Paul Nguyễn Hoàng Đức
(Tiểu thuyết mi-ni)
#paulnguyenhoangduc
#thaydivoa
Các bạn thân mến, thầy Divoa châm giờ vì internet hỏng. Chạy ra hiệu mới lên sóng được. Nhưng mạng fot feta, không tag cho mọi người được. Mong các bạn thông cảm.
28. ĐẠO LÝ CỦA LỜI
- Các trò ạ, - thầy Đivoa nói, - Chúa Trời nói rằng: “Kẻ nào được cho nhiều sẽ bị đòi lại nhiều!” Điều đó muốn nói rằng, cái gì ở đời thì đều phải có bổn phận của nó ngang với phẩm chất mà nó được tạo ra. Thép chẳng hạn, nó là thứ kim loại được sắp đặt từ trong cấu trúc nguyên tử vừa dẻo vừa cứng, thì nó thường phải chịu lực từ gầm cầu đến gầm ô tô…
Lời cũng vậy, vì nó mang giá trị tối cao và sáng danh chói lọi, nên nó cũng bị áp đặt dưới những qui tắc hà khắc nhất. Như người Hoa có nói “Nhất ngôn cửu đỉnh”, tức một lời nói nặng tựa chín đỉnh. Rồi “Nhất ngôn xuất ký, tứ mã nan truy”, nghĩa một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi. Hoặc “Vua không nói chơi”, người càng ở địa vị cao như vua thì lời nói càng phải cẩn trọng.
Còn người Việt thì bảo “Lời nói đọi máu”. Hay “Lời nói như đinh đóng cột”, nghĩa là nó chắc chắn rõ ràng và có “địa chỉ” nhất định chứ không thể vu vơ, hời hợt hay dối trá. Người Việt còn rủa những kẻ không biết xem trọng lời nói của mình là “Nhổ rồi lại liếm”, hay những kẻ không chịu trách nhiệm về lời nói là “Lời nói gió bay”.
Các triết gia cổ đại Hy Lạp xác định rằng: “Người ta chỉ sống tốt mới hạnh phúc”. Mà sống tốt luôn luôn mở đầu bằng Lời. Vì lời là trí tuệ, là mệnh lệnh cho hành động, mà nói điêu gian dối thì cách gì tránh khỏi bất hạnh?! Cùng một cách nghĩ như thế, người Việt bảo: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành!” Khi người ta sống chân thật với nhau, thì làm sao có thể sinh sôi những oán thù cho được. Người Việt cũng bảo: “Thật thà là cha quỉ quái”.
Trái với những thật thà là những điêu trác để hại người như “ngậm máu phun người”, “gắp lửa bỏ tay người”, hay “khẩu thiệt vô bằng”…
Người có lời lẽ ngay chính bao giờ cũng có sức mạnh, như “nói phải củ cải cũng nghe”, hoặc “miệng kẻ sang có gang có thép…” trong khi đó lời lẽ gian dối quanh co thì hèn hạ như “đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm”…
Bây giờ ta muốn kiểm tra trình độ của các trò. Ở xứ các trò, người ta thường nói “Miệng quan trôn trẻ” là ý làm sao?
- Khẹp Khẹp Khẹp… - Ngan muốn trả lời.
- Tại sao trò muốn trả lời?
- Dạ thưa thầy, vì em nổi tiếng là đi lỏng. Thi thoảng em lại xoẹt một cái bĩnh một bãi lỏng, nên các cư dân tức lắm. Vì thế cho nên em cũng thấm thía cái câu đó.
- Mời trò!
- Thưa thầy, trôn trẻ, vì thần kinh của chúng còn yếu, nên chúng không làm chủ được đầu ra, chúng hay xoẹt một cái bĩnh liền…
- Hi Hi Hi… He He… - các con vật lăn ra cười.
- Thế còn miệng quan?
- Dạ miệng quan như trôn trẻ là xoẹt một cái họ lại phát ngôn mà chẳng có nội dung gì cả, hoặc nội dung chỉ là bãi phân lỏng…
- Hì Hì Hì… Ha Ha…
- Các trò ạ, đây là một bài học quan trọng, nên ta không muốn nó kết thúc bằng những nụ cười. Các trò có hiểu ý ta không?
- Thưa thầy có! Mọi người phải có trách nhiệm với lời nói của mình, không nên dối trá quanh co, cũng không nên nói nước đôi, mà nên “ăn ngay nói thật”, thấy thế nào nói thế ấy!
- Cám ơn các trò đã nhận chân được bài học!
29. TƯỚNG MẠO CỦA LỜI
- Các trò ạ, phần này lẽ ra ta không đưa vào bài học, nhưng xét thấy, một lâu đài dù lớn không thể có một cánh cửa không hoàn thiện, các nhà khoa học nói rằng vũ trụ này vĩ đại vì nó chính xác đến từng một phần triệu milimet, chính xác đến mức một mũi tên bay từ trái đất lên mặt trời mà không trúng mắt con ruồi, thì vũ trụ sẽ gặp sự cố nổ tan tành?!
Trong thế tục, người Hoa đã xác định: “Nhất thanh, nhị sắc, tam hình”. Âm thanh đứng trên cả hình và sắc của mọi vật thể. Các ngươi biết không, khi những nhà vật lý, hay chuyên gia đồ cổ tìm hiểu vật chất hay bình lọ, người ta thường gõ lên, để nghe tiếng kêu mà biết chất lượng cũng như lịch sử của vật thể. Người chơi đồ cổ chẳng hạn, nếu gõ mà thấy nhiều âm thanh vang lên từ chiếc bình, họ sẽ biết nó được hàn gắn lại mà không phải nguyên khối đầu tiên.
Âm thanh ư, một khúc gỗ làm đàn vĩ cầm chẳng hạn, có cái đàn giá 10 quan, nhưng có đàn giá cả triệu quan. Tại sao? Vì tiếng của chúng khác nhau. Một lần ta cứ xấu hổ mãi khi hỏi một thợ đàn “cái đàn có đẹp không?” Thợ đàn bảo “Thầy Đivoa ơi, về cây đàn thì phải hỏi tiếng có hay không, sao ngài lại hỏi có đẹp không?” Ta xấu hổ đến tận bây giờ. Gỗ làm đàn chỉ hơn củi một tẹo, nhưng âm thanh của nó là linh hồn rồi. Và linh hồn có thể nâng giá gỗ lên cả vạn lần?!
Người Pháp nói “không ai được tất cả, không ai mất tất cả!” Người có tâm hồn đẹp thì thể xác lại xấu và ngược lại. Đấy cứ xem thiên tài quân sự như Hoàng đế Napoleon ấy lại chỉ là một anh nhóc lùn tí tẹo, trông rất mất giá?!
Một lần ta đi qua Sài Gòn nhìn thấy một thí dụ điển hình. Cô ca sĩ người Nga hát hay lắm nhưng lại béo ục ịch, xung quanh cô có cả dãy chân dài múa phụ họa. Ta thấy rõ ràng cái đẹp thể xác dù đến đâu vẫn cứ phải phục vụ cho giá trị tinh thần.
Linh hồn là bất tử. Một vĩ nhân hình như của Ấn Độ nói: “Kẻ nào tin rằng linh hồn bị chết, và kẻ tin có thể giết được linh hồn, cả hai đều ngu xuẩn!” Một bát nước rơi xuống đá vỡ tan tành, nhưng nước của nó sẽ bôc hơi lên mây, không có chuyện nước mất tiêu. Triết gia Béc-sông (Bergson) người Pháp có ví: linh hồn như chiếc áo, treo lên chiếc đinh thể xác, một ngày chiếc đinh rụng, chiếc áo rơi xuống, nhưng người ta sẽ nhặt chiếc áo lên để treo vào một chiếc đinh khác.
Đấy là tương quan của linh hồn bất tử với thể xác giới hạn kỳ gian, nhưng Chúa Trời dạy chúng ta rằng: “Thân xác là đền thánh của nước Trời.” Điều đó nói rằng Thân xác cũng phải sáng láng tương ứng như sự cao đẹp của linh hồn nhắm về lý tưởng.
Về điềm này ta cũng nhắc các ngươi nhớ lại một câu thơ, xin lỗi ta không nhớ của ai:
Miếu thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ dù phá vẫn nguyên miếu thờ!
Triết gia Aristote nói: “Hạnh phúc của một con người là một tinh thần cao thượng trong một cơ thể mạnh khỏe!”
Trong tướng có câu: lời nói lùng nhùng như đi trong bùn, đấy là diễn tả loại trí tuệ bất tài không thể rạch ròi, hay như người Việt bảo “ấp úng như ngậm hột thị”, hoặc: Ăn không nên đọi nói không nên lời!
Người Việt có tính xấu như: Được ăn được nói được gói mang về, có nghĩa là chia đều tất cả từ ăn đến nói đều cho dù người không có tư tưởng để nói.
Rồi có loại nói dây cà ra dây muống, kể chuyện hết vợ đến con, để nuốt chửng thời gian không cho người khác nói.
Rồi có loại im lặng ra vẻ không thèm nghe người khác. Các trò nên nhớ ngay cả một vở kịch câm, hay tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu hay điện ảnh đều cần có một kịch bản văn học để đạo diễn và diễn viên còn có đích mà theo.
Ta nói đến đây, ta muốn các trò kết luận lại cho ta có được không?
- Dạ thưa thầy!
Trước hết không nói lùng nhùng như đi trong bùn!
Không nói nước đôi!
Không kể lể thông tin lấp liếm dây cà ra dây muống!
Không im lặng để phản ứng theo kiểu ta không dự cuộc.
- Các trò ạ ta muốn bổ xung một câu cuối, vì tâm lý nhỏ lẻ, một bàn ăn chia vụn ra mấy nhóm nói chuyện riêng với nhau, không thèm để ý lẫn nhau, ta có cảm giác, tư tưởng người Việt có tầm vóc không vượt qua nổi bàn ăn?!
30. NÓI NƯỚC ĐÔI LÀM Á ĐÔNG MẤY NGHÌN NĂM DẪM CHÂN TẠI CHỖ
- Các trò ạ, ta dùng riêng bài này để nói về vật cản chính yếu làm cho Á Đông mấy nghìn năm không tiến bộ. – Thầy Đivoa nhăn mặt giảng. – Ta đã vấp đã vướng vào lối nói nước đôi này, nên ta thấy mệt mỏi lắm. Ta đành mượn lời triết gia Nieztscht của Đức để nói một câu: “Ta thà chêt trong hàm sư tử, còn hơn bị bọn côn trùng rúc ráy làm cho ngứa ngáy!”
Ta muốn thể hiẹn điều này một cách ngắn gọn và rõ ràng nhất, để cho những kẻ à uôm không có cơ hội tung hứng chơi trò ảo thuật. Người Việt có câu rõ ràng “Ngô ra ngô, khoai ra khoai. Muốn nói rằng người ta không thể nói bầy nhầy nhầy nửa nạc nửa mỡ. Người Việt còn chỉ đích danh bọn hãm tài “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, “làm trai cứ nước hai mà nói”. Hay còn dứt khoát “ Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát!” Người Việt còn chế tác cả một câu ca dao chỉ rõ việc này:
Nếu yêu thì nói rằng yêu
Chẳng yêu thì nói một điều cho xong
Chớ đừng dở đục dở trong
Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư!
Các trò ạ, rõ ràng bọn ăn nói nước đôi thì chỉ đáng lờ lờ nước hến. Người Việt đã chỉ rõ chính xác tình trạng này. Nước sôi thì pha trà, nước đá thì ướp lạnh, còn nước lờ lợ là vô ích chẳng pha trà cũng không làm mát được. Bọn nước đôi vừa muốn chui sâu xuống hầm để an toàn, vừa muốn xông lên để có chiến công thì thành cái gì. Ta nói cho các ngươi rõ, một chiếc máy bay hay cỗ máy có hiện đại thế nào, thì không thể vừa bay hướng bắc vừa bay hướng nam.
Sự lạc hậu do dậm chân tại chỗ của Á Đông chỉ cần chỉ ra vài điều:
- Cho đến bây giờ, Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam còn chưa có môn phê bình, chỉ có môn “bình-tán” nói đúng hơn là “bình hươu tán vượn” nói ú ớ lằng nhằng cho xong chứ đâu có dám phán xét tác phẩm. Ở Việt Nam có cả vạn giáo viên dạy văn, chữ nghĩa nhiều lắm nhưng số viết tiểu luận văn học thì đếm trên đầu ngón tay, còn chuyên luận thì dường như “không”, có vài chuyên luận thì lại đi đạo văn i xì của người khác?! Triết gia Kant của Đức có nói: học mà không thể phán xét thì là công cốc và vô ích. Cái học của người Á Đông vô ích vì toàn học thông tin chứ đâu có nhận thức gì?! Có phải vì thế mà Việt Nam không làm nổi chiếc đinh ốc. Ta có nói chuyện với một số tiến sĩ đại trà nói nước đôi ở xứ gà vịt này. Họ bảo: vì thế giới phức tạp, nên họ phải nói nước đôi và nước ba, nước tư mới có thể phản ánh thế giới này?!
Nói thế là ấu trĩ các trò à, vì khi chúng ta mở những nút dây rối, thì chúng ta càng phải lần từng nốt một, chứ không thể tháo vài nốt một. Ta đã bàn việc này rất kỹ với họ. Họ còn thể hiện cả lý thuyết về việc nói nước đôi rằng: “Người ta phải đi hai chân”.
Ta nói cho các trò nghe, đó là biện hộ, vì một chiêc máy bay có nhiều động cơ để dự phòng, nhưng nó chỉ bay một hướng mà thôi. Cơ thể con người có hai mắt, hai tai, hai tay, nhưng chỉ có một đầu cao nhất sẽ định hướng cho đích đến.
Các trò có hiểu bài học không?
- Dạ, có!
- Ta muốn trò nào trả lời cụ thể.
- Em!- Con rắn lên tiếng.
- Mởi trò!
- Dạ khi họ nhà rắn của em chuyển động, phải chuyển động hình sin, đánh sang phải, rồi đánh sang trái, nhưng không phải chúng em chuyển động qua phải hay trái mà là tiến thẳng hướng phía trước.
- Đúng lắm! Chính vì ăn nói lầy nhầy như đi trong bùn, vừa leo lên lại rúc hầm, vừa cài số tiến chưa lăn bánh đã lùi, tức nước đôi toàn diện, nên người châu Á khó mà tiến bộ như thi sĩ Tản Đà nói “nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Giờ ta hỏi các trò, tại sao người ta phải ăn nói thò thụt như vậy?
- Dạ, em xin được đáp!- Một con ốc nói.
- Mời trò!
- Đó là vì giống loài ốc bò sát đáy bùn chúng em, vừa mở mồm lại ngậm chặt. Mà lọai bò sát đáy bùn chỉ là nô tài thôi?!
- Đúng thế! Đúng! – Các con vật la lớn.
(còn nữa)