.......Với mục đích bắt chước một người đã từng tổ chức sự kiện dành cho những tay viết còn “quá trẻ”, nhưng là phiên bản copy lỗi, :v hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn “quá trẻ” một chút, trên tinh thần ủng hộ và khuyến khích, luôn luôn là như vậy. Nên nếu bạn nào tự cảm thấy bản thân “già” rồi, hoặc là thấy không còn non tay và hoang mang trong quá trình viết nữa, bạn không cần phải đọc cái này; còn nếu bạn nào tò mò thì mình cũng thoải mái xin mời bạn vào chơi, và đừng quên chia sẻ ý kiến với page.
.......Mình cũng sẽ chia sẻ một, hoặc hai chút về bản thân mình, chủ trương thẳng thắn và không giấu giếm, không xấu hổ — nếu các bạn không thấy phiền. :v Vì là những quan sát rút ra từ cá nhân nên bạn nào cảm thấy không hợp lý, cứ thoải mái bày tỏ. :v
.......Mỗi khi được hỏi rằng “Dage bắt đầu viết từ bao giờ?” mình hay đáp lại một cách phức tạp rằng: Nếu tính từ thời điểm có đứa con đầu tay, thì là từ lớp 5 hoặc 6 rồi; nhưng nếu tính thời điểm tập trung vào viết một cách có định hướng và dành cho bạn đọc trên internet, viết liên tục, dài hơi và mong muốn phát triển bản thân hơn nữa, thì cái tên Dage Alfons khá là “non trẻ”, chỉ mới từ 2013 tới nay thôi. :v Tính ra mình kém về tuổi đời lang bạt và bé thua rất nhiều so với nhiều tác giả khác trên mạng, nhưng mình không lấy làm xấu hổ về điều đó. :v
.......Đôi lúc mình cũng cảm thấy khá là khó hiểu với chính bản thân, khi mà một đứa hồn nhiên ăn bỗ nói bã trên mạng lại khép kín khi chia sẻ truyện nó viết ra. 14-18 tuổi là giai đoạn mình ‘sáng tác’ (cho vào nháy nháy có lý do) , là giai đoạn mình ‘sáng tác’ tràng giang đại hải trong điện thoại, nhưng lại không hề đem lên mạng. Có nhiều cái tiêu đề để đó, viết được dăm ba dòng; có cái viết nhiều trang A4 nhưng phải sửa lại hết; có cái thì drop đến tận bây giờ chả thèm đọc lại chứ đừng nói là bận tâm hoàn thành nốt. :v Rồi đến khi lên internet, mình nhặt ra chỉ 1-2 đầu fic cảm thấy tâm đắc nhất, share nó với một tâm thế mong nhận về lời khen nhiều hơn là gạch đá. Kết quả, mình vừa sửa lại truyện, vừa nghĩ về ngôi nhà và những đứa trẻ, nhờ hàng tá xe tải gạch ship về. :v
.......Được cái là lúc đó mình chuẩn bị sẵn tâm lý không ai ăn kẹo mà lớn được, và rằng mình còn bơ ngơ bỡ ngỡ, nên mình đã dành ra một thời gian nhìn lại bản thân, nghĩ xem mình cần gì, bạn đọc muốn gì, làm sao để điều tiết và dung hòa v.v...
.......Sau này khi đã đủ lông đủ cánh rồi, tự biết điểm yếu, những cái chưa biết, tự đặt ra một bộ luật ngầm cho bản thân, thì việc viết diễn ra khá suôn sẻ nếu không vướng phải con ma lười ám quẻ; thậm chí mình còn chẳng quan tâm người ngoài nghĩ gì về truyện mình viết, miễn là mình thích — khác hẳn với ‘đứa bé’ ngáo ngơ lần đầu biết mùi nghiệt ngã của thế giới ảo. :v
.......Mình tin chắc những bạn mới tiếp xúc với thế giới truyện online cũng sẽ hoang mang như mình, không biết phải làm gì, đi đâu về đâu, làm thế nào cho ổn… và các bạn – hoặc là dần bứt ra được cái vòng ngộp thở, vượt qua và tìm được một lối – hoặc là sẽ có xu hướng bị cuốn theo những gì đương-hot. :v Mình không nói những thứ đương-hot thì 69 phần tỉ toàn là rác rến, nhưng với tay viết còn non và hoang mang, thì việc bắt chước là điều tối kị — đặc biệt là với nguyên tắc author viết 80, độc giả đọng lại 20. :v
.......Dẫn chứng? Yahoo 360 nhé? ZingBlog nhé? Kỷ nguyên vàng của teenfic IQ và nay là thứ-mình-không-nhắc-tên nhé? :v
.......Có thể một số bạn đọc tới đây sẽ phản biện rằng trên mạng có một số phương pháp hướng dẫn viết và lấy giọng văn bằng cách bắt chước. Đó là họ, còn mình thấy không hợp lý, mình không làm. :v Với mình, bắt chước là phương pháp ăn xổi, tác dụng trước mắt nhưng hậu quả lâu dài. Nếu bạn nào sau này vượt qua được cái khuôn mẫu để tự viết, đó là điều đáng mừng. Nhưng thiên hạ không phải chỉ có 1 người nổi tiếng gây ảnh hưởng, nên nếu bạn cứ nay thấy người này hay mà bắt chước, mai thấy người khác hay theo kiểu khác lại bắt chước — thì bạn đang tự hành hạ bản thân quay như chong chóng đến tẩu hỏa nhập ma. :v
.......Mình thấy thế này: Nếu tìm ra phong cách các bạn mong muốn và cảm thấy phù hợp trước, thì vùng tìm hiểu của các bạn đã được thu hẹp đi rất nhiều. Từ vùng đó, các bạn có thể nhặt ra một vài tác giả tiêu biểu, tỉ dụ như đã chết cách đây ít nhất 50 năm, đã được viện hàn lâm khoa học văn học gì đó chứng nhận, đã có những đầu sách thuyết phục, v.v... Lúc đó tha hồ đọc, nghiền ngẫm, mổ xẻ và xem mình ưng-chưa ưng những gì của tác giả đó, có thể đem so sánh với một vài tác giả khác chung thể loại/phong cách, rồi tự rút ra những gì bản thân muốn. Việc làm này hoàn toàn khác với hành động đọc lên thấy hay hay và copy theo, và mình nghĩ nó có tác dụng nhiều, tác dụng ảnh hưởng lớn đến bạn, chỉ là tốn thời gian hơn so với bắt chước. :v
.......Khi bạn có một phương hướng rõ ràng, một phong cách ổn định, thì mình nghĩ sự hoang mang ngày ấy bỗng dưng biến mất một nửa trước cả khi Thanos kịp búng tay. :v Nửa còn lại vì sao? Khuyến khích các bạn đọc tiếp dưới đây. :v
.......Mình vốn thâm căn cố đế không thích những bài “hướng dẫn viết” trôi nổi trên mạng, vì đa số chúng đều là những bài pr, nhồi một lô lốc quảng cáo, quảng cáo đến web này web kia, tác giả này kia, sách này sách nọ, v.v... khiến bạn đọc đã phân vân nay lại càng bối rối. Những tác giả viết sách “Hướng dẫn viết”, họ bao giờ cũng có trang đầu tiên ghi rõ “Đây là sản phẩm từ kinh nghiệm cá nhân, có thể nó sẽ không phù hợp với tất cả” — chỉ cần viết như vậy là xong, nếu bạn có trót mua sách mà không hợp với phương pháp ấy thì cũng không được than tốn tiền vô ích, tại vì tác giả có thông báo miễn chịu trách nhiệm rồi. :v Nói đến đây thì mình cũng xin phép tự vả vào mặt một cái, nhưng ít ra mình không bán sách, mình chia sẻ miễn phí nên các bạn không thiệt gì hết. :v
.......Những bài viết trên mạng với nội dung chung chung, hướng dẫn thì ít mà QC thì nhiều, nên mình chả mấy khi đọc. :v Chung quy lại là gì? Viết nhiều, Đọc nhiều, Tự học, Học hỏi, Tham khảo ý kiến, Biết lắng nghe, Làm theo tiếng gọi đam mê con tim con gan, v.v... chẳng khác mấy quyển self-help là mấy. :v Họ không cho các bạn một cái chuẩn cụ thể để tham khảo, để đối chiếu, họ cho các bạn những nguồn trôi nổi, nên bạn hoang mang. :v
.......Mình chủ trương viết hay không bằng quen tay, và trước khi viết hay thì hãy cứ viết đúng. Nếu bạn nào chỉ viết nhằm mục đích tự thẩm, không hơn không kém, thì thôi. Nhưng bạn nào muốn viết để cho ai đó xa lạ đọc, kể cả khi bạn không mong làm nhà văn, thì những thứ cơ bản như ngữ pháp và chính tả cần phải được đảm bảo —đó là tôn trọng độc giả và tôn trọng chính bản thân tác giả. Cách truyền thống và hữu hiệu nhất: Từ điển + những đầu sách liên quan đến kiến thức ngữ pháp. Khi chọn từ điển và sách, các bạn hãy chọn của những nhà phát hành có uy tín, và chịu khó cập nhật tại vì ngôn ngữ thay đổi mỗi ngày. :v Còn dễ mua và giá rẻ nhất, có thể kể đến series thần thánh SGK Tiếng Việt 1-5 và SGK Ngữ văn phổ thông 6-12. Đơn giản thế thôi chứ nào phải mua sách đông sách tây, những cái nghiên cứu dài dằng dặc và rối rắm? :v Cứ nắm vững những thứ cơ bản trước, sau đó muốn nâng cao cũng chưa muộn. Lúc đấy các bạn tha hồ tìm tài liệu tiểu luận, phê bình, công trình nghiên cứu ngôn ngữ đồ sộ của học giả tây ta tàu, v.v... Lúc đấy các bạn tha hồ thử nghiệm những cách hành văn mới. :v
.......Đến đây sẽ lại có bạn phản biện rằng: Vậy những nhà văn với lối viết “phá cách” thì sao? Mình trả lời rằng: Họ phá cách không phải vì ngẫu nhiên họ phá. Họ phá vì họ đã nắm quá vững những nguyên tắc truyền thống, nên dễ thấy những nhà văn có lối viết khác hơn thông thường một chút, kiến thức về ngôn ngữ của họ rất phong phú, sâu rộng — ngay như VN chúng ta có nhà văn Nguyễn Tuân, một cây bút không ai có thể bắt chước đạo nhái. :v Mặc dù phá cách, sự phá cách của họ hoàn toàn dựa trên nền tảng ngữ pháp thông thường, đọc lên vẫn sáng và rõ nghĩa, chứ không có chuyện bỗng dưng phá cách, ‘phá cách’ rồi đọc chả ai hiểu nó là ngôn ngữ gì, hoặc chê là “sáo rỗng”, “vô nghĩa”. Phá cách hoàn toàn khác với Phá hoại, và việc đi theo truyền thống hay phá cách là tùy các bạn. :v
.......Nhân đây thì mình cũng giới thiệu cho các bạn một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của VN: Phó Giáo sư Cao Xuân Hạo. Cụ Hạo là người đã soạn ra bộ 3 sách về tiếng Việt, rất chi tiết, tâm huyết và dễ hiểu — kể cả ngoại đạo như mình đọc vẫn tốt. Đứng trước những kẻ muốn bôi xấu tiếng Việt, với cụ Hạo, tiếng Việt rất tinh tế và rất đẹp. Cùng đó là nhiều bài báo cụ viết về vấn đề ngữ pháp, chính tả, các vấn đề trong lối hành văn cũng như lời ăn tiếng nói của người Việt ta hiện nay… Bên cạnh viết sách lý thuyết, cụ Hạo cũng là dịch giả của những bộ tiểu thuyết kinh điển từ tiếng Nga, Pháp (những ngôn ngữ không hề dễ học và dễ dịch). Sách cụ dịch phải nói là miễn chê, không hề có tình trạng dịch ẩu, bôi chữ, đi lệch chuẩn văn chương. Nói chung, mình thấy rất đáng để tìm đọc tham khảo. Các bạn có thể tìm tác phẩm của cụ ở rất nhiều nhà sách, giá không đắt hơn mấy quyển hot bây giờ là mấy, và nếu mình thấy chỗ nào sale sách của cụ, mình sẽ coi đó là hành động xúc phạm. :v
.......Đó cũng là quan điểm của mình về việc “đọc nhiều”. Đọc nhiều thì tốt thôi, nhưng mình chủ trương đọc có chọn lọc trước đã. Nhiều tác giả như mình, sai lầm ở chỗ vẫn coi việc “đọc nhiều” nghĩa là đọc nhiều fiction (truyện dài, truyện ngắng…), chứ ít khi nghĩ tới non-fic (những loại sách về ngữ pháp như đã nói ở trên). Nhưng lớn hơn, mình nhận ra là non-fic cũng có một vị trí quan trọng trong việc giúp chúng ta định hình kiểu viết. Các bạn có thể coi non-fic là lý thuyết, tiểu thuyết là trải nghiệm thực hành. Không ai có thể khá lên chỉ bằng cách học lý thuyết suông, hay là nhìn người khác làm rồi bắt chước lại cả, kết hợp hài hòa cả 2 sẽ đem lại kết quả tốt nhất. Tương tự như so sánh phong cách, các bạn có thể mổ xẻ và tự đặt ra các câu hỏi khi đọc tiểu thuyết xem, chẳng hạn như:
Với những tác giả hành văn gãy gọn, súc tích, ưu điểm là gì? Những tác giả có câu văn dài, có tác dụng gì? Mình nên viết ra sao để thể hiện tốt nhất suy nghĩ của bản thân cũng như chi phối bạn đọc? Việc sử dụng những từ mang sắc thái mạnh mẽ cùng âm thanh bằng trắc lên xuống và tiết tấu dồn dập liên tục không ngừng nghỉ có thể khiến cho người đọc cảm nhận được sự căng thẳng và ngạt thở như đang đọc dòng này hay không? Việc sử dụng những thanh bằng, trầm, ngắt nghỉ chậm rãi, có thế khiến cảm xúc của bạn đọc trầm lắng theo không? Trong bối cảnh nào thì tác giả ngắt đoạn, xuống dòng, chuyển cảnh, chuyển chương, v.v...
.......Đọc rồi, so sánh rồi, đúc rút rồi, giờ ta bắt tay vào viết. Theo các bạn thì viết như nào là “nhiều” và viết ra sao để “lên trình”? :v Mình là người viết theo cảm hứng, nên truyện ngắn viết do o ép với truyện ngắn viết tùy hứng của mình đọc cái thấy khác nhau ngay. Nếu viết theo hứng, bắt buộc tác giả phải vượt qua được kẻ thù lớn nhất là Con Lười Biếng. Viết theo cảm hứng có cái hay cái dở, dở dễ thấy nhất là tiến độ chậm. Viết theo sườn có cái hay mà cũng có cái dở, dở dễ thấy nhất là tác giả bị gò ép. Điều này mình đã nói chi tiết rồi nên chỉ nhắc lại sơ qua ở đây. Thứ mình muốn tập trung hôm nay là viết sao cho có hiệu quả. Các bạn có thể bắt gặp muôn vàn kiểu bài tập viết trong X ngày, workshop, thử thách viết nối tiếp, v.v... Nếu bạn là người có khả năng làm việc nhóm tốt, mình nghĩ là phương pháp ấy cũng hiệu quả. Nhưng nếu bạn ưa làm một mình, ghét bị cho trước chủ đề, thích làm tùy hứng tùy ý (giống như mình :v ) thì thật sự tham gia hội nhóm sẽ gây cản trở cho cả bạn lẫn các thành viên khác. Vẫn xin được nhắc lại là hãy viết những điều mà các bạn quan tâm, mong muốn trước, thay vì viết một thứ gì đó dễ đến dễ đi, hào nhoáng bề ngoài; vì viết bằng cảm xúc thật của mình, kể cả nó thô ráp chưa được gọt giũa, thì tác giả vẫn dễ điều chỉnh và soi xét hơn. Cái quan trọng là bạn viết, và sau khi viết xong bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm gì, chứ không phải là tìm độc giả thật nhanh và bất chấp, phải không? :v
.......Giờ mình mới quay trở lại vấn đề muôn thuở mà mình nói đến đầu tiên, đó là: Nhận xét truyện. Với mình, đi viết cũng như đi nhận xét, cần cả khả năng tự có lẫn rèn luyện. Mình biết rõ mình không có năng khiếu nhận xét, đánh giá văn chương, nên mình không hề mở dịch vụ nhận xét dạo hay là chấp nhận dễ dãi lời đề nghị nhận xét của ai; và nếu ai đó cứ ép mình nhận xét, thì mình sẽ sửng cồ xù lông nhím cho họ sợ hãi để mãi mãi không bao giờ tìm đến mình nữa. :v Mình cũng có nguyên tắc là không nhận xét truyện của bạn bè, và không nhờ bạn bè nhận xét truyện của bản thân. Nếu thích ai thì mình khen, còn không thấy hợp thì bỏ qua, đơn giản là vậy.
.......Với những bạn mới tìm đến internet, web hoặc diễn đàn để có được một lời góp ý thật lòng, mình hiểu mong muốn của các bạn và lý do vì sao. Các bạn hãy chuẩn bị sẵn cái mặt dày và một xô hứng nước mắt + gạch đá nếu cần thiết. :v Những lời nói rồi sẽ theo gió bay, cái quan trọng là khả năng viết của bạn, đứa con bạn tạo ra có được chăm chút qua thời gian hay không. Việc đem truyện đi nhận xét dạo, thật ra nó chỉ quan trọng ở giai đoạn ban đầu, tức là khi các bạn hoang mang chưa tìm được một lối; chứ mình tin chắc nếu đã định hình được rồi, các bạn lại không muốn đem fic đi lung tung nữa. Khi đã chắc tay, tất nhiên chúng ta vẫn bị suy nghĩ chủ quan chi phối, nhưng do đã hiểu được mình cần gì, thiếu gì, nên tự điều chỉnh được chứ chẳng cần beta cho lắm. :v Người ta sẽ có xu hướng tập trung vào hoàn thành fic hơn là quan tâm đến suy nghĩ bên ngoài. Nếu có nhu cầu được góp ý, thì bản thân tác giả sẽ phải tìm đến những người họ thật sự tin tưởng, hoặc những người có kinh nghiệm và chuyên môn, chứ không có chuyện đem đi hỏi góp ý tùm lum như trước nữa. Điều này mình có thể khẳng định. :v Thế nên, việc chọn 1 trang web hoặc diễn đàn chất lượng để gửi con đi biểu diễn cũng tương đối quan trọng. Các bạn gửi truyện kiếm hiệp vào chỗ thích đọc hường phấn thì chả ai quan tâm, gửi lãng mạn vào ổ trình thám thì người ta sẽ mặc kệ; nói chung gửi con nhầm nơi là thảm họa. :v Bên cạnh những trang lớn và phổ biến với giới trẻ, các bạn cũng có thể tìm đến những diễn đàn của những độc giả “già tuổi” hơn (40 tuổi trở lên). Người già họ đã trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, họ có cái nhìn khoan dung nhưng sâu sắc hơn, nên cũng bình tĩnh hơn khi nhận xét về chiều sâu câu chuyện của bạn, thay vì chặt chém bắt lỗi những thứ vụn vặt. Mình nghĩ đưa fic cho người trung niên đọc cũng khá là thú vị, chưa kể nhiều bác o40 cũng khá đáng yêu. :v
.......Viết tương đối dài rồi nên mình quyết định nghỉ ở đây. Điều cần nói mình đã bày tỏ trong bài viết, nên nếu bạn nào muốn chi tiết hơn nữa có thể bảo mình và ủng hộ mình, để có động lực hôm nào rảnh thì đăng. Còn không thì mình nghĩ như vậy cũng là đủ để giúp các bạn “quá trẻ” bớt hoang mang lạc lõng. :v Mình rất muốn nghe ý kiến từ các bạn, mình vẫn luôn chờ đợi những bình luận để chúng ta có thể chia sẻ và thảo luận cùng nhau.