Trần Đức Thảo
NHỮNG LỜI TRĂNG TRỐI
Chương 2: TIẾP CẬN THỰC TẠI ĐAU ĐỚN
Bác Thảo ngưng kể, bùi ngùi im lặng hồi lâu. Chúng tôi thì vô cùng xúc động và ngạc nhiên. Mấy câu hỏi ấy đã kéo chúng tôi ra khỏi cõi mơ hồ, như đã đánh thức chúng tôi dậy sau cơn u mê dài. Rồi bác lại tiếp:
- Những trải nghiệm đau đớn của thực tại cách mạng đầy máu và nước mắt, diễn ra hằng ngày trước mắt, đã thường xuyên chất vấn tôi… Chẳng lẽ chúng không để lại dấu vết gì trong đầu óc tôi sao? Nếu chỉ viết mấy cái bài nghiên cứu có tính nhân chủng học như vậy, thì chẳng thà hồi đó tôi cứ ngồi lại Paris này để đề ra những thứ ấy thì dễ dàng và thuận lợi hơn!
- Vậy những bài vở và công trình biên khảo mà bác đã cho xuất bản ở ngoài này không phải là những công trình chính mà bác đã dày công nghiên cứu ở trong nước sao? Ở trong nước, bác chỉ được dạy học trong một thời gian rất ngắn, khoảng gần hai niên học thôi. Vì bác đã bị đình chỉ công tác sau hai bài báo đụng tới vấn đề dân chủ… Vậy suốt trong mấy chục năm còn lại, tức là từ năm 1956 cho tới nay, thì bác đã dùng thời gian dài ấy để làm gì?
- Anh thắc mắc như vậy là rất đúng. Tôi chỉ được dạy học trong một thời gian rất ngắn. Sau đó là bị sống quản chế với những canh chừng, rình rập gắt gao. Muốn công khai nói năng, viết gì thì cứ việc… nhưng quyền lực cấm tôi tuyệt đối không được đụng tới chính trị, không được đụng tới cách mạng! Thế nên tôi đã phải câm nín về chính trị, về cách mạng ròng rã trong hơn ba chục năm.
Trong thời gian sống như bị lưu đầy, bị ức chế câm nín ấy, cái đầu của tôi vẫn như một động cơ quay với tốc độ cao. Nó vẫn cứ nghiên cứu, có trải nghiệm… để nghiền ngẫm, để phác thảo ra một công trình có thể cô đọng trong một cuốn sách. Có thể nói là tôi sẵn sàng vứt bỏ hết những gì đã viết từ trước tới nay, để chỉ lưu giữ lại một cuốn sách này… Vì cái phần nghiên cứu, lý giải trong câm nín, trong im lặng này mới thật là một công trình súc tích, có trọng lượng, thật là dày công sức của trái tim và khối óc! Bởi những cái đó đã dằn vặt, nghiền nát tôi hằng ngày. Giờ đây nó đang bùng nổ, đang được trải ra qua từng trang giấy…
- Bác đã nhấn mạnh công việc quan trọng của bác không phải là nghiên cứu những cái đã được công bố ở nước ngoài, vậy thì cụ thể là bác đã bỏ công nghiên cứu cái gì?
- Là nghiên cứu những cái của thực tại thô bạo, thực tại đau đớn, thực tại khổ cực của dân chúng, nó đã diễn ra trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, qua hai cuộc chiến tranh, qua công cuộc đổi mới đang diễn biến, quay cuồng cho tới nay… Thực tại đó nay vẫn rất tàn nhẫn. Cái nghiên cứu đó mới thật là quan trọng.
- Cụ thể những thực tại quan trọng đó là gì? Bác có thể nói thẳng ra vài thí dụ được không? Chúng tôi vì quý bác, thương bác mà thắc mắc như vậy. Bởi ai ở đấy cũng đã nghe đồn đại về những nỗi khổ tâm, khổ trí của bác ở quê nhà, nên cứ nghĩ là sự chọn lựa trở về của bác hồi ấy là một sai lầm, thật sự là một thất bại. Vì nó đã phá tan sự nghiệp triết học lừng lẫy đã có của bác. Vậy xin thành thật hỏi bác, bác đã về để phải sống như thế để làm gì? Sao lúc đó bác không tìm đường bỏ đi, trốn đi?
- Thật sự là lúc này rất khó giải thích một cách ngắn gọn cho hai anh hiểu. Tôi đã về nước với mộng ước được tham gia cách mạng, để trải nghiệm tại hiện trường về những gì mà tôi đã đặt thành mục tiêu, thành nhiệm vụ nghiên cứu, ngay từ trước khi quyết định trở về tham gia kháng chiến và cách mạng. Trở về là để có dịp sống trong cách mạng, để so sánh với những gì đã xảy ra trong cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga. Với những hiểu biết phê phán đã có về cuộc cách mạng ấy, tôi tâm nguyện về quê hương để nghiên cứu thực tại, với hoài bão đóng góp xây dựng ở nước ta một mô hình cách mạng trong sáng, mà chẳng những dân ta mà là cả nhân loại mong đợi. Trong thực tế, sách vở có thể mang lại tiếng tăm. Điều này không quan trọng. Điều quan trọng là sự trở về xứ sở đã giúp tôi trải nghiệm một thực tại tàn nhẫn khi chứng kiến sự đau khổ của con người bị kìm kẹp bởi ý thức hệ. Nhất là ngay khi đặt chân trở lại trên mảnh đất quê hương ở ATK (an toàn khu), thì người ta đã tìm đủ cách để cấm cản tôi làm công việc trải nghiệm quan trọng đó…
- Công việc trải nghiệm quan trọng đó là gì?
- Cái đó chưa thể nói rõ, nói hết là vào lúc này, vì chưa phải lúc. Hai anh nên kiên nhẫn chờ cuốn sách mà tôi đang biên soạn. Tôi cam kết với hai anh là việc hoàn thành cuốn sách này sẽ là một sự kiện quan trọng. Vì nó đáp ứng khát vọng lớn nhất của đời tôi. Vì lần này là tôi muốn nói lên hết những vấn đề then chốt của cuộc cách mạng do lý thuyết và lý luận Mác-Lê chỉ đường. Nay vì chưa hoàn tất, chưa xuất bản được cuốn sách, nên tôi rất bồn chồn, lo lắng, nóng lòng. Thôi ta thay đổi đề tài nói chuyện đi kẻo nó dẫn tới những điều chưa thể nói vào lúc này. Các anh nên nhớ là tôi về nước là để tham gia cách mạng chứ không hề có ý làm việc gì khác. Và cho tới nay, tôi vẫn chưa được nói và viết gì về công tác chính yếu này… trừ hai bài báo và một tập biên khảo nhỏ đã được xuất bản ở trong nước. Những cái đó cũng đã làm cho tôi khó sống…
- Vâng xin đồng ý đổi qua vấn đề khác. Nay điều mà anh em ở đây muốn biết là sức khỏe của bác bây giờ ra sao?
- Như mọi người đều biết, ở ngoài bưng, tôi bị bệnh đau gan mãn tính, ở nhà một số anh em bác sĩ, vì thương tôi, nên vẫn theo dõi chăm sóc tôi miễn phí. Sang đây thì tôi không có bảo hiểm y tế như người dân ở đây. May mà có hai bác sĩ Việt kiều khám bệnh không lấy thù lao mà lại còn cho thuốc tôi uống. Nhưng việc chăm sóc, theo dõi là phải thường xuyên làm thử nghiệm, như làm échographie (soi âm) lá gan và thử máu theo từng định kỳ, làm những cái đó ở đây rất tốn, mà tôi ra đi thì chỉ mang theo một ít tiền, nay thì chỉ dành để lo cho việc ăn uống thôi.
- Thế Sứ quán không lo cho bác sao?
- Sứ quán đã miễn cưỡng cho tôi ở nhờ trong nhà khách số 2 Le Verrier ấy là quá tốt rồi, chứ tôi có quy chế cán bộ hoặc có ở trong biên chế ngoại giao, như họ đâu mà họ lo chu cấp cho tôi. Vả lại khi tôi qua đây thì họ rất dè dặt, cứ tưởng rằng sau khoảng vài tuần hay vài tháng thôi, rồi tôi sẽ trở về hoặc sẽ dọn đi chỗ khác.
- Như vậy thì tương lai của bác…
- Về tương lai của tôi thì thật sự là lúc này đang đầy khó khăn mà tôi chưa có cách giải quyết! Đây đang là một cuộc khủng hoảng lớn của đời tôi! Nếu ở nhà, nhất là ở Sài Gòn, thì dễ giải quyết, ở đây thân cô, thế cô, áp lực tứ bề, nên cuộc khủng hoảng này là một bế tắc vô cùng nan giải…
- Như vậy thì việc cần phải làm lúc này là tìm phương cách giải quyết việc ăn và ở, để bác còn an tâm mà viết sách chứ?
- Chính thế!
- Thành thật xin lỗi bác, hỏi câu này hơi thiếu tế nhị, liệu bác còn đủ lực tài chánh… tới bao lâu nữa?
- Tôi cũng thú thật với hai anh là hiện tôi đang lâm vào cảnh sống nay lo mai. Mấy tờ báo và nhà xuất bản Pháp đã hiểu rõ hoàn cảnh của tôi nên họ đã ứng trước như tiền đặt bài, mà tôi cũng chưa viết gì cho họ cả. Chỉ mới cho họ phỏng vấn mấy buổi thôi. Nhờ đó mà tôi chịu đựng được tới hôm nay. Bây giờ thì các món tiền ứng trước ấy cũng đã cạn kiệt. Vì vậy mà tôi phải cấp tốc soạn ra một số bài làm đề tài thuyết trình, tôi hi vọng sẽ bán vé tượng trưng cho các buổi diễn thuyết ấy, để tôi sống qua ngày, Tôi đã xin Sứ quán cho mượn nơi để tổ chức nói chuyện, tức là để trình bày về nội dung cuốn sách của tôi… Và từ tuần tới, mỗi chiều thứ ba hoặc thứ năm thì tôi sẽ bắt đầu các buổi thuyết trình tại “Nhà Việt Nam” ở đường Cardinal Lemoine, quận 5, Paris. Và trước mỗi buổi nói chuyện thì tôi tính sẽ bán những tập tóm lược về đề tài nói chuyện ấy. Hi vọng là các anh em sẽ ủng hộ tôi trong lúc chờ một số bạn bè Pháp tìm cách giúp đỡ tôi đều đặn và lâu dài hơn… như họ đã hứa.
Bữa ăn trưa hôm ấy, tưởng là sẽ vui vẻ, nào ngờ sự cởi mở tâm tư u buồn về tình trạng vật chất của bác Thảo đã làm cho buổi gặp gỡ kết thúc một cách buồn thảm. Canh và tôi đều rất xúc động khi phải chứng kiến cảnh một vị giáo sư từng một thời vang danh ở Paris, mà nay phải hạ mình bàn cách bán tiếng nói, bán chữ để kiếm sống qua ngày.
Trước khi chia tay, tôi làm vẻ tự nhiên và nói vài câu để bác Thảo lên tinh thần:
- Bác đừng lo, tôi tin là thể nào anh em ở đây cũng dư sức lo cho bác, riêng hôm nay thì xin có chút quà nhỏ này gửi biếu bác như là lòng thành. Thật không thể ngờ hậu vận của bác lại vất vả thế. Nhưng có như vậy, thì khi vượt qua được khó khăn, mới là vinh quang, phải không bác?
Canh cũng bỏ vào túi áo nhà triết học một chút tiền. Chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng rất ái ngại khi nhìn thái độ ngượng ngùng của bác Thảo khi tiếp nhận sự trợ giúp ấy. Phải cố cầm nước mắt, để gượng cười với nhau.
Những tâm sự buồn ấy đã làm chúng tôi im lặng khá lâu khi cùng nhau đi ra xe. Lúc ngồi trên xe đưa bác Thảo về tới nơi tạm trú, Canh hỏi:
- Bây giờ muốn hỏi bác tại sao bác quyết định trở về quê hương hơn bốn chục năm về trước và cả sự chọn lựa trở lại Paris lần này. Bác có thấy ân hận gì không? Phải chi hồi ấy bác cứ ở lại Paris, thì bây giờ bác đã có một địa vị lớn trên diễn đàn triết học thế giới rồi.
- Hồi ấy, tôi đã trở về xứ sở với một đầu óc hăng hái, đầy lạc quan tin tưởng của tuổi trẻ. Cứ nghĩ thế nào cụ Hồ cũng phải ngạc nhiên về những hiểu biết của tôi. Bởi tôi đã có những nghiên cứu sâu rộng về cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga, mặt khác, tới đã có một vốn hiểu biết vững chắc về tư tưởng của Karl Marx. Với lòng hiếu thắng bồng bột, ngông cuồng đến mức cuồng tín, tôi tin rằng với những nghiên cứu và kiến thức mà tôi đã đạt được, tôi tự thấy mình như là hiện thân của ý thức hệ mác-xít, để có thể trở về làm nhiệm vụ như một trong những lý thuyết gia bên cạnh ông cụ. Để tôi góp sức xây dựng ở quê hương một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi! Nhưng khốn khổ cho tôi là khi về tới quê hương, thì tôi đã va chạm vào một thực tại hoàn toàn đóng kín, nó đã làm tôi bị vỡ mặt và vỡ mộng. Thời gian ấy, tôi đã phải trải qua những giờ phút chao đảo lập trường. Đây là giai đoạn tuyệt vọng nhất của đời tôi. Nhưng rồi tôi bình tĩnh phân tích hoàn cảnh và những nhược điểm của mình, dần dần nhận biết sự thật, để đặt ra những câu hỏi sát thực tế… Rồi từ chỗ tuyệt vọng đó, tôi đã lấy lại được thăng bằng, khi ghi nhận rằng nếu không trở về thì làm sao biết là mình đã có những cái nhìn thiển cận, đã sai lầm một cách đần độn, cuồng tín đến như thế. Rồi sau thì tôi phải nhìn nhận rằng sự trở về ấy là cần thiết là một chọn lựa đúng. Không sống trong tội ác bế tắc của cách mạng, thì làm sao biết là đã có sai lầm. Bởi những gì đọc trong sách vở, những gì nghe truyền đạt qua guồng máy tuyên truyền, thì tất cả những điều ấy đều không phải là trăm phần trăm sự thật. Cả việc bị đẩy trở lại Paris lần này cũng vậy. Đó là những bước đường trải nghiệm, tuy thật là gian nan, nhưng đã giúp tôi thức tỉnh để rồi nhận thức được những sai lầm cơ bản của cách mạng và của chính tôi. Và từ đó, tôi đã đạt tới một số kết luận có tính triết học cao và vững bền. Thật sự là cho tới nay, tôi không hề hối hận gì về việc hồi đó đã bỏ Paris để về quê hương và cả bây giờ lại phải trở qua Paris. Tuy có lúc ở Hà Nội, tôi đã sống những ngày tháng tuyệt vọng, mất phương hướng, như đang phiêu lưu, lạc lõng trong tình trạng rối loạn tâm lý, bế tắc trong tư tưởng. Nhưng rồi thực tại tàn nhẫn và những giao động mất lý tưởng của những người quanh tôi, tất cả đã hằng ngày như chất vấn tôi, khiến tôi phải từng bước đặt lại vấn đề, hằng ngày tìm cách giải đáp cho những chất vấn ấy. Những cái đó đã làm cho đầu óc dần dần sáng hơn, dần dần chuyển biến, dần dần thức tỉnh… Trạng thái đó đã giúp tôi đứng dậy được. Bởi trong thời gian chao đảo, khủng hoảng ấy, trong đầu tôi luôn luôn có một cuộc tranh cãi bùng lên dữ dội. Một cuộc tranh cãi giữa cái tôi triết học, cái tôi mác-xít, cái tôi cách mạng, về thực tại phũ phàng trước mắt. Trước những sự kiện, những hậu quả đen tối, những lý luận ngụy biện, những hành động dối trá, độc ác không thể chấp nhận ấy, thì tôi cứ tự chất vấn tôi:
- Triết học là như vậy sao? Chủ nghĩa Mác là như vậy sao? Mục đích của cách mạng là như vậy sao? Rồi chính tôi đã tự trả lời:
- Không! Triết học không phải là như vậy. Nhưng có khi chủ nghĩa Mác khi triển khai như thế thì cách mạng phải là như vậy. Nghĩ như thế, xét cho cùng, tức là tôi đã bắt đầu có thái độ nghi ngờ mang tính khoa học. Nhưng tôi vẫn chưa lý giải được rành mạch là tại sao. Những thắc mắc tích tụ ngày càng nhiều thì chúng càng như tăng sức thúc đẩy tôi phải cố tìm hiểu tại sao. Khi chưa có lời giải đáp thì tôi lại tự hỏi: Phải chăng là vì ta chưa biết đặt đúng vấn đề?
Bước đầu thức tỉnh như thế, đã làm tôi không còn thấy là mình bị lạc lõng nữa. Vì khi đã biết là chưa đặt đúng vấn đề, tức là chưa nhận ra hướng để tìm kiếm. Từ đó tôi biết mình sẽ phải dồn tâm trí để làm gì. Tuy công việc suy tư ấy không dễ dàng vì hàng rào canh chừng rất gắt ở chung quanh, nhưng tôi vững tin chắc chắn có ngày sự suy nghĩ tìm tòi của tôi sẽ ra hoa, sẽ kết quả…
- Thế thì từ khi trở về nước tới nay, bác đã biên soạn được gì cụ thể gọi là đáng kể chưa?
- Thành thật mà nói thì ở trong nước, tôi chưa viết ra được gì là đáng kể cả. Bởi như các anh đã biết, tôi đã bị gạt ra bên lề sinh hoạt chính trị ngay từ đầu. Chỉ mới viết hai bài báo đề cập khái quát tới dân chủ thôi, mà đã bị chúng nó xúm vào đấu tố tưởng đã mất mạng. Thế nên mọi suy tư, trải nghiệm là phải giấu kỹ trong đầu. Mà những gì tôi làm trong đầu, đều toàn là những nghiên cứu dựa trên thực tại thật là sống động, thật là độc lập về mặt triết học thực nghiệm, để hướng về tương lai. Đây là một công trình nghiên cứu rất cơ bản, rất thực tế. Nếu nói về ảnh hưởng thì có lẽ tôi cũng đã đóng góp được phần nào khi gián tiếp chỉ ra cho chung quanh thấy một số sai trái rất nghiêm trọng, cho họ hiểu là nếu, không chịu thay đổi hẳn tư duy, thay đổi toàn diện chính sách thì cả nước sẽ không thoát ra được tình trạng bế tắc tư tưởng, hỗn loạn xã hội, phải sống túng thiếu, đói khổ triền miên. Nhất là từ sau ngày 30 tháng tư 1975. Cái mốc thời gian ấy đã đánh dấu lúc toàn khối xã hội chủ nghĩa, vốn đã rệu rã, đã khánh kiệt, nay đang bắt đầu bước dần tới nguy cơ tan rã. Bởi sau cái ngày 30 tháng tư, 1975 đó, Liên Xô và cả khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa không còn cái chiêu bài chính đáng để bắt dân chúng phải tiếp tục hi sinh, thắt lưng buộc bụng nhằm chi viện cho các công cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Mỹ nữa. Dân chúng bắt đầu bạo dạn và cương quyết xuống đường đòi tự do và bánh mì! Tình trạng khủng hoảng tư tưởng trầm trọng này bắt đầu đưa tới hỗn loạn ở Đông Âu, Hồng quân đã phải trực tiếp nhảy vào can thiệp bằng vũ lực, dẫn tới lúc bức tường Bá Linh sụp đổ, đưa tới kết thúc các cuộc cách mạng theo tư tưởng Mác-Lê… Chính những sự hỗn loạn ấy đã làm cho khối Liên Xô suy sụp ngay từ bên trong. Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Tiểu Bình đã dứt khoát ngả sang phía tư bản. Ngay cả ở nước ta, nếu không sớm cố vận động, cố chấp nhận mọi điều kiện điều đình, để Mỹ rỡ bỏ cấm vận, thì ta cũng sẽ rơi vào hỗn loạn và cùng lắm thì cũng sẽ vẫn cố định trong tình trạng trì trệ, đói khổ, bế tắc xã hội như ở Bắc Triều Tiên hay Cuba thôi. Tóm lại là nếu hồi đó tôi không tự ý về quê hương để hiểu rõ thực tại, không được nhìn thẳng vào sự thật, không sống trong sự thật của cuộc cách mạng đầy mâu thuẫn, đầy sai lầm ấy, thì làm sao nhận hiểu ra những sai lầm cơ bản của chính tôi. Và cả khi phải ra đi như lần này. Nếu không chấp nhận ra đi, thì tôi không thể đạt tới trình độ tư duy để đạt tới thành quả về mặt triết học như hiện nay. Những trải nghiệm xuyên qua kiểm nghiệm phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ kháng chiến và xây dựng cách mạng ở quê nhà đã tạo cơ hội cho tôi dần dần thấy rõ sai trái bắt đầu từ học thuyết, từ ý thức. Sự bế tắc của cách mạng và của chính tôi là do ý thức giải phóng con người bằng đấu tranh giai cấp để xoá bỏ giai cấp. Đấy là một mô hình cách mạng không tưởng, không nền tảng duy vật sử quan!… Không tưởng vì cả tin vào sự đam mê cuồng tín, cả tin vào khả năng giải phóng bằng bạo lực của hận thù. Cho tới khi bị coi như là một kẻ phản động, bị nghi là “kẻ do địch cài vào hàng ngũ cách mạng” thì từ đó tôi mới nhận ra sự bế tắc ấy là do ý thức, do thái độ cảnh giác, do chính sách thù hận mù quáng của quyền lực chuyên chính. Sự chuyên chính ấy đã đóng kín mọi chân trời, đã không ngừng đẩy những con người chân thật, không chấp nhận dối trá, sang phía thù địch. Và từ đó tôi nhận ra đấy là những sai lầm tai hại, bế tắc của chính tôi. Nhờ được chứng kiến, được sống sát cánh với những con người đau khổ không có ai, không có gì bảo vệ, như đã thấy trong cuồng phong cải cách ruộng đất… Từ đó, tôi bắt đầu nhận thức rằng giá trị một ý thức hệ không thể so sánh với mạng sống của con người, nhất là đối với con người bị oan ức, con người bị trù dập, bị bóc lột, hoàn toàn bất lực, vô phương tự vệ. Một ý thức hệ, dù thế nào thì nó chỉ có giá trị của một dụng cụ. Một dụng cụ làm sao nó có thể so sánh với giá trị của một mạng sống? Nhất là một mạng sống trong oan ức, đau khổ? Vì vậy mà tôi thấy là không thể hi sinh con người cho bất cứ một thứ ý thức hệ nào. Trước nỗi đau của con người tuyệt vọng vì ý thức hệ, thì chính cái ý thức hệ ấy cũng cần phải được rà xét lại, để cải đổi hoặc để đào thải. Nhờ sự tỉnh thức như vậy, mà bây giờ tôi đã tìm thấy được con đường đưa tới gần chân lý. Chính những sai lầm cơ bản về tư duy đã đưa tới những hành động gây đau khổ cho con người, đã dẫn tới sợ sụp đổ của ý thức hệ, rồi là của khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu… Nói rõ ra thì dài dòng lắm! Cảm ơn hai anh đã lo lắng cho hoàn cảnh của tôi. Tôi luôn luôn thấy mình, trong mọi cơn gian nan, hiểm nguy, thì đều đã gặp những người tốt. Tôi đã tìm ra chân lý, tôi đã và đang vượt qua mọi thử thách, nhờ có tình bạn. Vì vậy tôi luôn luôn có tâm thức lạc quan tin tưởng trước những gian nan mà tôi đã và đang gặp. Thôi chúng ta hẹn nhau sẽ gặp lại.
Nghe nhà triết học phân tích những sai lầm như một lời thú tội, chúng tôi hết sức kinh ngạc. Bởi khi nhà triết học bị coi là già nua, lẩm cẩm này phải nói ra điều đó thì nó chứng tỏ đấy là một tâm trí còn rất minh mẫn và đang cố trỗi dậy, vì nó đã hiểu thấu sự bi thảm của quê hương và của chính mình. Đấy là một chuyển biến trầm trọng. Trong những lần tâm sự như thế, bác Thảo thường nhắc tới cuốn sách mà bác “đang biên soạn” như một ám ảnh thường xuyên. Chỉ tiếc rằng rồi sau cuốn sách đó đã không may mắn được xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời! Nhìn bác Thảo chậm chạp, lom khom cúi đầu bước vào toà nhà cổ kính ở số 2, đường Le Verrier, chúng tôi nhận ra đây là một con người dày dạn kinh nghiệm cách mạng, nên cảm thấy thật là thương bác vô hạn. Chính sự chân thành và can đảm của những lời tâm sự ấy đã cuốn hút chúng tôi.
Lúc đó Canh nói nhỏ với tôi:
- Tại sao bác Thảo lại nói rằng “buộc phải ra đi”? Việc bác trở lại Paris trong lúc chẳng có ai chờ đợi này là một sự ép buộc của quyền lực hay sao? Mà theo như những gì bác vừa nói, thì bác đang ở trong giai đoạn đau đớn trong nội tâm, khó khăn trong đời sống vật chất. Có lẽ vì vậy mà hôm nay bác đã tỏ ra hết sức cởi mở, để chúng ta hiểu rõ những nỗi đau lòng ấy mà tìm cách giúp đỡ bác. Chẳng lẽ cả một cộng đồng Việt kiều ở đây thản nhiên đứng nhìn bác bị đói khổ như vậy sao?
Tôi có cảm tưởng là bác Thảo đang cố nán lại Paris để mưu làm một việc rất quan trọng, có thể việc ấy là chính cuốn sách mà bác đang hoàn thành, để mang ra ánh sáng những gì không thể công bố ở trong nước, chứ viết sách như bình thường thì ở đâu mà chẳng làm được, ở đâu mà chẳng in ra được, cần gì phải vất vả qua đây.
Mấy ngày sau, tôi điện thoại cho mấy người bạn nổi tiếng hay hoạt động xã hội, thường sẵn sàng giúp đỡ đồng hương. Lúc đó tôi mới khám phá ra là chuyện Trần Đức Thảo đang gặp khó khăn và căng thẳng với Sứ quán, thì nhiều người ở vùng Paris đã biết từ lâu rồi. Họ còn kể rõ rằng phía Sứ quán đang muốn rũ trách nhiệm khi thấy bác Thảo đã cạn tiền. Sứ quán đang thu xếp để ép buộc bác phải trở về xứ, trong khi chính bác tiết lộ là chính quyền ở nhà đã muốn tống đuổi bác đi! Nhưng bác cho Sứ quán biết là chưa về được vì chưa hoàn thành được mục tiêu là xuất bản một cuốn sách quan trọng khả dĩ giải mã cuộc cách mạng. Vì thế mà đang có căng thẳng giữ...