ĐẾN GIÀ MỚI CHỢT TỈNH - Từ theo cộng đến chống cộng (75)
Hồi ký Tống Văn Công
Chúng ta đang khủng hoảng văn hóa
I - Vì đâu nên nỗi?
Hiện nay, cả xã hội đang hết sức bức xúc trước tình trạng đạo đức băng hoại. Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết: “Làm từ thiện cũng thích nói dối; lu loa trên truyền thông với gương mặt của ‘con giả vờ’.” Giáo sư Tương Lai cho rằng quốc nạn tham nhũng và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác không nguy hại bằng thói đạo đức giả. Nhà văn Võ Thị Hảo đi “Tìm thủ phạm ‘ám sát’ văn hiến”, đã nhận diện được: “Với cái quyền trượng trong tay, những người lãnh đạo có thể xây dựng văn hiến, hoặc nhanh chóng ám sát văn hiến”. Mới đây, nhà nghiên cứu Lữ Phương có bài viết “Vì đâu nên nỗi, tác động văn hóa của ‘đổi mới’ xét như một mô thức phát triển”, đã phân tích sâu sắc “cái mô thức mệnh danh đổi mới nói trên rõ ràng đã không còn phù hợp nữa, mô thức đó cũng tạo ra quá nhiều hỗn loạn và mất mát trong lĩnh vực tinh thần, phá vỡ lòng tin của con người về những giá trị nhân văn phổ biến, về niềm tự trọng dân tộc chính đáng, xâm phạm đến lợi ích tối thượng của quốc gia”. Ông cho rằng có thể bị cho là động đến vấn đề nhạy cảm, nhưng nếu không dấy lên được một phản ứng thức tỉnh thì có “nguy cơ rơi vào một hình thức lệ thuộc kiểu thực dân mới nào đó về văn hóa, hoặc một cái gì tương tự tinh vi hơn, không thể loại trừ là không xảy ra”. Nhận thức sự hệ trọng của điều ông cảnh báo, tôi xin hưởng ứng bằng những ghi chép điều mình quan sát được.
Nước ta đang trong tình trạng khủng hoảng văn hóa. “Văn hóa biểu hiện trong lý tưởng sống, trong các quan niệm về thế giới và nhân sinh, tín ngưỡng, đạo đức, trong lao động và đấu tranh, trong tổ chức đời sống, tạo dựng xã hội, thể hiện lý tưởng thẩm mỹ. Có thể tìm thấy biểu hiện của văn hóa trong các phương thức và công cụ sản suất, phương thức sở hữu, các thể chế xã hội, phong tục tập quán, giao tiếp giữa người và người, trong trình độ học vấn và khoa học kĩ thuật, công trình độ sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật” (Từ điển Bách khoa Việt Nam). Cuộc khủng hoảng văn hóa bắt đầu từ sau ngày thống nhất nước nhà năm 1975, khi mọi người dân thất vọng vì những rao giảng về lý tưởng cao đẹp hòa Bình, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa giải, hòa hợp dân tộc đã không được thực hiện.
Với đường lối tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, nhà nước chuyên chính vô sản đã thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Hàng vạn cán binh chế độ Sài Gòn cũng phải tập trung cải tạo. Cuộc xáo động quá lớn đã xua hàng triệu người, từ những nhà tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ, cho đến những người dân cày xưa kia bom đạn không đẩy nổi họ rời mảnh ruộng quê, vậy mà nay cũng kéo nhau ùn ùn vượt biển. Tiếp theo đó, hai cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc, thúc đẩy nhanh cuộc khủng hoảng toàn diện trùm lên đất nước. Các văn kiện của đảng Cộng sản gọi đó là “khủng hoảng kinh tế – xã hội”. Lạm phát ba con số. Cả nước nhai bo bo. Truyện tiếu lâm mới, ca dao mới lan tràn, ông Trần Ta-bit đã sưu tầm thành một tập sách. Xin nhắc lại mấy câu:
“Tôn Đản là chợ vua quan.
Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần,
Bắc Qua là chợ thương nhân,
Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng.”
Và:
“Bác Hồ chết nhằm ngày trùng,
cho nên con cháu dở khùng dở điên.
Thằng khôn thì đã vượt biên,
Những thằng ở lại toàn điên với khùng”.
Các nhà văn đã sớm thổ lộ tâm tư dằn vặt. Chế Lan Viên nhận rằng niềm tin của mình là “Bánh vẽ”. Nguyễn Đình Thi thấy mình vướng nhiều “Đồ bỏ”. Nhà thơ trẻ Phạm Thị Xuân Khải viết “Mùa xuân nhớ Bác” đăng trên báo Tiền Phong:
“Có mắt giả mù, có tai giả điếc.
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung,
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ,
Thoái hóa, bê tha khi dân, nước gian nan”.
Đại hội 6 của Đảng quyết định “Đổi mới”, bắt đầu là đổi mới tư duy và trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Sau đó, tuy có nói phải đổi mới toàn diện nhưng từ năm 1991 đã bị chựng lại sau khi Liên Xô và Đông âu sụp đổ.
Vượt qua những cấm kỵ của nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa (chấp nhận kinh tế thị trường; để nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại; thực hiện khoán 100 trong nông nghiệp…) nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, phát triển nhanh chóng. Nhân dân vui mừng, phấn khởi. Nhưng do đổi mới không đồng bộ, cho nên các căn bệnh của khủng hoảng văn hóa vẫn âm ỉ không hề dứt. Chính trị chậm đổi mới, mâu thuẫn tăng lên, khiến cho khủng hoảng văn hóa bùng phát. Tham nhũng từ là “quốc nạn” đã trở thành “ung thư”. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa làm bình phong cho “lý tưởng kiếm tiền”. “Mình vì mọi người” trở thành “tất cả vì mình”. Niềm tin giả vờ. Dân chủ, tự do, công bằng cũng đều là thứ ngụy tạo. Đầy tớ của nhân dân là những kẻ hành dân. Một dân tộc từng có câu châm ngôn cao cả “Thương người như thể thương thân”, nhưng tháng 9 năm 2010, Quỹ Từ thiện Anh và Viện Gallup xếp hạng chỉ số thiện nguyện của Việt Nam đứng hạng thứ 138 trên 153 quốc gia (vẫn còn vinh dự là đứng trên nước Trung Hoa của hiền triết Khổng Khâu từng dạy lấy chữ nhẫn làm đầu)! Sau vụ buôn lậu, ăn cắp của nhân viên Việt Nam Airlines, người Nhật chửi rủa người Việt Nam là “bọn dòi bọ”. Các nhà hàng Singapore ở phòng ăn buffet chỉ thông báo bằng tiếng Việt: “Xin lấy thức ăn vừa đủ”!
Bạn bè Nhật Bản và khách nước ngoài đã từng chứng kiến những người Việt Nam lao vào giành giật, giẫm đạp nhau, gây ra “thảm họa hoa anh đào”. Sau lễ hội 1000 năm Thăng Long, khắp Hà Nội là những bãi rác khổng lồ, nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Không khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ĩ, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nữa (trước đại lũ miền Trung) của lễ hội… với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội. Cái này chỉ là tiếp tục luôn logic của cái kia”.
Nhà thơ Trần Ái Vân viết về sa đọa đạo đức:
“Thời buổi thế này là thế nào hả trời,
Làm xịt lốp xe, định rải đầy đường sá.
Giữa phố đông, người rạch mặt người.
Khách tàu hỏa tha hồ ăn đá.” …
“Đến cục cứt cũng là cứt rởm.
Nông phu phải miết tay, phải ngửi kiểm tra.
Thời buổi thế này là thế nào hả trời,
Trò giữa lớp phang thầy; Con nên cha trước bàn thờ tổ” …
“Xương trâu bò thế xương liệt sĩ
Trâu bò lên ngôi Tổ quốc ghi công”
Một số người lo lắng: “Vô đạo đức đang trở thành dân tộc tính”. Tháng 9 năm 2010, trong lễ trao giải cuộc thi “Văn học tuổi 20” ở thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn trẻ Hải Miên đoạt giải ba, đã phát biểu như sau:
“Chúng ta đang sống trong một thời đại đổ vỡ, nơi khủng hoảng những giá trị, những niềm tin va đập không ngừng, cùng những cách nhìn về xã hội Việt Nam trong giai đoạn những giá trị chuẩn mực thì đã cũ, còn những giá trị mới thì chưa hình thành. Sống trong giai đoạn như thế đôi khi có cảm giác không còn điều gì thiêng liêng, nguyên vẹn và có cảm giác đau đớn. Tôi nương vào chữ để mở cửa thoát hiểm cho mình”.
Có lẽ đó cũng là tâm trạng của số đông người trẻ tuổi Việt Nam có tri thức, có lương tri. Tại sao người Việt Nam sa đọa đến như vậy?
Engels trong lời tựa cho Bản Tuyên ngôn của đảng Cộng sản xuất bản bằng tiếng Đức năm 1883, đã viết:
“Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của bản Tuyên ngôn là: Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”.
Nhiều luận điểm trong Tuyên ngôn, sau đó chính Marx và Engels cho rằng đã lỗi thời, tuy nhiên cái tư tưởng cơ bản nói trên vẫn còn nguyên giá trị, nó cho ta hiểu rằng, nên kinh tế thị trường phát triển đòi hỏi phải có một cơ cấu xã hội tương ứng. Nếu nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tương thích với cơ cấu chính trị chuyên chính vô sản, nhà nước toàn trị, thì nên kinh tế thị trường đòi hỏi phải có nhà nước pháp quyền (với tam quyền phân lập chứ không phải quyền lực thống nhất, phân công ba quyền, dưới sự lãnh đạo của đảng), phải xây dựng xã hội công dân, thực hiện tự do, dân chủ, nhân quyền.
Do cố giữ những điều phi lý, cố tìm đường đi “chưa từng có tiền lệ” mà lớp trẻ thông minh, có học, nhận ra những điều nhà cầm quyền cho rằng thiêng liêng cao cả, khi đặt vào thực tế cuộc sống sẽ hiện ra là giả dối. Giáo sư Tương Lai chỉ mới nói tới cái giả dối “thứ cấp”, chứ chưa phải cái gốc, mẹ đẻ của mọi thứ giả dối. Đó là:
– Nói chúng ta kiên trì chủ nghĩa xã hội, nhưng ai cũng thấy chủ nghĩa tư bản hoang dã đang lồ lộ, ngang nhiên.
– Nói giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, nhưng chính người công nhân cũng không thể tin được, bởi vì họ nhận rất rõ thân phận mình, đi tìm nơi xin được việc làm đã khó, khi có việc làm rồi thì nhận đồng lương chết đói, muốn đình công để đòi hỏi quyền lợi thì không thấy một tổ chức đủ tin cậy để mà gửi gấm, tự tổ chức đình công bị coi là bất hợp pháp!
– Nói đảng viên là những người lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ, nhưng sờ sờ trước mặt nhân dân là họ vui trong nhà chưa đủ, còn vui thâu đêm ở các nhà hàng bia ôm.
Có lẽ người nói về cái giả dối “gốc” sâu sắc nhất là nhà văn Nguyễn Khải, Đảng viên sáu mươi tuổi đảng, nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, trong tùy bút chính trị cuối cùng “Đi tìm cái tôi đã mất”:
“Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì, vì không một ai tin, nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người làm chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước đi lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ, vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai họa, nên không hỏi gì cũng là một cách giữ mình”.
Làm gì để không còn những cái giả dối mà nhà văn Nguyễn Khải đã nhận ra?
II - Không phải lủng củng mà là đặt chính trị trùm lên văn hoá.
Ông Trần Trọng Tân, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 8-10-2010, có bài viết trên Tuần Việt Nam:
“Định nghĩa văn hóa trong dự thảo Cương Lĩnh lủng củng của ông nhắc lại Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa 8, ngày 16-7-1998 định nghĩa nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có nội dung: “Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và phát triển phong phú, tự do và toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong cái phương tiện truyền tải nội dung”
“… Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.” Ông Trần Trọng Tân cho rằng nền văn hóa Việt Nam ở thời nào cũng có tính tiên tiến và bản sắc dân tộc của thời ấy, không phải đến văn hóa xã hội chủ nghĩa mới mang tính tiên tiến và bản sắc dân tộc. Ông đề nghị gọi tên là nền văn hóa Việt Nam vì độc lập tự do hạnh phúc, vì hòa bình hữu nghị. Vấn đề không đơn giản như ông nghĩ.
Năm 1943, ông Trường Chinh viết “Đề cương văn hóa Việt Nam”, đưa ra nội dung dân tộc, khoa học, đại chúng dựa theo Mao Trạch Đông thời Diên An, đề cao văn hóa công nông, tức là văn hóa phải có tính giai cấp. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi viết chung quyển “Một nền văn hóa mới” tuy dựa vào “Đề cương văn hóa” của Trường Chinh, nhưng dẫn giải không quá nặng ý thức hệ:
“… Nhà ở mới, cách ăn mặc mới sẽ sửa đổi cho giản dị và hợp vệ sinh mà không mất vẻ đẹp riêng của dân tộc. Ngôn ngữ mới, cử chỉ mới sẽ biểu lộ một tinh thần tự cường và trọng bình đẳng, tự do mà không kém vẻ thanh nhã. Xã giao mới sẽ giản dị hơn, thành thực hơn. Lễ nghi mới trong nhà hay ngoài xã hội cũng sẽ trang nghiêm hơn, sơ sài hơn, mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn và hợp với điều kiện sinh hoạt mới hơn …”
Nội dung nền văn hóa mới tuy do hai nhà lãnh đạo văn hóa thời ấy viết ra, nhưng không được coi là tiếng nói chính thức của Đảng và nó chưa thực hiện được bao nhiêu thì tiếng súng kháng chiến đã nổ.
Năm 1948, tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ 2, thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, ông Trường Chinh đã đọc bài diễn văn có tựa đề “Chủ nghĩa Marx và vấn đề văn hóa Việt Nam” đặt yêu cầu chính trị bao trùm lên nền văn hoá.
Từ năm 1950 trở đi những nguyên lý văn hóa vô sản dần dần chi phối nền văn hóa Việt Nam. Theo hai quyển hồi ký của nhà văn Võ Văn Trực (“Chuyện là ngày ấy” và “Cọng rêu dưới đáy ao”) thì ở Nghệ An quê ông, người ta phá đình chùa, tập thể hóa cả mồ mã ông bà, sửa đổi phong tục tập quán bị coi là hủ lậu. Ở các vùng khác chưa ai viết ra, nhưng nói chung cũng na ná như vậy. Đến sau 1975, những người lãnh đạo văn hóa ở Thừa Thiên Huế còn dùng nội cung cố đô Huế làm kho giấy và cho phá bỏ Đàn Nam Giao khiến lòng dân bức xúc có nhiều câu ca dao phản đối.
Sau đổi mới, với chủ trương khôi phục cơ chế thị trường, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân đã đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và phát triển vượt bậc. Tuy nhiên tự do kinh tế làm cho nền chính trị chậm đổi mới ngày càng bộc lộ những bất cập kéo theo những bất cập về văn hóa, giáo dục.
Năm 1992, nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang, trong bài “Nhìn nhận thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay” đã viết:
“Cuối cùng, còn một đặc trưng hết sức quan trọng nữa của khủng hoảng văn hóa ở nước ta hiện nay (nói là cuối cùng, nhưng về ý nghĩa lại đứng hàng đầu). Đó là sự hòa lẫn văn hóa và chính trị, trong đó chính trị vừa trực tiếp quyết định văn hóa, vừa bao trùm lên cả văn hóa. Trong các xã hội công dân, chính trị chỉ là một lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ tác động đến các quan hệ giữa nhà nước và người dân. Các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng chịu ảnh hưởng của chính trị đến một mức độ nào đó, và đến lượt chúng lại tác động ngược lại đối với chính trị, nhưng mỗi lĩnh vực lại có tính độc lập riêng. Đặc biệt văn hóa là lĩnh vực có tính độc lập cao hơn cả. Nhưng trong xã hội nước ta, văn hóa phụ thuộc hoàn toàn, hoặc gần như hoàn toàn vào chính trị. Nói như vậy có nghĩa là khủng hoảng văn hóa không tách rời khỏi đời sống chính trị của xã hội. Chúng tôi không bàn tới tất cả những vấn đề có liên quan tới mối quan hệ này, mà chỉ nêu bật lên một điểm: Hệ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản từ lâu đã được nhiều người coi là giá trị chính thống của mình, nó đảm nhận vai trò chất kết dính xã hội, thống nhất xã hội trong một thời gian tương đối dài, nhất là trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hệ tư tưởng đó cũng đang khủng hoảng sâu sắc trước những chuyển biến sâu sắc của xã hội”.
Thực trạng văn hóa Việt Nam theo nhận xét của Nguyễn Kiến Giang 18 năm trước đã không thay đổi đáng kể, bởi định nghĩa từ Nghị quyết 5, cũng như cách lãnh đạo văn hoá mà ông Trần Trọng Tân nhắc lại với ý không đồng tình, vẫn không có gì đổi khác.
Vậy nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm gì khiến cho nó không tương thích với cuộc sống của một xã hội đổi mới và hội nhập quốc tế?
1 - Đặt ý thức hệ lên trên đạo đức truyền thống dân tộc.
Có lẽ điều này bắt nguồn từ sự vận dụng lý luận kinh điển. Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, trả lời câu hỏi vì sao chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ tôn giáo và đạo đức cũ, Marx và Engels viết: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Gia đình to (cả nước) và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to”.
Trước khi tiến hành một đợt “hành động cách mạng”, các cán bộ đảng và các đoàn thể tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục làm cho nhân dân tin rằng: thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, bảo vệ lợi ích của giai cấp là đạo đức thiêng liêng cao cả nhất, tình cảm gia đình, thậm chí là tình mẫu tử, phụ tử đều phải đặt xuống dưới.
Đó là nguyên nhân xảy ra con tố cha, vợ tố chồng trong cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp. Khuyến khích việc “tố” như thế chẳng những trái luân thường, mà sau này còn được biết là do quá khiếp sợ, muốn tâng công với chế độ, họ bịa chuyện vu khống người ruột thịt của mình. Nói dối ở trường hợp này đồng nghĩa với tội ác.
Trong nhiều tác phẩm văn học cũng thể hiện quan điểm đó.
Kịch bản Lê Văn Tám đốt kho xăng miêu tả Lê Văn Tám lân la cầu thân với lính gác kho, dần dà được họ tinh yêu như con em. Lợi dụng sự tin cậy của các chú lính, Tám dễ dàng xâm nhập đốt kho xăng. Gần đây, bộ phim truyền hình “Cuồng phong” có chủ đề chống tội phạm buôn ma túy. Trong phim, công an đã giác ngộ cô Phượng nhận thức được việc buôn ma túy là tội ác, sau đó giao cho cô nhiệm vụ theo dõi, gài bẫy người bạn đồng hương muốn giúp đỡ cô có tiền giúp mẹ bằng việc buôn ma túy và theo dõi tố giác người tình rất yêu cô là một tay buôn ma túy.
Để tồn tại trong một chế độ đặt ý thức hệ lên trên đạo đức truyền thống, người ta phải khai man lý lịch, mang một cái mặt nạ lập trường giai cấp để che giấu suy nghĩ thực.
2 - Văn hóa xã hội chủ nghĩa đặt chủ nghĩa Mác-Lênin thành chân lý độc tôn
Tự do tư tưởng chỉ được phép trong vùng soi chiếu của quan điểm Mác-Lênin. Mọi tư tưởng khác với nó đều là thù địch. Phân biệt ranh giới tư tưởng thù địch rất khó, do vậy mà nhiều ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc lần lượt bị trở thành kẻ thù của cách mạng và bị giết. Nhiều đảng viên Cộng sản cấp cao ở Việt Nam bị quy là “bọn chống Đảng”, bị tù tội cũng chỉ vì có mấy ý kiến khác nghị quyết của Đảng. Đó là nguyên nhân khiến nhiều đảng viên cán bộ không dám nói thật ý mình, nghĩ một đàng nói một nẻo, báo cáo láo. Ông Hoàng Minh, chủ tịch Công đoàn Quận 11, một đảng viên có công thời chống Mỹ, luôn luôn được đánh giá bốn tốt, bỗng bị phát hiện trước khi tham gia cách mạng ông có theo đạo Hồi mà không khai trong lý lịch. Ông bị đuổi ra khỏi Đảng và cho về hưu.
Độc tôn tư tưởng rất trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, luôn luôn rộng mở đối với mọi tư tưởng, tôn giáo. Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo được người Việt Nam đón nhận, hợp lưu, hòa đồng, biến những điều tích cực trở thành yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc. Người Việt gọi là tam giáo đồng nguyên. Đạo Cao Đài còn thoáng hơn, thờ tất cả danh nhân văn hóa thế giới.
Chủ nghĩa độc tôn tư tưởng gây ra tệ giáo điều nghiêm trọng và làm cho con người trở thành thụ động, ỷ lại, thiếu sáng tạo. Đó là nguyên nhân đưa tới chủ trương chống tự diễn biến, cản trở sự đổi mới của Đảng, kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành, giáo dục, văn học, nghệ thuật…
3 - Văn hóa xã hội chủ nghĩa đề cao tuyệt đối chủ nghĩa tập thể, đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa vị kỷ và triệt để xóa bỏ
Bảo vệ lợi ích cá nhân bị coi là vị kỷ, là xấu, cho nên nguyện vọng được hưởng thụ lợi ích chính đáng của cá nhân mình cũng luôn phải che giấu. Con người phải sống hai mặt, bên ngoài thì ca ngợi tập thể, bên trong thì toan tính cho riêng mình.
Các quyền con người đều là quyền của tập thể chứ không phải của cá nhân. Quyền tự do báo chí là quyền của đoàn thể được ra báo. Quyền hội họp là quyền của các đoàn thể đã được cho phép thành lập và chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Các đoàn thể ở chế độ xã hội chủ nghĩa không phải là tổ chức dân sự, phi chính phủ (NGO) mà là tổ chức chính trị, những cánh tay nối dài của Đảng. Các đoàn thể này có chức năng tổ chức những phong trào thực hiện nghị quyết của Đảng như phong trào thi đua tập thể, phong trào xây dựng khu phố văn hóa, phong trào dạy tốt, học tốt… Những phong trào này là nguồn sản xuất ra những báo cáo láo, tô vẽ những điển hình theo khẩu vị cấp trên.
Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” làm cho mọi sai lầm, thất thoát không thể quy trách nhiệm cho ai. Nạn hội họp lu bù chính là con đẻ của nguyên tắc trách nhiệm tập thể, vì cần phải họp để có quyết định của tập thể, mai sau hư hại không ai bị kỷ luật hoặc phải ra tòa. Vụ Vinashin không thể tìm ra người chịu trách nhiệm chí...