Ông có thể là một chính khách khôn ngoan, một người chuyên đứng trong hậu trường giật dây những sinh hoạt chính trị.
Ông có thể là một người tròn trịa, được lòng cả Tây lẫn Mỹ, có một quan hệ tốt đẹp với đảng phái, đối lập, báo giới và chính quyền để đến nỗi có kẻ đặt cho ông bí danh Đặng Bi Ve hoặc quá quắt nữa là Việt gian.
Ông có thể là một ông quan lớn của Đại Việt quan lại, kẻ được đích thân đảng trưởng Trương Tử Anh tuyên thệ và trao sứ mạng xuất ngoại tìm hiểu thế giới và tìm kiếm nguồn tài trợ.
Ông có thể là một tay tổ gián điệp, người đứng ra tổ chức công cuộc gài người lại miền Bắc Việt Nam, thiết lập cả một màng lưới gián điệp khắp ngang cùng ngõ hẻm ở miền Bắc sau hiệp định Genève.
Ông cũng có thể là một nghị sĩ thấu hiểu quy luật đấu tranh nghị trường, biết lúc nào phải nhượng bộ, lúc nào phải cương quyết và lấn tới.
Ông cũng có thể là một ông chủ báo tài hoa, thành công, đầy uy tín và có một ảnh hưởng lớn trong dư luận.
Ông còn có thể nhìn dưới nhiều nhãn quan khác nữa, hoặc như chính ông vẫn cứ tự nhận “Tớ chỉ là một anh nông dân xứ Nghệ” và sau này, quãng thời gian lưu vong ở Mỹ, “tớ chỉ là một anh social worker đi lo chuyện chồng đánh vợ, con bỏ nhà đi…”
Ông cũng cười bảo “tớ là bác sĩ không biết tiêm, không biết chích…”
Cho dù được nhìn dưới nhãn quan nào, từ góc độ nào, trong cảnh huống cá biệt nào, có một điều không thể phủ nhận được nơi ông là tấm lòng yêu nước thiết tha. Mọi hành động của ông trong suốt cuộc đời đều chỉ qui về một mối duy nhất là đấu tranh cho Việt Nam với một tấm lòng son.
Có lẽ không có cuộc đời nào giống như cuộc đời của ông Đặng Văn Sung, nhưng có lẽ mọi cuộc đời của những người quốc gia trong giai đoạn sau 1945 đều có những điểm giống như những gì ông Sung đã trải qua, một cuộc đời tiêu biểu cho cả một thế hệ miệt mài với cái ước vọng không thành sự thật, khi nằm xuống vẫn không thấy được một Việt Nam phú cường thịnh vượng đủ để góp mặt với cộng đồng thế giới trong thế kỷ sắp tới.
Nằm trên giường với ống thở dưỡng khí khoảng sáu tháng trước đây, bác sĩ Đặng văn Sung đã kể lại cuộc đời của ông với câu mở đầu “Tớ lao vào chuyện này chỉ vì lòng yêu nước và không thể chấp nhận chủ nghĩa Mác.”
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, ông Đặng Văn Sung đã học xong y khoa, chỉ còn chờ trình luận án. Mộng ước lúc đó của ông thật giản dị. Ông tâm sự chỉ muốn trở về Phủ Diễn để làm “một ông lang, tất nhiên là lang Tây, sống một cuộc đời lông bông một tí và lòng hướng về những việc làm có tính cách xã hội.”
Cái ước mơ đó có thể khởi từ những suy nghĩ của ông khi còn thơ, như thể là một câu trả lời cho đại gia đình họ Đặng.
Ông sinh trưởng trong một gia đình thế phiệt, ông nội Đặng Văn Thụy là một nhà nho, sau này giữ chức Tế Tự Quốc Tử Giám một năm thì cáo quan về dạy học.
Cụ Đặng Văn Thụy sinh được chín trai, bốn gái. Thân phụ của ông Sung là người con thứ ba, tên chính thức là Đặng Văn Cửu nhưng trong giấy tờ khai sinh của ông Đặng Văn Sung thì tên cụ thân sinh lại là Đặng Văn Bảo.
Ông cười kể:
– Tôi cũng chả hiểu tại sao lại để tên bố là Đặng Văn Bảo nữa. Rất nhiều người tưởng tôi là con của ông Đặng Văn Hướng, nhưng ông Hướng là bác, nhạc phụ của bác sĩ Phan Huy Quát, cũng như tôi với Đặng Văn Đệ là anh em chú bác. Đệ là con ông Đặng Văn Oánh.
Ông kể lại ông nội là nhà nho, sống đạm bạc và mọi cơ nghiệp nhà họ Đặng đều nhờ bà nội – bà Cao Thị Bé, dòng dõi Cao Xuân Dục.
Mô tả bà nội, ông Sung nói:
– Bà nội tôi là một bà tướng, chỉ huy đông tây, lèo lái mọi sự.
Thân mẫu ông là bà Đào Thị Định, còn có tên gọi là Dinh. Ông mồ côi cha sớm và điều này đã có một ảnh hưởng sâu đậm đến cái nhìn của ông về đại gia đình họ Đặng.
Ông nghĩ rằng thân mẫu của ông, và cái tiểu gia đình mẹ góa con côi đã bị các bác, các chú và họ hàng quyến tộc chèn ép nhiều. Ông nói:
– Tôi thương mẹ tôi lắm. Làm cái gì thì làm, tôi luôn luôn nghĩ đến mẹ.
Ông học trung học ở Nghệ An cho đến khi đậu Thành Chung năm 1936, lên Hà Nội và đậu tú tài vào 1939, theo học Đại học Y khoa, chuyên về sản khoa. Như cái nhìn của ông về bất cứ chuyện gì cũng đượm một chút phóng khoáng, ông kể “Tớ chỉ học vừa đủ đỗ, kiếm được cái học bổng đâu sáu, bảy đồng một tháng là vui rồi. Tớ đáng lẽ được du học sang Pháp nhưng rồi chuyện đất nước đẩy tớ vào một cuộc đời khác, đỗ bác sĩ mà không dám tiêm, dám chích cho ai cả.”
Nhớ lại thủa ấu thời hơn 3/4 thế kỷ trước, ông Sung băn khoăn:
– Tớ vẫn không hiểu tại sao ông nội lại đặt tên tớ là Sung. Sung là điếc, lấy từ câu trong kinh Dịch “Thúc hề, bá hề, điệu như sung nhĩ,” có nghĩa là chú cười, bác cười làm như thể điếc, và cụ lại còn đặt cho tên tự là Biểu Khanh có nghĩa là thằng điếc.”
Cụ Đặng Văn Thụy có thể muốn đứa cháu bưng tai bịt mắt trước thế sự đảo điên chăng, nhưng nếu quả như vậy thì cái tên Sung thật sự có vận vào đời ông, nhưng một cách ngược lại. Ông rất thính và không bao giờ là một người điếc trong công cuộc đấu tranh cho đất nước.
Cái ước mơ trở về làm đốc tờ Tây ở Phủ Diễn cho tới khi ông nằm xuống vẫn chỉ là ước mơ. Ông cho hay trong suốt thời kỳ học đại học, ông không hề tham gia sinh hoạt đấu tranh, hội kín, đảng phái. “Tớ chỉ lo học, đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và đi hát cô đầu.”
Cho đến ngày kháng chiến bùng nổ, Hà Nội đứng dậy, một cái dấu mốc lớn trong đời ông đã hiện ra.
“Lúc đó tớ – ông hay xưng tớ với những người nào trẻ hơn ông – lúc đó tớ lơ mơ lắm. Nhìn thấy toàn dân đứng dậy, tớ cũng thấy lòng bừng bừng và vì là bác sĩ, tớ tham gia vào công tác cứu thương. Khi đó có hai tổng hội sinh viên, một là sinh viên cứu quốc của Việt Minh, một là của anh em quốc gia. Tớ nhìn thấy ngay Mác-xít không phải là con đường thích hợp cho mình, nhất là nó đi ngược lại với dân tộc tính của người Việt Nam. Và tớ chống. Anh em bèn bầu tớ lên làm Chủ tịch sinh viên Y khoa. Thế là tớ dấn thân.”
Cách nói vắn tắt đó không đủ diễn tả không khí của Hà Nội sau mùa thu 1945. Nhật bị tước khí giới. Tây toan tính lập lại thuộc địa. Việt Minh chiếm độc quyền kháng chiến, tìm đủ mọi cách tiêu diệt các đảng phái quốc gia như VNQDĐ, Đại Việt, Duy Dân…
Và người bác sĩ trẻ tuổi, chưa đụng chạm với những thực tế của đấu tranh, biết mình không thể đơn
thân độc mã. Ông Sung kể lại:
– Từ lâu có một người tên Hướng, cùng quê xứ Nghệ vẫn cố vận động tôi vào Đại Việt. Tôi có cảm tình với anh Hướng vì là người đứng đắn và tôi cũng đồng ý với lý thuyết sinh tồn của Đại Việt, nên tôi đồng ý gia nhập Đại Việt với điều kiện được gặp trực tiếp Trương Tử Anh.
Phong thái của Trương Tử Anh đã hoàn toàn chinh phục ông. “Đó là một người tầm thước, chắc chắn, nước da ngăm đen, biết mình nói gì và quan trọng hơn cả là biết nghe, nhất là nghe những lời phê bình hợp lý.”
Ông đã chất vấn Đảng Trưởng về hệ thống tổ chức, về thực lực, về chiến lược đấu tranh. Đó là lần duy nhất ông gặp Đảng Trưởng nhưng ấn tượng của cuộc gặp gỡ đã đẩy ông vào một cuộc đời không phải
là cuộc đời của quan đốc ở tỉnh lẻ.
Hơn nửa thế kỷ sau, ông Sung vẫn nghĩ “nếu còn Trương Tử Anh thì Đại Việt sẽ khác, và cục diện cũng có thể khác.”
Tuy nhiên, ông cũng rất rõ ràng khi gia nhập Đại Việt “Tôi vào đảng để làm việc cho nước.”
Và cũng vì vậy cái chất Đảng trong người ông không lấn nổi để ông trở thành mù quáng chật hẹp. Nó giải thích những lúng túng của ông khi được hỏi về sinh hoạt Đại Việt, cơ cấu tổ chức, nhân sự, tài chính và ngay cả lý thuyết đảng.
Ông trầm ngâm khá lâu, để rồi kể:
– Lý thuyết Đảng hồi đó tôi được đọc qua một tập nhỏ lớn cỡ quyển lịch gập đôi lại, dày đâu mươi trang. Cái quan trọng nhất là không Mác-xít. Tôi tuyên thệ với Trương Tử Anh và chỉ biết thêm một đảng viên khác là ông Hướng, người giới thiệu tôi. Tôi chưa dự một sinh hoạt đảng nào theo kiểu họp hành có bí thư chi bộ, tỉnh bộ, có báo cáo kiểm điểm công tác…
Ông Sung nói:
– Cái hay và cái dở của Trương Tử Anh có lẽ là ở chỗ đó. Vì tình thế đòi hỏi, áp lực từ Pháp và Việt Minh khiến ông tổ chức Đại Việt quá bí mật, mọi công tác đều do ông phân phối, thành phần này không biết thành phần kia, nên khi không có ông, không có đảng trưởng, Đảng vỡ tứ tán.
Sau này khi từ Tàu về, ông đã cố gắng đi tìm Trương Tử Anh và Việt Minh đã lừa ông bằng cách gửi thư của Trương Tử Anh để toan diệt toàn bộ Đại Việt. Ông kể Hoàng Đạo, một cán bộ tình báo Việt Minh đã dựng lên Đảng Phục Việt, một đảng giả ở trong vùng Việt Minh kiểm soát, rồi tìm cách liên lạc với phòng nhì Pháp và với ông để tạo thế liên minh chống Cộng.
Ông nhờ Hoàng Đạo tìm xem liệu Trương Tử Anh có ở trong vùng Việt Minh chăng. Ít lâu sau ông nhận được thư của Trương Tử Anh. Ông viết thư trả lời, trong đó có những chi tiết chỉ có Trương Tử Anh mới biết. Sau đó không có thư của Trương Tử Anh nữa.
Sau lần gặp duy nhất, phong thái trượng phu của Trương Tử Anh đã chinh phục ông và khoảng một tháng sau đó, ông nhận được lệnh của Đảng Trưởng xuất dương qua Tàu “để làm tai mắt cho Đại Việt, nhìn xem thế giới bên ngoài đang có những gì xảy ra.”
Cùng với lệnh công tác là một mớ những thư giới thiệu bằng Hoa ngữ gửi các chi bộ VNQDĐ Trung Hoa nhờ giúp đỡ. Ông cũng được hứa là sẽ có ngân khoản lớn để chi dùng khi vượt biên giới.
Cái khởi đầu vô cùng lãng mạn. Một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, một đảng viên vừa được chính đảng trưởng tuyên thệ – chàng thanh niên Đặng Văn Sung thủ trong túi dăm cái thơ chữ Tàu chính chàng cũng chẳng hiểu gửi cho ai, nói cái gì, dấn thân trên đường xuất dương cứu quốc.
Ông kể lại cái khởi đầu bằng một giọng đầy hứng khởi:
– Tớ có biết gì đâu. Theo kế hoạch, tớ sẽ nhận được một ngân khoản lớn. Nhưng làm gì có – hoặc có mà không nhận được. Sau này đọc lại cuốn sách của ông Hoàng Văn Đào có thấy nói đến lúc đó một đảng viên Đại Việt tên Hướng bị giết và bị cướp một số vàng lớn. Trước khi đi tớ được biết là sẽ gặp ông Hướng để nhận kinh phí. Chắc là ông bị giết. Ai giết, tiền ở đâu ra, thú thật tớ không rõ.
Nhưng chàng vẫn đi. Dọc đường ông Đốc mới ra trường kiếm ăn bằng cách hành nghề bác sĩ chữa những bệnh lặt vặt và có một lần đỡ đẻ nữa.
Có lẽ phải nhắc đến một người Nhật đặc biệt, Yamaguchi với cái tên rất Việt Nam là Đặng Văn Thường. Theo ông Sung, có lẽ Yamaguchi là một cán bộ tình báo Nhật sang VN lo sinh viên vụ. Ông quen biết với Yamaguchi và khi Nhật bị đồng minh tước khí giới, Yamaguchi đã trốn ở nhà của ông Sung, số 96 Hàng Bút. Trên đường đi Tàu, lúc đến Lạng Sơn, ông gặp lại Yamaguchi. Một Nhật, một Việt dắt díu nhau vượt biên giới.
Xem ra những lá thư viết bằng Hán văn đó có ích lợi, vì đến đâu ông cũng được các chi bộ Quốc Dân Đảng Trung Hoa giúp đỡ. Ông quá giang nhiều xe nhà binh của các lộ quân Quốc Dân Đảng đến Côn Minh. Mục tiêu của ông là tới Nam Kinh rồi lên Trùng Khánh, lúc đó là thủ phủ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa và của thống chế Tưởng Giới Thạch. Ông muốn gặp cụ Trần Trọng Kim và Bảo Đại. Lần mò đến Nam Kinh thì được tin cụ Kim và Bảo Đại đã rời đó đi Hương Cảng.
Ông quyết định không đi Trùng Khánh nữa.
Sự kiện vua Bảo Đạo không đi Trùng Khánh gây một ấn tượng sâu sắc nơi ông và ông có cái nhìn khá đặc biệt với Bảo Đại. Phải chăng đó là lý do sau này ông ủng hộ giải pháp Bảo Đại?
Theo lời ông kể thì Bảo Đại biết là sẽ được tiếp đón và sống đế vương ở Trùng Khánh, nhưng ông vẫn đi Hồng Kông, vì “nếu đến Trùng Khánh thì tôi chẳng khác gì Lê Chiêu Thống ngày xưa. Thà đi Hồng Kông vốn là một cái chợ trời có đủ mặt quốc tế Anh Pháp Mỹ… còn có nhiều cơ hội hơn là sống trong lồng son Trùng Khánh, chỉ biết có Tàu.”
***
Khi kể lại chuyện này, ông Sung cho rằng Bảo Đại đã có một quyết định chính trị đúng.
Trên đường đi Hồng Kông, đến Quảng Châu thì Yamaguchi Đặng Văn Thường ra đầu thú với chính quyền Trung Hoa. Gần ba mươi năm sau, ông có dịp gặp lại Yamaguchi tại Nhật, khi ông đi dự Hội nghị Liên Hiệp Nghị Sĩ Á Châu Chống Cộng. Yamaguchi lúc đó là chủ một khách sạn nhỏ.
Đến Hồng Kông, ông gặp lại cả một tập hợp những khuôn mặt lịch sử của Việt Nam dưới mọi hình thái từ Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Phan Văn Giáo đến Đỗ Đình Đạo, họa sĩ Nguyễn Gia Trí và… cả thứ phi Mộng Điệp, cùng nhiều người khác.
Kể lại thời gian này, ông mỉm cười:
– Tớ khổ đã đành. Mình còn trẻ, xoay sở được. Nhưng thấy những người như cụ Trần Trọng Kim thì thật muốn rớt nước mắt. Cụ Kim lúc đó có cả cụ bà và một người con gái cùng sống, đời sống vất vả lắm. Có lúc không có nước tắm.”
Ít lâu sau có lẽ là do Tây hoặc do chính quyền Trung Hoa can thiệp, Bảo Đại được ở một phòng ở khách sạn. Nhưng cái khổ nhất là không thấy lối thoát. Không ai biết phải làm gì, ngày qua ngày nhìn nhau, nghe ngóng.
Ông Sung quyết định về nước. Ông trình bày và cụ Kim đồng ý.
Ông viết một lá thư trình bày lập trường của người quốc gia và những việc cần phải làm đưa tới cho Bảo Đại. Bảo Đại gặp, đồng ý và cấp cho ông một sự vụ lệnh để về nước.
Khi đi là đảng viên Đại Việt với công tác lệnh của Đảng trưởng, ông vượt biên giới với vài cái thư giới thiệu viết bằng chữ Tàu. Tám tháng sau ông trở về với một sự vụ lệnh bằng tiếng Tây của một ông vua không còn ngai, và ông nói: “Chưa biết ra sao nhưng cứ phải về đã.”
Khi trở về, bước xuống cảng Sài Gòn, ông trình sự vụ lệnh. Ông cười kể lại:
– Thằng cha commissaire chẳng biết đối xử với tớ ra sao, yêu cầu ngồi chờ. Sau đó từ sáng mãi tới chiều, chắc là do mật thám Tây giải quyết, ông chú họ của tớ đang ở Sài Gòn lúc đó ra đón tớ về.
Ông Sung cho hay sau đó ông đi gặp rất nhiều người để trình bày lập trường quốc gia. Có lẽ ông là người không quen những lập luận có tính cách lý thuyết, có thể là từ môi trường sinh viên bước vào đấu tranh không được sửa soạn, ông không bao giờ trình bày lập trường quốc gia như một lý thuyết, một chủ trương có lý luận hẳn hòi, một thứ cương lĩnh – hay một ý thức hệ. Nó chỉ tóm gọn trong cái ý niệm tạo lập một quốc gia VN độc lập không cộng sản. Để đạt được mục tiêu đó, những người quốc gia phải đồng thuận với nhau.
Ông hình như tránh những chữ Đoàn Kết, Nhất Trí, và ông dùng chữ concensus quốc dân như ông nói là căn bản cho tất cả.
Từ Hồng Kông về nước, gặp gỡ nhiều người để trình bày và có thể ông đã gây được một tiếng dội nào đó với người Pháp. Qua sự trung gian tổ chức của ông Trần Đình Quế, một bữa ăn gặp gỡ được tổ chức.
Phía Đại Việt có ông và bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn thuộc Đại Việt miền Nam. Phía Pháp có khoảng 13 đến 17 người ông không nhớ tên nhưng như lời ông nói “Toàn là tụi mật thám.” Họ đến để nghe ông nói.
Sau đó ông còn có dịp gặp nhiều người Pháp nữa kể cả tướng Salan và cuối cùng là Paul Ganay ở Hà Nội. Kết quả của bữa ăn do ông Quế tổ chức không bao giờ được phía người Pháp chính thức công bố hoặc thừa nhận nhưng họ yêu cầu ông Hoàn hoạt động trong Nam và ông Sung phụ trách miền Bắc không điều kiện bó buộc gì cả.
Khi gặp Paul Ganay, ông được hỏi cần giúp đỡ gì. Ông yêu cầu giúp phương tiện xuất bản một tờ báo và giúp phương tiện cho Hội Đồng An Dân có thể trợ cấp những đồng bào hồi cư từ vùng Việt Minh.
Người Pháp đồng ý, mở cho ông một chương mục 20 ngàn đồng và cấp giấy phép cho ông ra báo. Nói về sự việc này, ông kể:
– Bảo tớ là Việt Gian, tớ cũng chịu. Nhưng đó là điều cần phải làm. Họ cung cấp phương tiện thì mình làm, cốt sao có lợi cho chuyện chung. Và tớ ra báo, tờ Thanh Niên quảng bá lập trường quốc gia của mình. Hoàn cảnh của người quốc gia lúc đó nói chung và của tớ nói riêng, khó vô cùng. Một phía là Pháp, một phía là Việt Minh và đang có một cuộc chiến tranh.
Tờ Thanh Niên do ông chủ trương có sự cộng tác của nhiều nhân vật thuộc tổng hội sinh viên như Nguyễn Tấn Hồng, Trần Lê Cung… Song song, ông lập Phong Trào Bình Dân để – vẫn theo lời của ông – là quảng bá lập trường quốc gia và vận động cho một sự đồng thuận toàn dân trong mục tiêu dành độc lập và chống cộng sản.
Chữ mà ông hay dùng, chữ “Consensus” là một ám ảnh lớn với ông ngay từ đó. Ông không giải thích tại sao nhưng có lẽ những chia rẽ ngay trong Đại Việt, và rộng hơn giữa các thành phần quốc gia, các tôn giáo đã đẩy ông vào cuộc vận động này. Kết quả là Quốc Dân Đại Hội họp tại Tòa Đô Sảnh Sài Gòn.
Cho tới lúc tuổi già, sống lưu vong và đã chết một lần – ông bị ngưng thở khá lâu tưởng phải đưa xuống nhà xác nhưng sau đó hồi tỉnh lại – ông vẫn say sưa nói về Quốc Dân Đại Hội, coi như một hình thức của Hội Nghị Diên Hồng.
Ông kể:
– Đem được các ông ấy ngồi lại với nhau không phải dễ. Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Đại Việt, Việt Quốc, phe Nam, phe Bắc, phe Trung… Nhưng ai cũng thấy cái lập trường quốc gia minh bạch đó và đều đồng ý phải ngồi lại.
Một nghi vấn lớn nhất trong Quốc Dân Đại Hội mà khi hỏi thì đến phút cuối đời ông Đặng Văn Sung vẫn chỉ trả lời “không rõ tại sao lại thế.” Mục tiêu của QDĐH là đòi hỏi Việt Nam được độc lập để tự cường, có chính nghĩa chống lại cộng sản. Bản quyết nghị được thông qua có ghi rõ ý nguyện này của đại hội nhưng khi công bố thì lại ghi VN vẫn nằm trong Liên Hiệp Pháp.
Điều lạ là lúc đó chính ông Sung không nổi giận, không lên tiếng về sự tráo trở này mà về sau ông vẫn nói “không hiểu do đâu mà xẩy ra”.
Có thể giải thích sự thành công của QDĐH là đã tập họp được một tập thể thực sự đại diện cho nhiều thành phần của xã hội VN lúc đó và đây là lần đầu tiên có một sự kiện như vậy trong lịch sử đấu tranh của người Việt Nam.
Tờ Thanh Niên sau đó cũng bị đóng cửa. Tổng số tiền ông Sung đã xử dụng chỉ có 2 ngàn. Số còn lại vẫn ở ngân hàng và ông nói “tớ cũng chả biết tiền đó sau đi về đâu”.
Cuộc chiến Việt Pháp kết thúc sau trận Điện Biên Phủ và ông Sung nghĩ ngay tới cuộc đấu tranh trường kỳ với cộng sản. Ông nghĩ và thực hiện ngay kế hoạch cấy người ở lại miền Bắc.
Ông đã từng đụng chạm với mật thám Tây, với cán bộ tình báo cộng sản và nay chính ông và các cán bộ Đại Việt dấn thân vào một kế hoạch lớn. Ông kể:
– Chúng tôi làm việc này một cách nghiêm túc. Người được tuyển rải rác khắp miền Bắc từ Bắc Trung phần lên tới Thái Nguyên. Thành phần cài lại được chọn kỹ đủ ngành nghề từ thày bói đến nông dân, dân chài lưới, giáo sư, thương gia. Họ được đưa vào huấn luyện tại miền Nam ở nhiều địa điểm khác nhau.
Tuy nhiên, khi được hỏi sâu hơn về chi tiết thì ông không rõ vì những công tác tổ chức do các cán bộ trưởng toán đảm trách. Ông không biết có bao nhiêu người được gài lại và công tác huấn luyện gồm những địa hạt nào. Đó cũng là lúc Lansdale xuất hiện. Lansdale đã gặp thẳng bác sĩ Sung và tình nguyện trợ giúp về kỹ thuật và tài chính. Sau này trong nhiều tài liệu mật được công bố, điển hình là Pentagon Papers, người Mỹ nói họ đã gài người lại miền Bắc mà không bao giờ nói đến Đại Việt. Bác sĩ Sung khẳng định công tác này hoàn toàn do Đại Việt chủ trương và những người được gài lại đều là người có liên hệ đến Đại Việt.
Ông cho hay một vài người liên hệ đến công việc này hiện có mặt ở ngay California nhưng ông lại nghĩ chỉ có thể tiết lộ tên tuổi của họ sau khi ông liên lạc với họ để hỏi ý kiến trước. Đáng tiếc là ông không còn đủ thời giờ để thực hiện chuyện này.
Trở lại giữa thập niên 50, Việt Nam bị cắt đôi và ông Diệm về nước, truất phế Bảo Đại, lên làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
Người Mỹ – hoặc có thể riêng Lansdale – muốn Đại Việt chuyển nhượng hệ thống gián điệp này lại cho chính quyền ông Diệm. Phía Đại Việt không chịu.
Một hôm hai người trưởng toán của ông Sung bị công an bắt. Ông Sung kể chính tướng Nguyễn Văn Là chỉ huy vụ bắt bớ này. Ông Sung hạ tối hậu thư nội trong ngày công an phải trả lại người nếu không chính ông sẽ thân chinh đến đồn công an xin cùng đi tù.
Buổi chiều hai người trưởng toán được về.
Sau đó Đại Việt đồng ý để chính quyền ông Diệm xử dụng hệ thống gián điệp này. Ông Sung kể lại:
– Tối hôm đó, tôi đi cùng với mấy người trưởng toán đến căn cứ điều hợp, tôi khóc như một đứa con nít.
Đa số cán bộ Đại Việt nằm vùng ở miền Bắc bị lộ. Điển hình và được cộng sản miền Bắc làm ầm ĩ nhất là vụ một tổ bị lộ do công an cộng sản tình cờ tìm được một bộ phận truyền tin chế tạo tại Mỹ, còn cả nhãn hiệu Made in USA. Những cán bộ này bị đưa ra tòa án nhân dân và lãnh án tù rất nặng.
Cuộc chạm trán đầu tiên với ông Diệm là một chua cay, nhưng ông Đặng Văn Sung đồng ý vì nghĩ rằng chính quyền có đủ phương tiện hơn trong việc nuôi dưỡng và phát triển các tổ gián điệp, chỉ tiếc ông đã nghĩ sai.
Khoảng trống lớn nhất trong đời ông Sung có lẽ là khoảng thời gian ông Diệm tại vị. Ông trách ông Diệm đã tìm cách tiêu diệt sinh hoạt đảng phái và giáo phái quốc gia, có cái nhìn chật hẹp của một quan lại và cả tin những người trong gia đình. Bản thân ông chỉ bị theo dõi nhưng không bị bắt bớ cầm tù. Ông cho hay có gặp ông Nhu nhưng những lời đóng góp của ông không được chú ý. Ông sống rất đạm bạc và lợi tức duy nhất là dịch sách. Ông không có hoạt động cụ thể nào trong suốt thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa ngoài việc bàn luận với một số đồng chí và thân hữu như các ông Nguyễn Hữu Phiếm, Phan Huy Quát, v.v… Ông không tham gia vào nhóm Caravelle vì cho rằng “vô ích, ông Diệm và ông Nhu đầu óc chật hẹp, không chấp nhận ý kiến từ những phía khác”.
Và ông cười:
– Đến nỗi hôm đảo chính ông Diệm tớ cũng không biết trước. Mình như người ngoài lề.
Câu hỏi đặt ra là trong khoảng thời gian khá dài, hơn năm năm đó, ông suy nghĩ gì? toan tính gì? Ông cho hay là sống như một thường dân ngoài phố. Nhưng cái mộng ước về một consensus quốc dân lúc nào cũng ám ảnh ông.
QDĐH quả có đánh động được ước vọng cùng làm việc của nhiều thành phần quốc gia khác nhau và khi có cơ hội, ông lại lăn mình vào cái nỗ lực xây dựng một đồng thuận quốc gia.
Ông ứng cử và đắc cử vào Quốc Hội lập hiến, và sau đó Dân biểu quốc hội, Thượng nghị sĩ với liên danh Nông Công Binh. Có lẽ do ám ảnh đồng thuận quốc dân khiến suốt thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông không bao giờ đứng hẳn về phía đối lập, chống đối hoặc đánh phá chính quyền và cũng không bao giờ thuộc phe thân chính – phe mà báo chí Sài Gòn vẫn gọi là phe nâng bi. Ông đứng ngoài, đứng giữa những tranh chấp cá biệt, nhỏ nhoi, phe phái để cố tạo một căn bản cho công cuộc chống Cộng.
Trước câu hỏi chủ trương xây dựng tiệm tiến, từ từ này có thích hợp cho hoàn cảnh VN lúc đó – một VN quằn quại trong chiến tranh, một xã hội băng hoại đến tận cùng, bị nhồi xốc dữ dội giữa các thế lực quốc tế – hay không, ông chỉ đáp “đó là bản tính của tôi.” Thêm một ý giải thích nữa là vị trí của ông không cho ông có cơ hội đóng góp nào khác hơn những gì ông miệt mài, cố gắng làm.
Và để yểm trợ cho những hoạt động chính trị, ông xuất bản tờ Chính Luận với sự cộng tác của các nhà báo chuyên nghiệp Từ Chung, Thái Lân, Thái Linh và nhiều người khác nữa.
Ông cười bảo:
– Tớ có số làm chủ báo. Anh Từ Chung là một người trẻ, trí thức, lý tưởng và vì vậy có cá tính rất mạnh. Tớ cũng cứng cựa nữa nên trong những ngày đầu có những đụng chạm nảy lửa. Hoàn toàn về đường lối căn bản của tờ báo. Điều đáng mừng là sau những va chạm, anh em hiểu tớ hơn nên tờ Chính Luận vẫn có mặt.
Chính Luận đã đóng đúng vai trò phản ảnh những suy nghĩ của chủ nhiệm Đặng Văn Sung. Tờ báo không đăng tin và truyện nhảm nhí chiều theo thị hiếu quần chúng. Chính Luận cũng không ngả theo các phong trào chống đối, về hùa với một số tổ chức hay cá nhân để đánh phá chính quyền chỉ bởi những mục đích riêng rẽ. Nhưng Chính Luận cũng không bao giờ bị xem như là phát ngôn viên của chính quyền. Ông chủ nhiệm Đặng Văn Sung nhìn lại tờ báo và nói:
– Chính Luận có những đóng góp của nó nhưng quá rải rác, không đủ sâu, không đủ rộng.
Nhận xét có vẻ khiêm nhường nhưng cũng rất xác thực. Nó hé lộ cho thấy ông Đặng Văn Sung nhìn việc nước, nhìn công cuộc đấu tranh cho Việt Nam ở một tầm vóc lớn hơn.
Suốt đời ông Sung chưa bao giờ tham chính. Vào những ngày cuối cùng của miền Nam, ông vẫn nghĩ mọi sự không thể kết thúc vô lý như đã xảy ra. Ông dự đoán Sài Gòn có thể bị vây, thất thủ nhưng còn cả miền đồng bằng Cửu Long và sẽ có một hình thức kháng chiến nào đó.
Ông có tìm gặp ông Kỳ để hỏi và ông nói:
– Tớ chưa bao giờ nhận một chức vụ nào trong chính quyền nhưng kỳ này nếu có, tớ sẽ tham gia.
Ông không bao giờ có dịp tham chính.
Đến Mỹ, ông chưa biết làm gì nên để tiêu thì giờ ông lo giúp đỡ đồng bào tị nạn ở Orange County với tư cách tự nguyện.
Vài tháng sau, sở Xã hội đề nghị ông chính thức làm việc và “bỗng nhiên tớ là một anh social worker. Tớ vui với công việc giúp đỡ những đồng bào ít học, bỡ ngỡ trước cuộc sống mới.”
Cái cách nói rất Đặng Văn Sung đó đẩy tới một câu hỏi khác. Ông có giữ lại những mối dây liên lạc với chính phủ Mỹ, hoặc với những quan chức Mỹ mà ông từng quen, từng cộng tác?
Ông kể lại khi ở trại chuyển tiếp, Cronin, nhân viên CIA từng làm việc nhiều với ông gọi điện thoại tới hỏi ông cần gì?
– Tớ cần gì lúc đó? Nước mất, anh em thất tán, bản thân chưa biết sẽ ra sao, tớ chả muốn gì ngoài một chai rượu. Tớ bảo nó gửi cho tớ một chai rượu. Không bao giờ có rượu.
Ông tuyệt giao với những người Mỹ, ngay cả một lần đảng Cộng Hòa liên lạc yêu cầu ông đứng ra vận động tranh cử cho ông Reagan, ông cũng từ chối. Ông nói:
– Tớ sống như một người tị nạn, đi làm, tối về xem ti-vi, và thỉnh thoảng xoa mạt chược. Làm gì được nữa bây giờ? Thỉnh thoảng anh em có đến hỏi ý kiến. Ông Trần Minh Công của kháng chiến hồi đó có gặp tớ nhiều lần. Tớ có nói, muốn làm gì thì phải đi từ cơ bản, phải xây dựng một cái cộng đồng trước đã.
Giữa những nhân vật đấu tranh cho Việt Nam, ông là một trong số hiếm hoi chọn đời sống ẩn dật sau 1975. Ông cho rằng so với những anh em ở trong tù cải tạo, so với những người dân đang lây lất sống dưới chế độ cộng sản, ông sống vất vả như thế nào, làm việc gì dù cực khổ, vẫn hơn họ. Và ông yên phận với chức năng cán sự xã hội của quận Orange, mặc dù trên 70 tuổi vẫn còn kiếm sống bằng đồng lương công chức.
Ông cho hay có những đêm nằm khóc một mình, nước mắt cứ trào ra. Sức khỏe ông ngày một suy yếu, và khoảng tháng Mười năm 1997 ông phải vào nhà thương khẩn cấp. Đã có lúc tim ông ngưng đập nhưng rồi ông gượng dậy được, có cảm tưởng khỏe mạnh, nhưng vẫn phải thở bằng dưỡng khí.
Ông khất sẽ trả lời một số câu hỏi khác của người phỏng vấn trong một dịp rất gần. Ông hẹn sẽ nói ý kiến của ông về vai trò và chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông hẹn sẽ nói rõ hơn về đời sống gia đình, về tình cảm của ông, về những mối tình của ông. Trước lời nhắc “ông muốn nói gì với những người trẻ” ông chần chừ suy nghĩ và cũng là “cho tớ khất, sẽ trả lời sau. Chuyện này quan trọng.”
Cuộc đời của bác sĩ Đặng Văn Sung có lẽ không gì đúng hơn bằng chính lời ông nhận xét về mình “cái thất bại của tôi là không đủ tham vọng, và sống một cuộc đời lãng tử.”
Khoảng đầu năm 1945, tình cờ gặp một ông thầy bói, ông kể:
– Cái ông thầy bói đó đoán tớ có số làm cách mạng. Công danh có, tiếng tăm có, gia đình có, hưởng đủ mọi thứ trên đời nhưng lại như chẳng có gì cả, ngay cả gia đình, có đó mà cũng như không.
Bước chân vào đấu tranh vì lòng yêu nước, gia nhập đảng là để có chỗ thực thi lòng yêu nước đó, miệt mài với lý tưởng quốc gia, cần cù không ngơi nghỉ trong ý hướng xây dựng một đồng thuận quốc dân, ông đã sống một cuộc đời đáng sống. Ông chính là một tiêu biểu cho thế hệ ông, những người quốc gia đấu tranh cho một Việt Nam độc lập không cộng sản – và đã đấu tranh trọn đời nhưng không thâu được thành quả nào.
Trích từ “Chân ướt chân ráo” của cố ký giả Lê Thiệp.