Fb Nguyễn Hồng Lam
Kỳ VII: HAI LẦN THÂM NHẬP VIÊT NAM BẤT THÀNH CỦA TRÚC LIÊN BANG
Lỡ mồm luôn là điều dại dột. Vì muốn giang hồ các xứ dễ theo dõi, trong kỳ VI, khi nói về các mối quan hệ và quyền lực bóng tối, Người Của Giang Hồ đã bất đắc dĩ nhắc qua đôi nét về tập đoàn tội phạm Trúc Liên Bang – hoa sen nở dưới khóm tre của Đài Loan. Hậu quả, bổn giang hồ phải giải thích mệt xỉu bằng inbox. Tựu trung, quần hùng vẫn hoài nghi bổn giang hồ nói dzậy mà không phải dậy, bởi cái đám Trúc Liên này liên quan quái gì đến Việt Nam ? Rồi nữa, trước sau vụ A Lý và Metropolis, bọn Trúc Liên trốn ở đâu, không lẽ chúng bốc hơi ? Quan trọng hơn cả, ở Sài Gòn, nếu chúng kín kẽ, lai vô ảnh, khứ vô hình, chẳng thấy báo chí nào nhắc đến, thế quái nào Người Của Giang Hồ lại biết được, hay chỉ là hóng hớt và lắp ghép ? OK, toàn là những hoài nghi ngờ nghệch, dại dột và đầy tính lương thiện. Tất nhiên, bá tánh đã đặt được câu hỏi, bổn giang hồ tất sẽ có câu trả lời và có trách nhiệm trả lời.
Vậy, hãy tạm quên mấy thằng Trà Bắc một vài kỳ rồi quay lại cũng chưa muộn. Còn khả năng Người Của Giang Hồ biết đến đến đâu, chúng sanh đọc xong tự lượng, bổn giang hồ không có ý kiến.
Tổ chức thứ ba trong bản đồ tội ác
Nhắc đến mafia “Made in Asia” (sản phẩm Á Châu), trước hết người ta phải kể đến ba hắc bang hùng mạnh khét tiếng là Tam Hoàng Hội, Thanh Y Bang và Trúc Liên Bang. Tam Hoàng nổi tiếng nhờ tuổi thọ cao nhất, hội viên đông nhất, tổ chức chặt chẽ nhất, trong suốt 200 năm qua đã từng can dự vào không ít biến cố lịch sử của Trung Hoa đại lục và các khu vực khác trên toàn thế giới có người Hoa sinh sống. Thanh Y Bang, ngược lại, khiến người Hoa ở khắp nơi kinh khiếp vì tính chất hoạt động bí mật, “lai vô ảnh, khứ vô hình” của nó, kèm theo là sự tàn độc vô biên. Cả hai tổ chức tội phạm trên đều bắt nguồn từ Bến Thượng Hải và Hồng Công, nghĩa là đều bắt đầu nhóm họp và bành trướng thế lực từ Trung Hoa đại lục. Còn Trúc Liên Bang, nhắc đến nó, người hiểu biết sẽ nghĩ ngay đến hòn đảo Đài Loan nhỏ bé
Tuy nhiên, vào hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, nghĩa là từ khoảng năm 1985 lại đây, Trúc Liên Bang đang có xu hướng nuốt dần thanh thế tội ác của hai tổ chức đàn anh, bởi sự hoạt động táo tợn, liều lĩnh và bởi những vụ thanh trừng đối thủ gần như đều được báo trước và bao giờ kẻ thủ ác cũng cố tình để lại “chữ ký” chứng tỏ chính Trúc Liên Bang là kẻ đã ra tay.
Tại Hoa Kỳ và Canada, xé bỏ nguyên tắc kín đáo - một đặc tính cố hữu của người Hoa - từ khoảng 1985 - 1989, đám thành viên “Nhicôlai” (trẻ tuổi) của Trúc Liên Bang đã tự tách bầy, cưỡi trên những môtô cao phân khối, thường là Harley Davison, đeo thêm những khẩu Colt, Uzi vào cạnh con dao trên thắt lưng to bản để cho ra đời một băng đảng mới khét tiếng hung thần có tên là “Born to kill”, tức “Sinh ra để giết” hay “Thiên sanh sát thủ” trong cách gọi của người Hoa, với lẽ sống là bạo lực, nhãn hiệu là sự tàn ác và lạm sát.
Tại Châu Á, sự bành trướng của Trúc Liên Bang đồng hành với giai đoạn mở cửa, cựa mình “hóa rồng” của các quốc gia trong khu vực. Nói chính xác, từ Đài Loan, Trúc Liên Bang phát tán như nấm độc sang Singapore, Mã Lai, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... và cả Việt Nam bắt đầu từ bộ cánh sạch sẽ của các doanh nhân, với “vốn đầu tư” (chủ yếu vào công nghệ giải trí) là chiêu bài để rửa tiền bẩn. Mãnh lực cạnh tranh của các doanh nhân có dính líu đến Trúc Liên Bang không hề thay đổi, luôn gắn chặt với lưỡi dao và viên đạn; chúng sẵn sàng xuống tay tước bỏ ngay mạng sống của đối thủ kinh doanh mà không cần suy nghĩ hay thương xót.
Lần thứ nhất: Nhà đầu tư và kẻ lưu vong
Đầu thập niên 90, một số thành viên Trúc Liên Bang, lần đầu tiên đã tìm được cơ hội trà trộn vào đám doanh nhân tìm cách thò chân vào Việt Nam. Trong số ít ỏi những tên tội phạm mặc complet này có Hou Ming Chin. Trong bốn năm 1993-1997, Hou đã xuất nhập cảnh vào thành phố Hồ Chí Minh 10 lần cả thảy. Với số “vốn đầu tư” ban đầu là 120.000 USD, Hou đã góp cổ phần và trở thành Phó Tổng giám đốc bộ phận sản xuất sàn gỗ thanh của Công ty Dona Bochang (Biên Hòa - Đồng Nai). Chỉ sau một năm (1994), thấy đầu tư ngành này lãi thấp, Hou rút hết vốn và trả lại chức vụ nhưng vẫn ở lại Việt Nam. Những năm tiếp đó, Hou đã “thử thời vận” trên nhiều nghề khác nhưng không trụ lâu dài ở nghề nào cả.
Đầu tháng 6-1997, để giải sầu, Hou dắt bạn gái là Yang Smu Mei sang Quảng Đông, Trung Quốc chơi, nghỉ lại tại khách sạn Đông Hoàn. Gọi là đi chơi, kỳ thực, đó chính là cuộc hẹn hò giữa Hou với Wang, một tên bạc bịp nổi tiếng của Trúc Liên Bang. Gặp nhau, Wang giới thiệu với Hou hai tay anh chị của hắc bang này là Chang và Chien. Trong lúc ăn nhậu và bài bạc, Wang nói rõ cho Hou biết mục đích của gặp gỡ, đó là bàn cách thanh trừng hai tên bạc bịp đồng bang là Chang Po Wen và Wu Wen Yu. Cùng với Wang, hai tên này đã giở nghề gian lận và thắng 14.000 USD, nhưng chỉ chi cho Wang 1.400 USD rồi ôm tiền chạy sang Việt Nam trốn. Wang muốn nhờ hai tên anh chị Chang và Chien sang đòi nợ, yêu cầu Hou giúp sức vì y ở thành phố Hồ Chí Minh lâu, thông đường thuộc lối. Wang nói với hai tên là: “Nếu chúng không trả, tao muốn chúng bị xử!”
Nửa tháng sau, ngày 22.6.1997, Hou gặp lại ba tên tại khách sạn Chợ Lớn (174 Sư Vạn Hạnh, quận 5). Thái độ muốn rút lui của Hou đã bị Chang dằn mặt: “Bọn tao sang Việt Nam để xử hai thằng kia. Người ngoài chỉ có mình mày là rõ chuyện nên mày phải tham gia, cấm chối!”
Biết quá rõ “kỷ luật” của Trúc Liên Bang, Hou chỉ im lặng gật đầu.
Lúc này, tại thành phố Hồ Chí Minh, hai tên đào tẩu Chang Po Wen và Wu Wen Yu đã thuê nhà C5, đường Nguyễn Hồng Đào, Tân Bình để sống chung với cô Huỳnh Lệ Hằng, bạn gái của Chang. Không khó khăn gì lắm, Hou Ming Chin đã tìm ra được địa chỉ của hai tên này và mời chúng đi theo cả bọn để “nói chuyện phải quấy”. Dưới áp lực của bốn tên Trúc Liên thạo nghề đao búa, Chang và Wu đành phải cúi đầu đi theo chúng.
Lọc lõi trong nghề phạm tội, bốn tên Trúc Liên đã vạch một lộ trình cực kỳ lắt léo chạy khắp nội thành rồi ra Thủ Đức, đi Biên Hòa, trở lại Bình Chánh và lần lượt ra tay. O giờ 30 phút sáng ngày 24.6.1997, tại bãi phế liệu của Nhà máy cán thép VICASA (Biên Hòa, Đồng Nai), Wu Wen Yu bị tên Chang bắn chết, sau đó rưới xăng đốt xác. Ngồi trên xe taxi, thấy ánh lửa, Hou Ming Chin mở cửa chạy xuống. Chưa kịp thốt ra lời nào, Hou đã bị tên Chang chĩa súng vào ngực cảnh cáo: “Không phải việc của mày. Tao xử nó đúng luật (giang hồ), đừng ý kiến. Bây giờ đưa tụi tao đi xử thằng Chang Po Wen”.
Lại thêm hàng loạt đoạn đường theo một lộ trình lắt léo, 3 giờ sáng hôm đó, chúng lại dẫn tên Chang Po Wen đến một mương nước nhỏ nằm khuất bên quốc lộ 13 thuộc địa phận xã Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức và bắn chết tên này rồi hất xác xuống mương. Trước khi rời “pháp trường”, hai tên Chang và Chien đều cẩn thận đặt cạnh xác hai kẻ bị hành quyết hai viên đạn chưa nổ, coi như chữ ký của Trúc Liên Bang trong quyết định tử hình!
Hai vụ thanh toán trong cùng một đêm đã khiến dư luận xôn xao và hoang mang. Hơn một tuần sau, ngày 1.7.1997, Hou Ming Chin bị bắt tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất khi đang cùng bạn gái làm thủ tục tính bay sang Campuchia lẩn trốn. Khi hình ảnh cả thủ phạm lẫn nạn nhân được báo chí đăng lên, rất nhiều người mới ngớ ra: họ đã nhẵn mặt tất cả những tên xã hội đen này tại các vũ trường lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ ít ngày trước khi chết, những kẻ bị bắn còn thường xuyên “ngồi đồng” mỗi tối bên chai rượu và một đám “em út” tại vũ trường Ceasar trong chợ An Đông, quận 5. Cùng bàn với chúng còn có một đám khá đông người Đài Loan khác. Nhưng, chúng vừa bị giết thì những kẻ này bỗng lặn mất tăm, không bao giờ còn thấy xuất hiện. Cả ba tên Wu, Chang, Chien - những kẻ trực tiếp thực hiện “lệnh hành quyết” - cũng đã nhanh chân trốn sang Campuchia trước khi tên Hou bị bắt và biến mất. Theo kết quả xác minh của PC16 (Cảnh sát điều tra), Công an thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm đó, tất cả những nhân vật được đề cập ở trên, kể cả những kẻ lạ mặt từng ngồi chung với chúng tại Ceasar, phía Cảnh sát Đài Loan đều khẳng định chúng là thành viên của Trúc Liên Bang hoặc ít nhiều có dính líu đến bang phái tội ác này.
Sự “dính líu” có lúc đồng nghĩa họ là kẻ bị Trúc Liên Bang khống chế. Theo điều tra của chúng tôi, có một số doanh nhân có máu mặt đang đầu tư, buôn bán ở Việt Nam, nhất là những người làm ăn riêng lẻ, không thuộc các tập đoàn lớn, hàng tháng đều phải “đóng hụi chết” cho bọn Trúc Liên bang. Lý do: Tại Đài Loan, toàn bộ gia đình họ đã bị hắc bang này phong tỏa, khống chế. Nếu người thân của họ ở Việt Nam ngưng đóng tiền hay báo cho cơ quan an ninh, gia đình họ tại cố quốc sẽ “có chuyện” ngay tức khắc. Điểm đóng tiền mua sự an lành thường là các vũ trường đông đúc, ít gây chú ý, trong đó có vũ trường Ceasar.
Gần như đồng thời điểm xảy ra hai vụ thanh toán, ngay tại Ceasar cũng xảy ra một sự cố. Vụ này nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa đối với những ai quan tâm đến hoạt động của Trúc Liên Bang tại Việt Nam.
Số là, với trình độ đai đen tứ đẳng Taekwondo, anh X. (bổn giang hồ xin không nêu rõ tên, chỉ mách nhỏ rằng anh này là chủ một quán cà phê nhỏ trong hẻm nhỏ, đường Nguyễn Trãi, QI, là cái quán mà suốt từ đó đến giờ, sáng nào cũng dọn sẵn cho bổn giang hồ 1 ly cà phê không đường, nắng hay mưa cũng không thay đổi), một huấn luyện viên võ thuật (đến thời điểm này -2015 đã đeo đai đen lục đẳng Taekwondo) đã được Ceasar ký hợp đồng làm đội trưởng đội an ninh của vũ trường. X. có nhiệm vụ ngăn cản sự quậy phá của khách với vũ trường hay giữa các nhóm khách chơi với nhau. Trong số các khách quen có một nhân vật Đài Loan người nhỏ thó, chưa già nhưng trán thì đã hói, luôn mặc sơ mi chim cò rộng thùng tình thường xuyên đi một mình, ngồi một bàn, không nhảy, không nói gì, chỉ uống rượu rồi về. Anh ta chẳng bao giờ trả tiền. Nhưng đó là việc của bộ phận khác, X. không bao giờ hỏi. Có điều rất khó chịu: vị khách này luôn xuất hiện với thái độ nghênh ngang, xấc láo. Hễ thấy vị khách này xuất hiện, những gã Đài Loan khác trong vũ trường đều đứng dậy chào và luôn tỏ ý sẵn sàng nhường ghế.
Một hôm, anh ta ngang nhiên tiến đến ngồi vào chiếc ghế giành riêng cho đội trưởng an ninh (được đặt ở vị trí thuận tiện quan sát toàn bộ sàn nhảy). Giải thích bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa mỏi miệng, vị khách vẫn không chịu rời chỗ, còn có thái độ thách thức nên với nhiệm vụ, X. đành phải cứng rắn lôi anh ta ra. Thằng cà chớn này với chai Remy Martin trên bàn giáng thẳng vào đầu X. Theo phản ứng, X. gạt ngay cú đòn và tống thẳng một đấm vào mặt khiến tên càn quấy gục ngay xuống sàn. Một chút náo loạn đã khiến ông chủ Ceasar phải xuất hiện. Khi nhận rõ mặt kẻ càn quấy thì ông ta tái mặt. Ngay sau đó, ông chủ nhã nhặn bảo X.: “Nếu anh cần bao nhiêu, tôi cũng sẽ trả, cho anh đi nơi khác tìm việc”!
Không hỏi, song X. hết sức ngạc nhiên, không hiểu tại sao mình bị mất việc dù đã làm rất đúng chức năng. Sự ngạc nhiên này sẽ không xuất hiện, nếu X. biết rằng, kẻ bị đo ván chính là một Sú há (thầu hà – đầu tôm) của Trúc Liên Bang. Anh ta có nghĩa vụ và quyền hạn như một cổ đông của Ceasar. Tại Đài Loan, gia đình anh ta được Trúc Liên Bang “bảo trợ” – nói chính xác là giám sát. Điều này mới thật quan trọng: tên thằng nhóc chim cò này là A Lý!..
Những vụ việc nêu trên không phải là cá biệt. Nhưng, sau hai vụ thanh trừng đêm 24-6-1997, bóng dáng những ông khách Đài Loan đáng ngờ này ở các nhà hàng, vũ trường đột nhiên thưa hẳn. Chính những nỗ lực của cơ quan Công an đã chặn đứng âm mưu thâm nhập lần thứ nhất của Trúc Liên bang.
Lần thứ hai: Chiến tranh băng đảng
Không chấp nhận nổi sự lộng hành của Trúc Liên Bang và bọn xã hội đen, năm 1995, chính quyền Đài Loan đã mạnh tay trừng trị, gom hết những tên lưu manh bất hảo ra đảo Xanh - một hòn đảo nhỏ chuyên giam giữ tù hình sự trọng án. Số còn lại đành tạm thời nằm im hoặc cao chạy xa bay sang các nước Đông Nam Á khác ẩn náu và gầy dựng lại băng nhóm. Cộm nhất trong số này phải kể đến hai tên: Trần Khởi Lễ biệt danh Lễ Vịt, ông trùm Trúc Liên Bang và Dương Quang Nam - Phó bang Tứ Hải. Chạy sang Campuchia năm 1997, núp dưới mác một nhà thầu xây dựng có vốn lớn, Trần Khởi Lễ đã bỏ tiền ra mua hàm Huân tước danh dự và bắt đầu tìm cách lân la kết giao với các nhân vật tai to mặt lớn trong chính quyền thành phố Phnompênh và Chính phủ Hoàng gia. Ô dù đã vững, thoắt cái tiền bạc đã biến ông trùm xã hội đen này thành một doanh nhân có máu mặt, đứng đắn và đáng kính, giúp hắn trúng rất nhiều vụ thầu béo bở trên đất Chùa Tháp. Đến lúc đó, Trần Khởi Lễ mới bắt đầu nghĩ cách bành trướng thế lực sang thị trường thành phố Hồ Chí Minh.
Là một lái súng cáo già, Lễ biết rằng không thể đặt chân sang thành phố Hồ Chí Minh ở tư thế đồi đầu với giang hồ bản địa, nhất là lúc này Năm Cam đã ra tù, đang tìm cách khuyếch trương thanh thế và ôm “mộng bá đồ vương” thống nhất giang hồ Nam Bắc. Do đó, Lễ Vịt quyết định chơi trò “công ty”, bắt tay với giang hồ Sài Gòn.
Quân sư cho chiến dịch ngoại giao này là Nguyễn Chí Thành, tức Thành Chân, tay anh chị Hải Phòng nổi tiếng từng một thời dưới trướng Năm Cam. Năm Cam bị bắt, Thành Chân cũng đào tẩu bằng đường xuất cảnh sang Anh rồi lộn về Đài Loan, gia nhập đội ngũ lái súng, trở nên thân thiết với nhiều nhân vật của Trúc Liên bang.
Dưới sự quân sư của Thành Chân, Lễ Vịt đã quyết định trao ấn tiên phong cho Lee Han Shin, tức A Lý, một kẻ đã chín lần ra vào Việt Nam, khá quen thuộc với những tên tuổi cộm cán của giang hồ Sài Gòn. Khá tháo vát, A Lý đã lần lượt qua lại và mua được một số cổ phần, cơ sở kinh doanh ngành nhà hàng, vũ trường của giang hồ Sài Gòn, trong đó có cả nhà hàng khách sạn Cam ở đường Nguyễn Tất Thành của Năm Cam, biến nó thành nhà hàng Tân Hải Hà, lập đại bản doanh cho Trúc Liên Bang ngay tại thành phố Hồ Chí Minh mà không hề tốn công sức đụng độ với giang hồ bản xứ.
Để tạo vây cánh làm hậu thuẫn cho A Lý, từ Phnômpênh, Trần Khởi Lễ đã phái sang Việt Nam 7 cao thủ gọi là băng “Thất tinh Bắc đẩu” đi kè kè A Lý nhằm khuyếch trương thanh thế. Đã có máu mặt, A Lý đã đi thêm những nước cờ táo bạo: cùng vợ là Diệp Hiểu Vân mua 30% (240.000 USD) cổ phần vũ trường Metropolis đang phất lên, sau đó lại đàm phán mua vũ trường Monaco của Năm Cam với giá 1 triệu USD, thông qua sự môi giới của một cổ đông khác tại Metropolis là Hồ Việt Sử. Vụ mua bán bất thành. Không rõ lý do, song A Lý vẫn cho rằng chính Sử phá đám, nên y găm hận vào lòng chờ cơ trả đũa.
Theo cách lý giải của giang hồ Sài Gòn, vụ mua bán này bất thành là do Năm Cam - đang rất cần bán Monaco để gom tài sản chuẩn bị sẵn sàng đào tẩu khi có biến - quá hoảng trước một vụ làm ăn lãi cao nhưng quá liều lĩnh, đẫm máu và ngu xuẩn mà A Lý bị nghi là tác giả. Vụ này xảy ra vào giữa năm 2001. Lee Ming Shing, một thương gia Đài Loan bị chặt lìa một cánh tay trên đường Nguyễn Hồng Đào, Tân Bình. Khi bảo tự chặt, khi nói là tai nạn, Lee tuyệt đối không khai báo với công an nguyên nhân và thủ phạm đích thực của vụ “tai nạn”. Nhưng giang hồ thì vẫn có cách giải thích, nghe rất có lý: Biết Lee - cũng là một tên xã hội đen - đóng bảo hiểm nhân mạng rất cao, băng Trúc Liên Bang và A Lý đã dụ Lee mượn 40.000 USD sang Việt Nam mua nhà lấy vợ, tất tật đều do đại ca A Lý giúp đỡ. Khi mọi thứ đã xong xuôi, A Lý lập tức giở trò phong tỏa, khống chế dọa giết Lee để đòi nợ.
Lee quyết định bán ngôi nhà mới mua để trả nợ nhưng không xong. Hễ có khách đến xem nhà, trả giá, A Lý lại sai ngay vài tên đàn em vằn vện đến chặn họ ngay tại cửa, buông lời cảnh cáo: “Nhà này đã bán cho giang hồ, đừng tranh mua mà rước họa vào thân”.
Để bảo toàn mạng sống, Lee Ming Shing đành chấp nhận để cho giang hồ Đài Loan kê tay gã vào một gốc bàng trên đường Nguyễn Hồng Đào và …chặt cụt một bàn tay, lấy mức bảo hiểm 25% là 75.000 USD sang trả nợ cả vốn lẫn lời cho A Lý!
Với Năm Cam, cách hành xử quá “tận mạng” của Trúc Liên Bang ẩn quá nhiều khả năng dẫn vào cửa tử, khó lòng qua mặt được cơ quan Công an. Do đó, ông trùm không bán Monaco cho A Lý, tránh dính líu để đề phòng hậu hoạn.
Đang điên tiết vì sẩy cú làm ăn lớn, A Lý lại nhận thêm một hung tin: Thị trưởng Phnômpênh Chaxupaila đã mở cuộc tảo thanh chống Trúc Liên Bang tại thủ đô, sau khi băng đảng này bị nghi là thủ phạm giết Lý Chí Hâm, Hội trưởng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Campuchia. Đầu tháng 7.2001, với phóng viên kênh truyền hình hữu tuyến Phnômpênh, sau cái chết của Lý Chí Hâm, Trần Khởi Lễ đã ngu ngốc ném ra những câu tuyên bố hết sức hớ hênh và ngạo mạn, rằng: “Ở Campuchia chỉ cần quẳng ra 300 USD là có thể thuê được một tay đao búa sẵn sàng giết người”.
Và: “Để tự bảo vệ, tôi đã tập bắn súng hai tay như một...”
Sau đó, y còn khoe trong nhà luôn có sẵn một số... súng đạn đủ trang bị cho cả trung đội. Kết quả là ngày 8-7-2001, cảnh sát ập vào, lôi ra từ nhà Trần Khởi Lễ tại biệt thự 62 đường 592, Tây - Bắc thủ đô Phnômpênh 20 khẩu súng; hơn 2.000 viên đạn, và bắt giữ y.
Đại bản doanh của Trúc Liên Bang ở Campuchia tan nát khiến A Lý mất chỗ dựa. Hắn bắt đầu hoang mang tợn, tính đánh bài chuồn, dẫn đến một sai lầm chết người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Để thu gom tiền bạc, A Lý đã kiếm chuyện gây sự với Hồ Việt Sử, vô cớ đòi Sử phải trả ngay món nợ 40.000 USD, trong khi trên danh nghĩa, đây là món tiền cầm cố một chiếc xe Mercedes Sử mượn của ông Vương và bà Hoặc Huệ Nghị, hai người này không đòi, nợ cũng chưa đáo hạn. Hành động nôn nóng này đã khiến đám Trúc Liên Bang của A Lý và băng Hồ Việt Sử lao vào đâm chém nhau, dẫn đến cái chết của tên Trần Ngọc Hiền vào rạng sáng ngày 12.8.2001. Dấu tích Trúc Liên Bang lộ ra khá rõ: Trần Ngọc Hiền chết bởi một viên đạn bắn ra từ một khẩu Flairegun đặc chủng, chuyên dùng bắn pháo hiệu, ở Việt Nam bói cũng không ra, trong khi với Trúc Liên Bang thì lại khá quen thuộc...
Kết quả là Công an Việt Nam lại ráo riết vào cuộc khiến đám Trúc Liên Bang mới manh nha đặt được một chân ở thành phố Hồ Chí Minh phải tháo chạy tan tác. Không còn Trần Khởi Lễ, dù đã trốn sang Campuchia cũng không còn nơi nương tựa, bí đường A Lý lại gây thêm tội ác (bắn chết một cảnh sát Campuchia) rồi “lặn” mất tăm mất tích. Có tin cho rằng, chính Trúc Liên Bang đã “thịt” A Lý, hy sinh tên tướng tiên phong thảm bại để cứu nguy đế chế. Một lần nữa, âm mưu thâm nhập Việt Nam của Trúc Liên Bang lại bị chặn đứng.
Thật ra, những tư liệu này hoàn toàn không mới. Bá tánh quan tâm có thể tìm đọc lại những bài viết của bổn giang hồ đăng tải trên báo ANTG từ năm 1997, hoặc đọc lại trong cuốn “Người của giang hồ”, NXB Công an Nhân Dân – 2004.
Ảnh: - CSHG Phnom Penh liên hoan ngày 8-7-2001 sau khi bắt Trần Khởi Lễ và phá băng Trúc Liên Bang. Người chống đũa là Đại tướng (sau này là Thống tướng, đã tử nạn vì rơi trực thăng) Hok Loong Đi, Tổng cục trưởng Tổng cục CSHG Camuchia (gồm Bộ Nội vụ, Hải Quan và Cảnh sát).
- Năm Cam và các chiến hữu ăn mừng vừa được thoát khỏi trại cải tạo (1997)
- Nguyễn Hồng Lam và Trung tướng Thau Suốt, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Camuchia. Ông Thau Suốt là một trong những người đóng vai trò lớn trong vụ phá Trúc Liên Bang tháng 7 - 2001. Ảnh chụp tại TX. Senmonorom, Mondulkiri, Campuchia tháng 2-2002.
- Năm Cam khi bị bắt, 12-12-2001