explicitClick to confirm you are 18+

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc

PhanBaJul 4, 2018, 6:58:29 AM
thumb_up20thumb_downmore_vert

Phần III của loạt bài về lần trỗi dậy của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc hướng đến đâu với ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì trên thế giới: hiện đại hóa nhanh chóng. Không lâu nữa, Trung Quốc thậm chí còn có thể thách thức Hoa Kỳ về quân sự

Vào ngày 18 tháng 4 năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2015, Trung Quốc đã tập trận ở Eo biển Đài Loan. Về một mặt, việc này là một cảnh báo gửi đến phong trào độc lập ở Đài Loan, mặt khác nó cũng là bục sân khấu để trình diễn công nghệ quân sự mới nhất. Dưới thời Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách hiện đại hóa trên quy mô lớn kho vũ khí của họ và tiến hành cải cách cấu trúc của Quân đội Giải phóng Nhân dân (QĐGPND). Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 trong tháng Mười vừa qua, họ Tập tuyên bố rằng hiện đại hóa quân đội Giải phóng Nhân dân cần phải hoàn thành cho tới năm 2035. Cho tới 2050, Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc quân sự. Phục vụ cho những mục tiêu nhiều tham vọng này là hơn 150 tỉ dollar.

Một thế lực khu vực đang trỗi dậy

Theo thông tin của viện chính sách Anh International Institute for Strategic Studies (IISS), cơ quan mà hằng năm đều đưa ra một bản tường trình “Military Balance” về mức độ hiện tại của tất cả các quân đội trên thế giới, hiện nay Trung Quốc đầu tư từ sáu đến bảy phần trăm tổng sản phẩm nội địa cho quân đội. Bản tường trình này cũng cho thấy rằng trong vòng những năm vừa qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn trong hiện đại hóa không quân và hải quân. Ưu thế của Hoa Kỳ đang teo nhỏ lại.

Ví dụ như chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc kiểu Chengdu J-20 là loại máy bay đầu tiên có khả năng tàng hình. Trong phối hợp với tên lửa không đối không hiện đại PL-15 và với khu trục hạm lớp Renhai, lần đầu tiên Trung Quốc có khả năng ngăn chận lực lượng quân địch một cách có hiệu quả ở cách xa bờ biển hay vùng biển ven bờ. Miachel Chase của Rand Cooperation nói thêm về điều này với Làn Sóng Đức: “Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ rất to lớn trong một loạt công nghệ quân sự chìa khóa nhằm để răn đe các địch thủ tiềm năng và đã xây dựng khả năng để chiến thắng những cuộc chiến tranh trong tương lai.”

Các chuyên gia nhất trí: Cuộc hiện đại hóa QĐGPND cho thấy, rằng Trung Quốc hiểu rất rõ, cách tiến hành chiến tranh hiện đại đã thay đổi nhiều cho tới đâu kể từ những ngày QĐGPND được thành lập trong năm 1927. Meia Nouwens, nữ nhân viên khoa học với trọng điểm Trung Quốc tại IISS nói với Làn Sóng Đức, rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đội tiềm năng trên mọi lĩnh vực – đất liền, biển, không trung, vũ trụ và không gian mạng. “Cuộc hiện đại hóa của QĐGPND đã mang lại cho Trung Quốc khả năng cũng có thể củng cố những yêu sách của họ trong khu vực cả bằng những biện pháp quân sự.”

Thiếu kinh nghiệm

Tuy vậy, cái mà quân đội Trung Quốc thiếu là kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện để phối hợp hoạt động của các binh chủng khác nhau. Thêm vào đó, tham nhũng và một cấu trúc tổ chức lỗi thời đang giới hạn sức chiến đấu của QĐGPND. Để làm thay đổi điều đó, Tập đã khởi động một chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lớn và bắt đầu tái cấu trúc hoàn toàn QĐGPND. Bằng cách này, QĐGPND được chuẩn bị để sẵn sàng hoạt động vào bất cứ lúc nào, ngay cả theo chiều hướng của một sự đe dọa phức tạp bởi một quân đội công nghệ cao như quân đội Hoa Kỳ. “Dưới sự lãnh đạo của Tập, Trung Quốc đã giải quyết một loạt thách thức đang ngăn chận việc hiện đại hóa quân đội, ngoài công nghệ ra”, Chase của Rand Cooperation nói.

Trong mối liên quan này, cả dự án phô diễn của Trung Quốc, “Một con đường – Một vành đai”, cũng bước vào cuộc chơi. Trung Quốc đầu tư bạc tỉ ở Trung và Nam Á, tức là những vùng được cho là tương đối ổn định. Để bảo vệ đầu tư của mình, Trung Quốc phải có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình bằng những biện pháp quân sự trong trường hợp khẩn cấp – trong khu vực lân cận, nhưng cũng kể cả ở những vùng xa hơn nữa. Nouwens giải thích: “Đối với Bắc Kinh thì đó là một việc tự nhiên, rằng ảnh hưởng quốc tế lớn hơn phải đi cùng với khả năng quân sự lớn hơn.”

Bành trướng toàn cầu

Vào ngày 1 tháng 8 năm 2017, Trung Quốc khánh thành căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên của họ ở Sừng châu Phi. Một dấu hiện rõ ràng cho việc Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng quân sự của họ ra khỏi châu Á và Thái Bình Dương. Một nghiên cứu của viện nghiên cứu Mỹ Center for Advanced Defense Studies (C4ADS) đi đến kết luận rằng 15 dự án cảng biển do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ “Một Vành đai – Một con đường” không có mục đích hai bên cùng hưởng lợi về kinh tế như Trung Quốc thường hay thề thốt mà trước hết là vì các lợi ích an ninh. “Các công cuộc đầu tư có mục đích bảo đảm ảnh hưởng về chính trị, nâng cao sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và mang lại ưu thế về chiến lược”, theo nghiên cứu này. Các hoạt động của Trung Quốc có mục đích nâng cao vị thế của họ như là một cường quốc hàng hải.

Công cuộc hiện đại hóa QĐGPND và ảnh hưởng quân sự qua đó ngày một tăng thể hiện một thách thức trực tiếp cho Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, theo Nouwens. “Nhìn về mặt quân sự thì rõ ràng là đang có một động thái hành động – phản ứng giữa Bắc Kinh và Washington.” Nếu như Hoa Kỳ thường xuyên gửi các đơn vị hải quân và tàu thủy xuyên qua Thái Bình Dương và Biển Đông thì Trung Quốc ngày càng gửi tàu thường xuyên hơn đến Ấn Độ Dương và thậm chí đến cả Địa Trung Hải và Biển Baltic.

William Yang

Phan ba dịch

#china

http://www.dw.com/de/chinas-milit%C3%A4rmacht/a-43636716