãng tử bên đời
Xuôi theo dòng nước lợ
Đến tận cùng đất Việt
Kiên Giang đây - Lối về
**** **** ****
Những ngôi nhà ven sông
Khói lam chiều lan toả
Như quyện vào trong mắt
Vương vấn chút tình này
Hắn sinh trưởng nơi miền Trung của thuở thiếu thời, lớn lên đi học trung học ở Lasan Đức Minh (Saigon) vì thì, là, bị ... đuổi học ở ngoài Trung với tội phản động. Học bạ của Hắn đã bị phê với: "Đuổi học ra khỏi trường vì xúc phạm đến lãnh tụ tối cao của giai cấp vô sản thế giới". Trước khi Hắn bị đuổi học vì tội danh này thì nguyên cả tháng trước đó Hắn bị gọi lên văn phòng để công an điều tra và ... trao cho hân hạnh viết khẩu hiệu với đủ loại bút viết lớn, nhỏ và tòe loe ... với những câu: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" hay những câu khẩu hiệu khác ca tụng chế độ XHCN lúc bấy giờ. Sau một thời gian thấy đã đủ với điều tra và nét chữ, có thể kết luận thằng nhóc "Hắn" không có viết khẩu hiệu để chống phá chính sách cải tạo công thương nghiệp, Hắn bị xui vì cùng thời gian đó có những vụ rãi truyền đơn và viết khẩu hiệu chống chính quyền cộng sản, nên ... chỉ đuổi học Hắn và bắt toàn trường học tập chính trị 2 ngày cuối tuần. Cho đến bây giờ Hắn cũng không hiểu tại sao Hắn bị gán vào cái tội đó, Hắn không giận và tha thứ để quên vì Hắn nghĩ (có thể) nhờ chuyện trời ơi đó mà Hắn mới có được ngày hôm nay. Nhiều lúc Hắn nhớ lại thấy thương hại cho những người ấy với tư tưởng giáo điều để bắt bí thằng bé mới 15 tuổi, và nếu như Karl Marx hay Lenin có sống lại, hẵn Marx cũng thấy Tư Bản Luận và chủ nghĩa Cộng Sản là không tưởng, Marx khi viết chủ thuyết này chưa nhìn thấy biến hóa của xã hội loài người không như ông suy nghĩ, cái lòng thương người với xã hội người bóc lột người để ông viết ra chủ nghĩa này và bao chính sách sai lầm khi áp dụng của Lenin đã làm cho hệ thống xã hội Liên Xô tàn tạ và sụp đổ kéo theo Đông Âu ngã hàng loạt như con cờ Domino của cuối thập niên 1980. Ngày Hắn bị đuổi học, Bố Hắn không la mắng ầm ỉ, Bố chỉ nhìn Hắn với ánh mắt buồn rười rượi. Hắn sợ chuyện đã xảy ra là 1 tai họa lớn, Hắn biết Bố nó vẫn là người cộng sản Nam Tiến xa xưa. Vài ngày sau, Bố Hắn bảo:
"Con không bị đi cải tạo là may mắn rồi".
Khi chị Hắn ở Saigon biết được chuyện và lôi đầu Hắn vào Saigon. Hắn rời xa miền Trung sớm nhất so với những đứa bạn cùng trang lứa là như thế...
Ui! Về miền Tây, đi qua ngã ba Lộ Tẻ, lúc này xe chạy song song với những con kênh bên đường. Mỗi nhà có những chiếc ghe nhỏ xíu để di chuyển từ nơi này đến nơi khác nếu không dùng xe cộ được, Hắn nhìn thấy nhà nào cũng có cái cầu tre nho nhỏ bắc ngang 1 cái hồ nước con con với điểm đến là cái phòng vuông vứt bé tí tẹo vừa đủ che khuất 1 người đi vào ở chính giữa rồi ngồi xuống. Sau này Hắn mới biết là hồ đó để nuôi cá dồ, hehehe, người miền Tây Nam Bộ tính gọn và chân chất như tính tình người ta, đúng là 1 công 2 chuyện để tiện và lợi. Xe đi qua những con kênh A, B, C ... và khi đến Tân Hiệp nơi giáo xứ người Bắc di cư vào Nam năm 1954 thì đường xấu tệ. Ngồi trên xe mà cái đầu lắc qua, lắc lại như lên đồng vì ổ trâu, ổ ngựa chứ chẳng phải ổ gà như người ta thường viết ... Rồi xe cũng về đến bến xe Rạch Giá khi bóng chiều xuyên hàng dừa cao tít, lúc ấy khoảng 5 giờ chiều, đường dài hơn 260 cây số mà đi gần 12 tiếng đồng hồ. Rạch Giá lúc bấy giờ có xe xích lô kéo bằng đầu máy của chiếc xe Gobel thời xa xưa, nhìn bóng loáng và đẹp chứ không thê thảm như những chiếc xe cyclo máy ở Saigon sau này. Hắn và những người đi chung được hướng dẫn vào chợ nhà lồng ở Rạch Giá sau khi đi qua cổng Tam Quan và công viên có tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực. Mọi người khách đều dùng phương tiện di chuyển này để về nơi chốn mình sẽ đến. Xe đưa những nhóm nhỏ chúng tôi về chợ nhà lồng Rạch Giá. Vào chợ, người hướng dẫn chia mỗi nhóm khoảng 4, 5 người, ngồi ăn uống và chờ ... Cái lạ mà Hắn ngạc nhiên là không ai thắc mắc gì hết vì quá căng thẳng trên gương mặt và tâm trí của chuyến đi định mệnh. Chờ đến trời chạng vạng tối, người hướng dẫn ra dấu để đi xuống những chiếc ghe nhỏ đang đậu dọc theo bờ sông của nhánh sông sẽ thông ra biển lớn. Hắn xuống ghe cùng 4 người khác tính luôn 2 trẻ em theo cùng. Không thể đứng thẳng người được khi ở trong vòm của chiếc ghe, chỉ lom khom thôi và tối ngày thì chỉ nằm đủ kiểu: thẳng, úp, ngiêng, quẹo ... cho đỡ mõi và chờ đến bữa thì ăn với không gian tranh sáng tranh tối, không có đèn đóm gì hết ngoài cây nến le lói đặt chính giữa của cái đĩa sành cáu bẩn, vì sợ bị lộ. Đêm đến nơi bờ sông ở miền Nam này lúc ấy so ra thoáng hơn những vùng khác, người dân dám bật cassette lên nghe nhạc vàng, Hắn nằm nghe tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu đang vang vọng từ xa đến với lời:
"Giờ này anh ở đâu? Pleiku gió núi biên thùy
Giờ này anh ở đâu? Miền Trung hỏa tuyến địa đầu
Giờ này anh ở đâu? Cà Mau tiếng sét U Minh rừng
Anh ở đâu? ú u ù ... Anh ở đâu?
Dù rằng anh ở đâu? Anh ở đâu?
Vẫn yêu anh hoài, vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời ..."
(Giờ Này Anh Ở Đâu? Trần Thiện Thanh)
Ui! Hắn nghe bài hát quen thuộc này đã nhiều lần, khi ấy Hắn mới 19 tuổi mà Hắn cứ ngỡ như tâm trạng của Hắn nằm trong đó. Hắn nhớ đến con bé nói giọng Bắc pha Nam cùng tuổi với Hắn đã quen ở Saigon. Nhà con bé ở đường Hai Bà Trưng nối dài, khúc đi qua cầu Kiệu rồi rẽ phải ... Hắn nhớ từng con đường, góc phố. Hắn nhớ bài hát "Rồi Mai Tôi Đưa Em" (Trường Sa), bài hát mà khi Hắn đến nhà con bé ấy chơi và được con bé làm duyên, vừa đàn vừa hát tặng Hắn, dù rằng lúc ấy con bé đàn dỡ ẹt nhưng sao Hắn thấy hay quá chừng là hay ^_^ . Dòng suy nghĩ Hắn miên mang, nhớ tùm lum mọi thứ trên đời.
Càng suy nghĩ Hắn càng nhớ nhiều thứ trong cuộc đời Hắn. Hắn nhớ đến những nơi chốn thân quen mà Hắn đã từng sống và những người thân thuộc, bạn bè. Hắn nhớ đến chị Hai của Hắn, người chị mà chắc hẳn còn hơn người Mẹ của những gia đình khác. Mấy anh, chị, em Hắn, Mẹ mất sớm nên mọi chuyện suy tính cho cuộc đời đều đổ về chị Hắn. Lo lắng cho từng đứa em trong suốt từng chặng đường đời. Bổng dưng trong đầu Hắn có ý nghĩ bỏ cuộc vì nhớ, buồn và lẻ loi ... Hắn ước ao nếu cho Hắn về lại Saigon ngay lúc này thì chắc Hắn sẽ không muốn ra đi như thế này nữa. Hắn buồn, lo sợ khi lần đầu tiên không có người thân chung quanh của tuổi mới lớn. Dòng nước mắt loanh quanh nơi quầng mắt Hắn, Hắn đưa tay chùi lia lịa những giọt lệ và tự nhủ với lòng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.
Hắn nằm dưới ghe nhỏ này chỉ chứa được 5, 7 người là tối đa. Bực bội của tù túng với 1 diện tích chật hẹp là thế, Hắn mong sao ra đi càng sớm chừng nào hay chừng ấy. Ngày chờ đợi cũng đã đến sau 3 ngày ròng rã nằm dưới ghe. Sáng thật sớm, khí trời lành lạnh và tiếng động cơ của máy đuôi tôm của ghe (có cánh quạt) nổ dồn dập. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đang nằm đều ngồi nhổm lên để nghe ngóng chuyện gì đang xãy đến. Sau khi được người chủ ghe báo cho biết là ghe đang di chuyển từ sông để ra cửa khẩu của biển Rạch Giá. Mọi người ai cũng hân hoan và âu lo hiện rõ trên khuôn mặt.
Chiếc ghe di chuyển độ hơn 45 phút, người tài công phụ chạy vào trong vòm ghe và ra lệnh trong hối hả:
"Tất cả mọi người chuẩn bị theo tôi để di chuyển ra ghe lớn gấp. Yêu cầu mọi người nhanh nhẹn khi có lệnh nhé".
À thì ra là như thế. Chiếc ghe mà Hắn đã ở trong 3 ngày đêm vừa qua chỉ là nơi tạm dung, được gọi là ghe taxi, để chờ đủ số người của những chiếc ghe nhỏ khác rồi cùng ra tàu vượt biên vào ngày, giờ đã ấn định. Chiếc tàu vượt biên sẽ chờ số người của 8 chiếc ghe nhỏ khi đã đầy đủ rồi mới đi cùng 1 lần. Khi vừa sang tàu lớn, đàn bà, con nít thì được đưa xuống boong tàu và đàn ông, thanh niên được đưa hết xuống 2 hầm đựng cá phía trước cúa chiếc tàu. Bình thường hầm cá sẽ có nắp đậy lại thì sẽ giống như khoang tàu đi tới lui được. Lý do phải xuống hầm cá là người tổ chức đã có kinh nghiệm của tổ chức vượt biên, sợ đông người, đứng, ngồi lố nhố rũi tàu công an biên phòng phát hiện thì công toi và phải đi vô nhà tù nữa. Cái hầm đựng cá hình chữ nhật, nhỏ và không vuông góc từ nắp miệng hầm đi xuống dưới đáy. Khi người đóng tàu cần nơi giữ hải sản đánh bắt được, cái hầm cần có hình nghiêng nghiêng như con vụ ngày còn bé Hắn hay chơi để nó quay vòng vòng. Lý do người ta muốn hầm như thế để những hải sản đánh bắt được khi đổ vào hầm sẽ dồn vào chính giữa cho dễ dùng xẽng múc lên. Cái tiện lợi cho ngành nghề đánh bắt cá làm cho những người vượt biên như Hắn thật khốn đốn bởi khi dồn mọi người xuống nấp dưới đây thì không ai có thể ngồi hay nằm. Tất cả mọi người đều đứng nhưng không đứng thẳng được. Mọi ngưởi đứng theo hình hơi cong cong và chân sẽ xuôi về nơi chính giữa. Tưởng tượng hộp cá mòi Sadine như thế nào thì những người như Hắn lúc đó còn thê thảm với xếp lớp chật chội hơn thế nữa. Chiếc ghe của Hắn đến sớm nên phải chờ những chuyến khác cũng đang đến, khoảng thời gian chờ đợi trong hầm cá thật oi bức, mồ hôi vãi ra như tắm. Nóng nực đến độ một lúc sau cơ thể con người Hắn không còn mồ hôi để ra nữa. Hắn chưa thấy sự chờ đợi nào khổ sở đến thế. Sau này khi Hắn nhớ đến bài thơ "Ngập Ngừng" của Hồ Dzếnh than thở của chờ đợi với những câu:
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ : gớm, làm sao nhớ thế !
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé ..."
Hắn tự thán cho riêng mình để thấy sự chờ đợi của Hồ Dzếnh chỉ là công tử bột, đồ bỏ, Hắn cho nhà thơ Hồ Dzếnh than thở là chuyện của nhà giàu đứt tay như ăn mày đổ ruột là Hắn ^-^.
Sau khoảng thời gian dài chờ đợi cho đủ số người như dự tính là khoảng 60 người. Nhưng khi tàu bắt đầu đi thì tổng số người trong tàu là 81 bởi vì có những người đi chui, ăn ké đi theo. Những người này khi biết được có chuyến đi vượt biên từ những người quen hay thân thuộc của tài công thì nhào lên tàu đi cùng. Lúc ấy mọi người đều giống nhau, người có đóng vàng hay không cũng thế. Do đó, tàu chở quá tải của trọng lượng. Tàu bắt đầu đi, vẫn còn trong hải phận của Vietnam nên những người đàn ông, thanh niên vẫn còn đứng xếp lớp tệ hơn cá hộp trong hầm cá. Ui! Cái nóng của trần gian chắc chẳng nơi nào nóng bằng chỗ này là đây. Người người nghiêng qua nghiêng lại đè lên nhau khi tàu bềnh bồng theo sóng biển. Tàu chạy thêm gần 2 giờ đồng hồ nữa, lúc ấy mọi người trong hầm cá thân xác rã rời theo đúng ý nghĩa của đọa đày thì được người tài công phụ cho phép mọi người leo ra khỏi địa ngục trần gian hầm cá này. Hắn cũng theo mọi người leo ra. Cái cảm giác gió biển và không khí trong lành khi vừa ở nơi tù túng đi ra sao mà sung sướng thế :-D . Hắn chầm chậm đi ra ngoài gần mũi tàu và ngồi xuống, nhìn bâng quơ chung quanh với nhiều thích thú, thật nhiều điều mới lạ trong đầu óc của tuổi mới lớn nơi Hắn, bởi đây là lần đầu tiên Hắn đi ra biển lớn với đại dương mênh mông.
Hắn nhìn chung quanh thấy bầu trời xanh thẫm, ra trùng dương mới thấy mọi cảnh vật rất nhỏ nhoi là thế. Biển rộng bao la, con tàu chạy ì ạch với tiếng máy đuôi tôm kêu xình xịch che lấp những tiếng động chung quanh. Đi 1 hồi lâu cỡ hơn 4 tiếng đồng hồ, mọi người đoán mò với nhau là chắc đã ra đến hải phận quốc tế. Ai cũng mong muốn thế, mong sao thoát ra khỏi hải phận Vietnam để khỏi bị công an bắt trở về lại Vietnam. Bình thường những lúc đi tắm ở bãi biển, Hắn nhìn xa xa nơi cuối chân trời xa lắc chỉ thấy có dáng hình vòng cung và nước biển có màu xanh da trời hay những nơi có khung cảnh đẹp nước biển có màu lá chuối xanh lơ. Bổng Hắn nhìn lại mặt nước biển ở nơi chốn Hắn đang hiện diện có màu đen như dầu hắc để trãi nhựa đường. Hắn dụi mắt thật kỹ để xem tầm nhìn có bị hoa mắt không, nhưng sự thật là thế. Những người đi cùng tàu có kinh nghiệm đi biển mới nói rằng ngay lúc này độ sâu tới lòng biển sâu lắm. Hắn cảm thấy nỗi da gà vì sợ, cái sợ hãi của vô thức khi không có ai chung quanh để chia sẻ ... và sợ của cái cô đơn quanh mình.
Con tàu chạy xình xịch như người già ráng lết về phía con dốc xa lắc của một con đèo nhưng vẫn phải tiến lên, những con sóng nhịp nhàng đưa nhẹ cho cảm giác bồng bềnh để cho thân thể mình lao đao theo gió. Cơn gió chiều chiếu ngang tầm mắt, ánh tà dương hằn in của ngày tàn đang hết cho chập choạng màn đêm về đây. Hắn chợt thấy xa xa từng đàn cá heo đang đùa giỡn lướt trên mặt nước như đang diễn xiếc. Đẹp lắm, rất đẹp từng con một tung mình lên khỏi mặt nước và cứ thế tiếp tục thật lâu. Có người nói cá heo thấy tàu thuyền nên đùa giỡn vui cùng. Lúc ấy Hắn nghĩ giỡn thì được chứ cá Heo í đâm vào chiếc tàu mà Hắn và 80 người đi cùng, chắc sẽ bị lật úp chắc "kú" đi chứ ^_^ . Một con cá Heo đã to gần bằng chiếc tàu cỏn con này rồi, chiếc tàu này chỉ xài 1 block máy đuôi tôm và có 1 chiếc la bàn như đồ chơi con nít để tìm phương hướng, tọa độ trên biển.
Màn đêm buông xuống, trời tối dần. Mọi thứ giờ đều trong bóng tối chỉ có cây đèn dầu trong phòng tài công là còn có ánh sáng leo lét hắt ra trong bóng tối lặng thinh. Con tàu cứ lầm lũi chạy trong màn đêm. Mọi người chìm vào trong giấc ngủ với đủ kiểu, dáng điệu ở vị trí mình đang hiện hữu. Cố giữ thân thể có cái thế vững chắc để đừng ngủ quên và rũi rớt xuống biển thì toi mạng.
Rồi thì màn đêm cũng qua đi nhường cho ánh sáng của ban ngày trở lại cho ngày mới. Mặt trời trên biển đến rất sớm, mọi người lại nhôn nhao của ngày thứ 2 đang đến. Nhìn mặt mũi mọi người ai cũng rám nắng, đỏ ửng gương mặt vì đâu có gì để che nắng mưa, chỉ có đàn bà và con nít nằm trong boong tàu thì mới thấy như bình thường.
Tàu đi được 1 đoạn, bổng có người la lớn: "Có tàu ở phía trước kìa, bà con ơi!!!"
Mọi người nhôn nhao: "Mau lấy áo lót trắng làm cờ hiệu vẫy để xin cứu"
Ui! Một nhóm người lộn xộn, mạnh ai thể hiện cách ứng xử của mình để hy vọng chiếc tàu kia thấy được và đến cứu chiếc tàu của mình.
Chiếc tàu lạ cũng từ từ tiến đến. Nhìn từ đàng xa, chiếc tàu rẽ sóng rất mạnh, Hắn cảm nhận con sóng lớn dần lên và tiến về chiếc tàu của Hắn đang đi. Sóng càng lúc càng lớn, khi chiếc tàu lạ tiền đến gần cỡ 30m thì chiếc tàu ấy giảm tốc độ. Hắn nhìn chiếc tàu kia chắc hẳn phải to gấp 10 lần chiếc tàu Hắn đang đi. Chiếc tàu lạ chạy chầm chậm, vòng quanh chiếc tàu nhỏ bé của Hắn. Khi mọi người nhận diện ra trên lan can của chiếc tàu ấy khoảng 6 người đàn ông, rất vạm vỡ, người đen như tượng đồng đen và chỉ mặc độc 1 cái quần si-lip (underwear), khăn rằn ca-rô quấn trên đầu. Sau khi chạy giáp 1 vòng quanh chiếc tàu vượt biên, bổng dưng chiếc tàu kia tăng tốc độ đột ngột và chạy vòng quanh chiếc tàu Hắn rất nhanh. Khi ấy những loạt sóng biển nhân tạo từ chiếc tàu lạ đánh vào chiếc tàu Hắn như chiếc lá tre ngụp lặn trên sông. Lúc này nhóm người kia mới đem súng, búa, dao ... và la hét như mọi rợ trong những film mà Hắn đã xem khi còn bé, chúng chạy vòng vòng chung quanh lan can tàu của chúng và giơ vũ khí tỏ cử chỉ hăm dọa giết người.
Mọi người trên tàu cứ sợ tàu lật úp vì sóng lớn quá. Nay mọi người mới hiểu ra là tàu đang gặp hải tặc Thái Lan, dù rằng trước khi đi vượt biên ai cũng nghe kể khi ra hải phận quốc tế coi chừng gặp hải tặc, cướp biển. Đàn ông thì mặt mày xanh như tàu lá chuối, con nít khóc vang, đàn bà than khóc và lạy như tế sao hướng về bọn hải tặc.
Tàu của hải tặc chạy vòng quanh tàu vượt biên bé nhỏ khoảng chừng 5 phút mà sao Hắn thấy thời gian như bất tận và cảnh hãi hùng với cái chết cận kề. Chiếc tàu Thái Lan từ từ ngưng di chuyển vòng quanh và kiếm cách tiếp cận với tàu của Hắn. Sau khi tiến đến gần với khoảng cách đủ để quăng giây sang tàu vượt biên và neo 2 chiếc tàu dính vào nhau. Chúng thả 1 cái thang dây bằng dây thừng để leo qua lại giữa 2 tàu. Bọn chúng chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người. Một nhóm đi sang tàu vượt biên với dao, búa, rìu cầm lăm le, nhóm còn lại có súng thì ở lại bên tàu của chúng. Cảnh hổn loạn trên ghe vì sợ hãi và mạnh ai nói nấy hiểu bởi những người hải tặc Thái Lan này không biết nói tiếng Việt hay tiếng Anh. Bọn hải tặc này là người Thái đen, nhìn thấy cũng đã sợ rồi, huống gì chúng cầm vũ khí hăm dọa nữa. Ngôn ngữ lúc ấy bằng thừa nên 2 bên chỉ xài ngôn ngữ của tay chân. À mà cũng lạ, con người là động vật khôn ngoan và lanh lẹ nhất trên trái đất này là thế, hiểu ý người khác qua cử chỉ rất nhanh, nhất là lúc nguy biến thì não bộ điều tiết hết cỡ để hệ thần kinh hoạt động hết công suất. Bọn hải tặc Thái Lan muốn những người đàn bà và con nít di chuyển sang tàu của chúng, còn thanh niên và đàn ông thì ở lại tàu vượt biên. Đàn bà, con nít khóc vang vì ai cũng nghĩ chắc chắn rồi đây chúng sẽ húc chìm tàu của đám đàn ông xấu số này. Lý do bọn hải tặc làm như thế để dễ dàng hành động với khám xét tìm vàng bạc, châu báu. Chúng không muốn đàn ông, con trai sang tàu chúng vì chúng sợ nhóm đàn ông có thể chống đối và cướp tàu. Sau khi đã phân chia 2 nhóm, chúng lần lượt lục soát từng nhóm một, bắt mọi người cỡi áo quần ra, mọi người chỉ còn đồ lót trên người. Chúng thâu tóm hết vàng bạc, châu báu mà chúng thấy được trên thân thể của mọi người. Sau đó chúng dùng cái rìu rất nhọn và bén để đục vào những chỗ khả nghi trên tàu vượt biên mà chúng nghĩ có thể dấu vàng nơi ấy. Nhìn cảnh tượng bọn hải tặc đục vào những tấm gỗ trên ghe mọi người đều lo sợ cho chiếc tàu mỏng manh có bị nước biển tràn vào vì bị vỡ vụn và nứt ra không nữa. Sau khi chúng đã cướp bóc xong, bọn hải tặc cho đàn bà, con nít trở về tàu cũ. Nhiều người lo lắng bảo nhau chắc chúng sẽ làm cho đắm tàu sau khi mọi người đã trở về tàu. Bọn hải tặc giữ lại 1 con bé độ chừng 17, 18 tuổi, cô bé có đôi mắt to tròn, tóc demi garcon nhìn cũng cao bồi lắm. Khi ở dưới tàu lúc chưa gặp hải tặc Thái Lan thì Hắn cũng có nói chuyện xã giao, biết được cô bé nói giọng Bắc đi cùng người anh và nhà ở gần ngã ba Ông Tạ (Saigon). Mọi người đang nghĩ chắc chúng sẽ bắt cóc con bé đi theo tàu chúng và sẽ húc chìm chiếc tàu vượt biên này để phi tang. Ui thôi! Tiếng khóc lóc inh ỏi, tiếng gia đình kêu réo nhau ngồi gần lại với nhau thấy thật thảm thương. Khoảng chừng 10 phút sau, không hiểu sao bọn hải tặc trả cô bé về lại với tàu cùng mọi người và chúng cho tàu quay đầu chạy mất dạng. Sau này được biết cô bé chống cự quá và cũng có lẽ bọn chúng cũng chưa thiết tha lắm nên không xãy ra vụ hãm hiếp này.
Mọi người mệt lã vì sợ hãi và say sóng. Con tàu lừ đừ chạy theo tọa độ của chiếc la bàn mà người tài công đang có để hướng về phần đất Thái Lan và con tàu cứ chạy như chiếc lá tre nhỏ nhoi trên một con sông rộng và dài mênh mông. Khi chưa bị tàu của hải tặc cướp thì mọi người đều hy vọng sẽ có tàu nào đi qua lại để giúp đỡ nhưng nay thì niềm hy vọng ấy mờ dần trong tâm tưởng của mọi người. Tàu cứ đi và biển mênh mông vô tận, dầu chạy máy, nước uống và thực phẩm cạn dần, mọi người phải dè xẻn phần ăn uống lại. Lúc này lại xãy ra dành phần ăn uống cho gia đình của nhiều người. Màn đêm lại đến trong sự lo sợ của chiếc tàu cứ trôi sắp hết 2 ngày lênh đênh trên biển.
Ngày thứ 3 đến, giờ mọi người đã quen của những ngày trước. Tàu cứ trôi theo phần phước và linh tính hướng lái của tài công. Xa xa một chấm đen đang tiến đến con tàu vượt biên. Một lúc sau, chấm đen ấy lại là một con tàu. Sự hồ hỡi, mừng rỡ của ngày hôm qua không còn như trước nữa. Mọi người nhìn theo chiếc tàu đang đến trong cảnh giác cao độ. Cũng bổn cũ soạn lại, chiếc tàu Thái Lan chạy vòng quanh chiếc tàu của Hắn để thăm dò. Ngôn ngữ tay chân lại đem ra xài tiếp với tiếng Anh ăn đong của 2 bên và mạnh ai nấy hiểu. Tàu vượt biên ra dấu xin nước uống và thực phẩm, chiếc tàu Thái Lan chỉ có 3 người trên ấy. Họ lấy thức ăn và nước uống sang cho bên tàu vượt biên. Mọi người thầm bảo chiếc tàu này tử tế quá, giúp người hoạn nạn, giúp đời như thế này thì phúc đức hơn xây 7 tầng phù đồ ...
Chiếc tàu này không bỏ đi, cứ neo đợi cùng với tàu Hắn hơn 1 tiếng đồng hồ. Một lúc sau, mọi người nhìn thấy đàng xa 3 chiếc tàu đánh cá của Thái Lan khác đang lù lù tiến đến. À thì ra là thế, chiếc tàu "tử tế" này đã gọi bộ đàm CB với những chiếc tàu kia để cùng nhau: CƯỚP. Than ui! Thúy Kiều ngày xưa có bị bầm dập và cay đắng chắc cũng chẳng nhiều hơn con tàu này. Lý do chiếc tàu khi nãy chưa dám cướp vì chúng ít người nên sợ, tìm kiếm thêm đồng minh để cùng nhau cướp. Cảnh sợ hãi cũng hơi quen và trầm tĩnh hơn trên gương mặt tội nghiệp của những kẻ khốn cùng Vietnam này. Lần này bọn hải tặc không cần chạy vòng vòng để làm sóng nhân tạo nữa. Chúng quăng giây qua để kéo chiếc tàu vượt biên lại gần và leo qua. Chuyến này chúng không còn đề phòng như lần đầu tiên nữa vì chúng có 4 tàu nên tự tin với cướp bóc. Mà trời ạ, ông mở mắt ra mà bảo chúng nó là hết vàng bạc, châu báu rồi, Hắn tự nhủ thế. Chiếc tàu hải tặc trước đã lột sạch sành sanh đâu còn gì nữa. Chúng lục soát khi không thấy gì, tức lồng lộng lên. Khi ấy chúng đập phá máy móc, lấy dầu chạy máy đem về tàu của chúng và đánh người để tra khảo vàng. Bọn hải tặc đánh người vô tội vạ, nhìn mặt thích là đánh thôi. Ai xui nấy chịu cảnh ăn búa vô lưng hay lấy dao lăm le hù dọa như muốn đâm tới nơi rồi. Với đàn bà, con gái đẹp, chúng dùng dao cắt đứt khuy nút áo ngoài trong để thỏa mãn thú tính nhục dục và cướp bóc. Chúng dùng búa và rìu để đục vào trong những chỗ kín của tàu xem ra có vàng bạc, châu báu gì không. Chiếc tàu vượt biên bây giờ tan tác như đống sắt, gỗ phế thải. Một hồi lâu, bọn chúng bỏ đi. Trên tàu khốn khổ chỉ còn cái may mắn là không bị hãm hiếp, còn mọi thứ thì đã trãi qua hết rồi. Ừ! May mắn cho đàn bà, con gái thật.
Ngày thứ 4 đến, không gian của biển mênh mông vẫn thế, trời vẫn nắng như những ngày trước. Con tàu bây giờ đã chết máy, trôi lặng lờ như kẻ lãng tử không nhà, chẳng biết đi về phương nao. Nỗi tuyệt vọng đang dần dần chiếm hữu suy nghĩ của mọi người, cái khẩn trương trên gương mặt, trong lo sợ sẽ ra sao đang cô đọng trong khắc khổ vì không biết chuyện gì sẽ đến. Rồi thì lại: CƯỚP. Bọn hải tặc đến và đi, riết thành quen. Còn gì nữa đâu mà cướp, hết sạch rồi, có còn chăng, 81 mạng người với gương mặt tệ hơn đưa đám ma người thân qua đời. Nhớ lại những ngày vừa qua, Hắn cảm nhận hình như phần lớn tàu đánh cá Thái Lan đều là hải tặc, cướp biển lúc đó bởi bọn họ phần đông là người làm công, đánh cá thuê cho người chủ đang ở trong đất liền.
Ngày thứ 4, 5, 6 đã qua với biển và hải tặc. Sự quen thuộc và chịu đựng như đã thân lắm rồi. Sáng sớm ngày thứ 7, trời mây mù, nắng hôm nay đi vắng, nhưng trong Hắn không thấy tình thơ như văn chương thường viết. Gió thổi mạnh, đưa những đám mây đen từ nơi xa tít lại gần hơn nơi con tàu đang trôi vô định hướng. Mưa bắt đầu rơi, gió vần vũ càng lúc càng mạnh, sóng biển dâng cao đưa đẩy con tàu trồi lên hụp xuống như chẳng biết khi nao là lần cuối và sẽ vĩnh viễn chìm trong đại dương sâu thẳm của biển Đông. Mọi người lo sợ, cái chết đã cận kề. Nước biển đã tràn vào trong boong tàu, một người trong nhóm đứng ra chia mọi người đàn ông, thanh niên với nhiệm vụ múc nước đổ ra lại biển. Chia nhau 4 người 1 toán, cứ mỗi 15 phút thì đổi phiên. Mọi người ai cũng ướt như chuột lột, cái lạnh vì mưa và gió không còn cảm giác nữa trong cảnh thập tử nhất sinh này. Tiếng con nít khóc vang. Tiếng đàn bà tụng kinh và cầu nguyện lâm râm. Chiếc ghe trôi bập bềnh, ngoi ngóp trên sóng chẳng biết khi nào là lần cuối với lặn hụp, cùng với khách không mời là gió và mây đen đang kéo đến để hội tụ thành bão tố đã mang mưa đến là đây. Ra trùng khơi của đại dương mới thấy chiếc ghe vượt biên giống như chiếc lá tre lênh đênh trên mặt hồ nước mênh mông.
Bổng có tiếng la ơi ới của nhiều người trên đầu mũi chiếc ghe:
"Có tàu lớn đàng trước kìa bà con ơi!!!"
"Mau mau giương cờ trắng cho người ta thấy mình"
.............
................
Hắn đang cùng với 3 người đàn ông khác đang múc nước tràn vào trong ghe ở dưới boong tàu. Dụng cụ để múc nước biển tràn vào là những cái gàu bằng nhựa mà ở Vietnam hay dùng để thả xuống giếng múc nước lên. Đúng là múc nước đổ biển như giọt nước rơi trong cơn mưa bão. Chiếc ghe mà Hắn đi đến ngày hôm nay là 7 ngày rồi, máy đã chết, chiếc tàu thả trôi bồng bềnh vô định hướng. Ngày hôm nay biển động, sóng dồn dập liên hồi rất đều đặn của con sóng dữ.
Chiếc tàu của người Thái đến cứu quăng giây thừng qua con tàu vượt biên để cập vào nhau cho dễ leo qua. Nhìn lại, chiếc tàu vượt biên nhỏ xíu chỉ bằng 1/10 của chiếc tàu đánh cá Thái Lan. Hắn và những người đàn ông khỏe mạnh trên tàu giúp đàn bà, trẻ em và người yếu đuối đi qua tàu Thái Lan trước ... rồi thì Hắn cũng qua được tàu cùng tất cả mọi người trên chiếc tàu vượt biên với 81 người. Hắn mệt đừ, đứng không vững như người say rượu. Hắn mê thiếp trong tiềm thức và xa dần với những tiếng nói còn lo sợ của những người vượt biên đồng hành chung quanh ...
Con tàu của người Thái này thật sự là cứu tinh của 81 người vượt biên. Họ cho những người khốn khổ ăn, uống. Ngồi trên chiếc tàu to lớn này, Hắn nhớ lại con tàu của Hắn đã chìm sao thấy nhỏ bé quá. Tàu to lớn là thế đó nhưng cũng gần 6 tiếng đồng hồ chiếc tàu của người Thái Lan tốt bụng này mới về đến bến ở 1 tỉnh phía Nam của đất Thái Lan. Vào đến đất liền, cảnh sát Thái Lan vây quanh canh chừng, sau đó đưa tất cả mọi người vào 1 ngôi nhà lớn tạm dung với nhiều căn để chờ và làm thủ tục đưa về trại tỵ nạn Songkhla. Hắn nghe người ta nói chính quyền Thai Lan cấm ngặt không cho tàu của nước mình cứu người trên biển vì không muốn làm 1 gánh nặng cho đất nước Thái với người tị nạn. Có người đi chung tàu nói rằng người chủ tàu đưa đoàn người vào đất liền đã bị phạt 250000 Baths (Khi ấy 1 USD = 60 Baths). Số tiền này của năm 1979 là 1 số tiền lớn.
Mọi người trong chuyến tàu ở lại nơi tạm trú tỉnh Surat Thani khoảng 2 tuần lễ, sau đó xe buýt chở hết 81 người tị nạn về trại tị nạn Songkhla. Xe khởi hành khoảng 9 giờ sáng và đến trại tị nạn khoảng gần trưa. Sau khi làm thủ tục giấy tờ bàn giao giữa 2 cơ quan chính quyền Thái, nhóm của Hắn di chuyển vào trong trại tị nạn Songkhla. Trại được bao bọc bởi hàng lưới sắt chống đạn súng cối B40 của Mỹ, lưới sắt được đan theo hình thoi. Trại có cửa lớn và cửa nhỏ cũng bằng lưới sắt, đoàn người tiến vào cửa chính, trong trại lố nhố những người Vietnam đã đến đây từ trước, họ đứng vây quanh nơi nhóm người sẽ đi vào với tò mò để nhìn xem có ai là người quen biết trong chuyến tàu vượt biên vừa nhập trại. Trại có chiều dài khoảng 400m và chiều ngang khoảng 50m. Ba (3) mặt của trại được bao bọc lưới sắt và 1 mặt là bãi biển. Trại được xây dựng theo hình thức như barrack của quân đội. Chỉ có mái nhà lợp tole và không có cửa. Tổng cộng cở chừng 15, 16 gian. Mỗi gian chia làm 2 lô, ngăn cách bởi tấm gỗ chính giữa cao cỡ 1.5m và được đếm số từ 01 trở lên và bắt đầu tính từ trạm xá y tế của trại gần ngay cổng chính ra vào. Mỗi người được chia 1m chiều ngang làm nơi ngủ, nghỉ.
Vừa vào trại Hắn đã gặp người quen cùng quê ở Tam Kỳ, 2 người bạn học cùng khóa (1 nam tên T, 1 nữ tên KC) nhưng không cùng lớp ngày xưa và người quen đối diện của nhà Hắn tên Q. Vào trại tị nạn rất nhiều chuyện kể của những chuyến tàu vượt biên hãi hùng trên biển Đông do chính hải tặc người Thái đã gây ra. Có những chuyến tàu bọn hải tặc giết bằng cách làm cho đắm tàu và chỉ giữ lại những cô gái chúng bắt theo tàu của chúng để hãm hiếp. Sau một thời gian chán chê, chúng sẽ đưa những người khốn khổ ấy về đảo hoang Kokra của đất Thái để giam lỏng ở đó cho đồng bọn chúng tới lui để hãm hiếp. Bạn Hắn kể chuyến đi của mình rơi vào một trong những hoàn cảnh đáng thương đó. Chiếc tàu đã bị bọn hải tặc cột dây vào kéo đi về đảo Kokra và khi gần đến đảo thì bị chìm, chết vô số kể, bạn Hắn may mắn bơi được vào bờ của đảo này với khoảng cách hơn 300m. Nơi đây là địa ngục của những thiếu nữ Vietnam, bọn hải tặc ghé vào đây để hãm hiếp. Ban ngày những cô gái phải chạy trốn vào những hốc đá hiểm trở và hẻo lánh. Chập choạng tối mới dám leo ra để gặp những người Vietnam khác. Sau này có người làm việc trong Cao Ủy Liên Hiệp Quốc khám phá biến cố hãi hùng này và giúp đỡ những người tị nạn bị nhốt ở đảo Kokra được vào trại tị nạn Songkhla. Bạn Hắn cũng nằm trong nhóm người đến từ đảo Kokra. Từ nơi đảo Kokra này có những cô gái nhập trại với con thuyền không số, 1 người thì ai cũng hiểu hoàn cảnh đáng thương của người đó như thế nào. Bởi cô ấy đã bị bọn hải tặc bắt cóc, hãm hiếp và nhốt trên đảo để thỏa mãn thú tính nhục dục của chúng những khi quay lại đảo hoang này.
Những ngày ở trại thật an nhàn, lặp đi lặp lại với ăn, ngủ và nghe ngóng có phái đoàn của quốc gia nào đến để nhận người đi định cư ở nước họ thôi. Nơi đây Hắn, bạn và người anh kia có cô em gái học chung khóa với Hắn khi còn ở Tam Kỳ rất khắn khít mỗi ngày. Hắn lúc đó đúng là chuyên chính vô sản như Marx đã viết, trong túi không có một đồng teng dính túi và không người thân nơi đây và ở nước khác ngoài Vietnam. Mỗi ngày Hắn ăn cơm chung với người cháu của anh rể Hắn, tên này qua đây cặp bồ với người có dẫn theo 1 đứa cháu theo cùng. Nhiều lúc ước mơ đơn giản của Hắn chỉ cần có ly cafe và điếu thuốc lá để hút nhưng cũng không có nữa. Sự thèm thuồng trong cơ thể Hắn nhưng cũng ráng giữ trong lòng thôi, không dám bày tỏ cùng ai. Có những buổi sáng anh bạn đối diện nhà Hắn khi còn ở Vietnam có chút đỉnh tiền, mà anh này cũng giống như Hắn chứ cũng chẳng tốt lành gì, qua đây cũng không có ai là người thân ruột thịt, có vài đồng mua được ly cafe đen đá. Bộ 3 chụm lại uống chung 1 ly cafe và hút điếu thuốc Samit có đầu lọc do Thái Lan sản xuất, hút lẹ đến nỗi cái tàn chưa kịp cháy hết, đỏ lòng thòng và cái đầu lọc của điếu thuốc tóp rọp thấy mà thảm hại. Hehehe! Cái sung sướng của thiếu thốn là đây, nên về sau Hắn nghe kể về sự thèm thuồng của những người tù cải tạo là Hắn tin liền. Ngày lại ngày ở trại tỵ nạn của thuyền nhân (boat people) nhàn hạ và lặp đi lặp lại đến chán. Mỗi chiều Hắn và những người bạn cùng quê tắm biển hằng ngày khi chiều xuống. Nơi đây, Songkhla, có bãi biển sạch và đẹp. Đêm về Hắn, bạn T và anh Q cùng nhau kéo lên mái hiên của trạm xá y tế để ngủ. Trước khi ngủ phải "hìn bảy", 1 hình thức như oảnh-tù-tì nhưng với 3 người. Ai thắng sẽ được nằm chính giữa, lý do ưu tiên nằm giữa thì khỏi phải lo kéo và giữ chăn mền rũi có đối phương nằm góc kia mê ngũ kéo mền về 1 phía. Mỗi khi chiều xuống bộ 3 đi vòng vòng sân trại tỵ nạn và ghé xuống lô ở của 2 chị em của người quen TT và TN, nhà gần Chợ Cũ ở Tam Kỳ. Hai chị em này cũng đi vượt biên giống như Hắn. Ngày xưa, khi còn ở Tam Kỳ, mỗi chiều Hắn cũng thường hay đứng nghắm nữ sinh tan trường về ở nhà may áo quần của người bạn, Hắn vẫn thấy người đẹp này đi ngang mỗi ngày. Ngày ấy Hắn thấy cô ấy đẹp, dễ thương và 1 chút xa lạ, biết thôi chứ chưa 1 lần nói chuyện hay gặp gỡ. Qua đây cùng quê nên tình cảm khắn khít và thân mật và nói chuyện cũng cởi mở hơn.
Hắn ở trại tỵ nạn Songkhla được hơn 4 tháng thì được di chuyển về Bangkok để đi định cư. Ngày Hắn đi định cư ở Mỹ vào cuối tháng 7. Hắn đến phi trường quốc tế San Francisco và được đưa về Oakland để ở tạm và làm thủ tục giấy tờ trong 2 ngày. Hành trang vào đời ở tuổi đời mới vừa qua ngưỡng 18 của Hắn khi đến Mỹ là bộ đồ mặc trên người, 1 cái quần jeans, 1 cái áo polo T-shirt, 1 cái quần lót, bàn chải và kem đánh răng, tất cả được gói trong tờ giấy báo nhật trình chứ Hắn chẳng có được cái va ly nữa, hehehe, chuyên chính vô sản đến thế là cùng.
Và như thế, Hắn lớn dần theo thời gian, trưởng thành từ những bước đi khập khểnh vào đời không người thân chung quanh. Ước mơ là đây, rồi cũng đến với Hắn. Hắn vào đời với 2 bàn tay trắng, nhỏ nhoi như con chim mới ra ràng, chập choạng bay với đôi cánh mỏng chỉ mong sao đừng vấp ngã hay trôi theo dòng đời để đừng buông xuôi.
Dòng đời vẫn trôi, nhiều lúc Hắn nhìn lại, tự hào với chính mình và hãnh diện vì Hắn đã đứng vững được với đôi chân bé nhỏ của mình. ƯỚC MƠ là đây, Hắn nhìn sâu về quá khứ đi qua, thầm cám ơn thượng đế và gia đình đã giúp Hắn đạt được những nguyện ước nhỏ nhoi của mình, Hắn mĩm cười trong chớp mắt nhìn lên thật gần.